Toàn cầu hóa là cơ hội cho Việt Nam tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hóa mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách, làm sao “hòa nhập” mà không “hòa tan”, dù lịch sử cho thấy, chịu sự tác động trước những cường quốc rất sớm, nhưng chúng ta chưa từng bị thôn tính về văn hóa.
Văn hóa quốc tế qua mọi nẻo đường tác động trực tiếp đến từng nhà, từng người, thấm từ bộ phim, bài hát, đến thời trang, ngôn ngữ, thậm chí có lúc, có nơi đã trở thành làn sóng, là “phong cách”, “giấc mơ”, “thần tượng” với một bộ phận trong giới trẻ. Trong khi những giá trị truyền thống chưa kịp thích ứng với cái mới, những giá trị mới của cuộc sống chưa kịp hình thành dẫn hướng, thì tác động của văn hóa thế giới đã khiến nhiều người đón nhận một cách không giới hạn, dẫn đến sự thay đổi các giá trị văn hóa truyền thống.
Nhiều người vẫn còn chưa quên cảnh tượng ở sân bay Nội Bài, khi một diễn viên Hàn Quốc sang, đã có một số bạn trẻ hâm mộ đến phát khóc khi nhìn thấy thần tượng, rồi có bạn còn hôn ghế đá mà thần tượng vừa ngồi. PGS-TS Đào Tuấn Ảnh cũng chỉ rõ văn hóa hiện nay đang suy thoái và đó là nguyên nhân dẫn đến những xung đột, thảm họa trên thế giới.
Trong bối cảnh thế giới thay đổi với tốc độ chóng mặt, việc giữ gìn các giá trị Việt là vấn đề không đơn giản với các nhà quản lý văn hóa. Vì thế, cuộc hội thảo “Ảnh hưởng của xu thế văn hóa thế giới trong định hướng chính sách và quản lý văn hóa” do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 28-5 đã thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia với nhiều tham luận, ý kiến giá trị.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Yến lo ngại về xu hướng bảo thủ, lạc hậu hoặc phản khoa học trong thái độ với di sản văn hóa truyền thống, ở cả 2 thái cực: tuyệt đối hóa hoặc quay lưng lại truyền thống; phủ nhận những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đề cao các phản giá trị và những quan niệm lệch lạc du nhập từ nước ngoài.
Trong quá trình hội nhập, theo nhà phê bình Ngô Thảo: Điều đáng tiếc là hình như tinh thần tự cường, tự trọng của văn hóa dân tộc không được tiếp nối một cách có ý thức. Ăn sẵn, mô phỏng, học đòi trong nhiều lĩnh vực cần sáng tạo đang làm nghèo nàn bộ mặt văn hóa Việt. Lời giới thiệu đầu sách của hàng vạn ấn phẩm khiến người đọc hoang mang khi thấy cuốn nào cũng là kiệt tác. Đang có sự lép vế của văn hóa Việt Nam trước cơn lũ của văn hóa nước ngoài.
Chính sự lo ngại trước sự “xâm lăng” văn hóa, mà từng có thời kỳ xuất hiện quan điểm “đóng cửa” hay “mở cửa”, “tiếp nhận” hay “không tiếp nhận” và thực tế là cánh cửa luôn được dè dặt mở ra, rồi khép lại rất thận trọng với văn hóa bên ngoài. Nhưng rõ ràng, giao lưu, tiếp biến, hội nhập văn hóa là xu thế tất yếu khách quan mà không một dân tộc, một đất nước nào tránh được, nhất là trong thời đại ngày nay, văn hóa đã thành “sức mạnh mềm” trong cuộc đua tranh trên thế giới.
Không nên nhân danh bảo vệ bản sắc dân tộc mà chối từ hội nhập văn hóa. PGS-TS Lê Quý Đức cho rằng: “Chúng ta cần xác định thái độ ứng xử của mình, phải tích cực, chủ động hội nhập, biến văn hóa thành sức mạnh mềm trong cuộc ganh đua trên thế giới. Muốn làm được điều này, chúng ta phải phát huy sức mạnh văn hóa của mình để khẳng định vị thế dân tộc”.
Theo nhà phê bình Lại Nguyên Ân, những đánh giá ở bên ngoài về văn nghệ trong nước cần được lắng nghe, vì ở đó ít nhiều thể hiện những tiêu chuẩn đánh giá mang tính quốc tế. Ở thời đại của những khát vọng kinh tế sôi động hiện nay, vấn đề bảo vệ di sản văn hóa dân tộc cũng trở nên cấp bách hơn bao giờ. Làm sống động di sản, làm cho nhân loại biết đến di sản văn hóa dân tộc mình, chỉ được thực hiện trong giao lưu, hội nhập.
Làm thế nào để đón nhận xu thế văn hóa thế giới hiệu quả? Điều được nhiều ý kiến quan tâm là, cần xây dựng văn hóa dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống; xây dựng nền tảng văn hóa với những chuẩn mực xã hội, tính cộng đồng, ý thức tập thể và tính dân tộc cao. Trong quá trình hội nhập cần có thái độ cởi mở, tiếp thu cái mới, nhưng phải xuất phát từ bản thân, dựa trên những điều kiện cụ thể.
THU HÀ