Tại các buổi góp ý dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp, nhiều đảng viên ở cơ sở tại TPHCM cho rằng, để tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao được năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ 2015-2020 thì một giải pháp vô cùng quan trọng là xây dựng văn hóa trong Đảng.
Nói xây dựng văn hóa trong Đảng thực chất là nói tới xây dựng đạo đức, thực hiện dân chủ, kỷ luật, tăng cường các quan hệ xã hội và tuân thủ các nguyên tắc Đảng trong mỗi tổ chức Đảng và mỗi đảng viên.
Văn hóa trong Đảng được kết tinh, hình thành và phát triển từ truyền thống văn hóa dân tộc ta. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, nếu không có sự hy sinh anh dũng vì lý tưởng cách mạng, không yêu nước, thương dân, thiếu tình nghĩa đồng bào, đồng chí thì không thể có cuộc thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Tại các cuộc thảo luận góp ý dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp, nhiều đồng chí cán bộ lão thành cách mạng phát biểu, trong kháng chiến, Đảng sống trong lòng dân và được dân che chở, nuôi nấng. Hòa bình lập lại, Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân - cái vị thế đó luôn ẩn chứa nguy cơ tha hóa, xa rời quần chúng. Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 cùng sự ra đời của nước Việt Nam độc lập ngày 2-9 năm đó, Bác Hồ đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện những “ông quan cách mạng”, đó là dấu hiệu đầu tiên của sự tha hóa.
Trở lại đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng vừa qua, cho thấy có một số chuyển biến tích cực, bước đầu trong các tổ chức Đảng và đảng viên, tạo dựng niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhưng về lâu dài, yêu cầu đặt ra là phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực, mạnh mẽ hơn thì mới tạo sự chuyển biến rõ nét, từ đó ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tăng cường sự thống nhất trong Đảng. Đảng coi đây là “vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta”. Theo ý kiến của nhiều đồng chí cán bộ cách mạng lão thành góp ý dự thảo văn kiện đại hội Đảng, đặt vấn đề xây dựng văn hóa Đảng trước hết phải nói tới xây dựng văn hóa ứng xử giữa những đảng viên với nhau.
Bài học thành công của nhiều tổ chức Đảng ở TPHCM chỉ ra rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ có thể thành công khi các tổ chức Đảng đưa các giá trị văn hóa trong sinh hoạt Đảng và tới từng đảng viên. Bởi lẽ, không chỉ có sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, từng đảng viên còn có sợi dây liên kết tình cảm đồng chí trong tổ chức Đảng. Đặc điểm chung ở những tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh đúng thực chất, làm được nhiều việc cho dân và được dân yêu thương tín nhiệm thì luôn đề cao tính kỷ luật trong Đảng, các đảng viên ứng xử với nhau rất nhân văn, nhân ái. Những giá trị văn hóa đó nếu thiếu đi trong mỗi tổ chức Đảng và mỗi đảng viên thì rất khó nói đến uy tín và hiệu quả hoạt động của Đảng. Luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, mọi hoạt động của Đảng đều xuất phát vì lợi ích của nhân dân thì sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ. Đó chính là cội nguồn sức mạnh của mọi thắng lợi và thành công của Đảng ta.
Trong cuộc sống thường ngày có biết bao tấm gương “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” ở mỗi khu phố, khu dân cư. Đó là những đảng viên luôn lo trước cái lo của dân, nhưng sẵn sàng vui sau niềm vui của dân và luôn coi niềm vui của dân cũng là niềm vui, hạnh phúc của chính mình. Một khi văn hóa trong Đảng thấm sâu vào suy nghĩ, việc làm của mỗi đảng viên thì ở họ còn có sức cảm hóa, làm thức tỉnh lương tri, lay động tình cảm, thuyết phục mọi người xung quanh.
Trong diễn văn phát biểu tại lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến các bài học của Đảng ta trong chặng đường cách mạng, trong đó nhấn mạnh “truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu của mình”. Đó còn là “truyền thống đoàn kết, thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí”.
Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, phía trước còn những thách thức to lớn thì hơn bao giờ hết càng phải đề cao, phát triển giá trị văn hóa trong Đảng, trong đó lấy xây dựng đạo đức là trọng tâm, bởi đó vừa là cái gốc vừa là biểu hiện quan trọng nhất của nhân cách con người, qua đó góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng văn hóa con người Việt Nam.
TUẤN SƠN