Thời gian qua, di tích hoàng thành Thăng Long mới được khai quật đã thu hút sự quan tâm chú ý của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và du khách nước ngoài. Tuy chỉ là những sản phẩm không hoàn chỉnh, những dấu tích của hệ thống mặt bằng nhưng người xem đã cảm nhận và thấy được một Thăng Long cách đây gần 1.000 năm.
Có thể khẳng định, di tích lịch sử văn hóa hoàng thành Thăng Long đã phác lộ những nét đặc trưng về một giai đoạn lịch sử thời xa xưa trong bề dày lịch sử dân tộc Việt. Những giá trị của di tích ấy là điều đã được khẳng định, tôn vinh. Tuy nhiên, vấn đề sống còn của hoàng thành Thăng Long tùy thuộc vào sự bảo quản, tu sửa và cách thức tổ chức đưa di tích này vào cuộc sống hiện nay.
Người xưa có câu: “Nước chảy đá mòn”, hàm ý nói về sự tàn phá của thời gian. Thực tế cho thấy, có rất nhiều di tích lịch sử bị thời gian làm cho đổ nát thậm chí không còn gì, chỉ để lại vết tích nào đó. “Nuôi dưỡng” các di tích là một thách thức lớn đối với xã hội hôm nay. Không chỉ riêng ở nước ta, các nước trên thế giới cũng vậy. Đã có rất nhiều những công trình, bài viết về vấn đề bảo quản trùng tu, tôn tạo các di tích. Dù có nhiều cách thức khác nhau, nhưng tựu trung đều đi đến một kết luận: bảo quản các di tích chính là bảo vệ và giữ gìn cái “hồn vía” của di tích.
Không nắm được “hồn vía” của di tích không thể nào bảo quản và duy trì “sự sống” của di tích. Có không ít ngôi chùa, đình làng cổ xuống cấp nghiêm trọng phải tu sửa lại. Nhưng rồi, sau khi trùng tu người ta không còn nhận ra ngôi chùa ấy là chùa gì. Một sự làm mới thô thiển. Một sự biến dạng rất đáng tiếc!
Hiện dư luận đang quan tâm chú ý nhiều việc trùng tu di tích Ô Quan Chưởng ở Hà Nội. Đây là một di tích đặc biệt hiếm đối với một đô thị lớn. Bởi lẽ, di tích này không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là một vật thể đương đại phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Để đảm bảo an toàn cho người dân, việc nâng cấp sửa chữa tôn tạo Ô Quan Chưởng là điều bắt buộc. Tuy nhiên, để tránh vết xe đổ khi phục dựng tôn tạo những cổng làng cổ xưa thành cổng chào hiện đại, việc tôn tạo Ô Quan Chưởng phải được xem xét kỹ từ mọi phía. Kết quả của cuộc trùng tu này phải được nhìn nhận ở hai giá trị: Giá trị di tích và giá trị sử dụng.
Xin được nhắc lại, giá trị của di tích chính là “hồn vía” của di tích. “Hồn vía” ấy ẩn chứa ở màu sắc, ở những hoa văn, họa tiết, ở cấu trúc tổng thể và cục bộ. Cha ông ta ngày xưa khi xây dựng rất có ý thức về bản sắc văn hóa Việt Nam. Những cấu trúc, hoa văn, họa tiết, chính là nét độc đáo, là bản sắc văn hóa Việt. Làm mất đi hoặc biến dạng, sai lệch bản sắc thì chẳng nên trùng tu tôn tạo nữa. Hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần “văn hóa trùng tu” để bảo quản, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Có thể chấp nhận đồ giả cổ nhưng không thể chấp nhận “giả di tích”
TÂN VĂN