Văn hóa truyền thống tìm hướng truyền thông

Sự lan tỏa của mạng xã hội; chất lượng và thực lực nghệ sĩ là những yếu tố làm nên thành công của sản phẩm văn hóa hiện nay. Nhưng, yếu tố giúp tác phẩm đi vào công chúng lại chính là truyền thông. Chỉ cần đi đúng hướng, sản phẩm văn hóa truyền thống sẽ tạo được hiệu quả thực sự.
Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Truyền thông tăng hiệu ứng cho sản phẩm

Nghệ sĩ trẻ hiện nay xây dựng truyền thông rất tốt. Ca khúc Nam quốc Sơn Hà (phổ từ bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” trong sách ngữ văn lớp 7) của ca sĩ Erik, Phương Mỹ Chi là một ví dụ về hiệu ứng truyền thông. Cụ thể, dù sự kết hợp của hai giọng ca gần như không hòa điệu, nhưng ca khúc vẫn đạt hơn 1 triệu lượt xem sau 3 ngày đăng tải, với đủ lời khen từ khán giả.

Trước đó, Hòa Minzy từng khiến người hâm mộ đứng ngồi không yên với MV Không thể cùng nhau suốt kiếp tái hiện chuyện tình đẫm nước mắt của Nam Phương Hoàng hậu và Vua Bảo Đại. Hiệu ứng truyền thông từ việc đầu tư MV suốt 2 năm, câu chuyện lịch sử, trang phục các nhân vật… gây chú ý một thời gian dài. Một dự án khác là album Hoàng của Hoàng Thùy Linh với nhiều ca khúc được truyền thông gắn mác đề cao văn hóa truyền thống. Ca khúc Để Mị nói cho mà nghe trong album lan tỏa khắp các sân trường, sân khấu dù đây chưa hẳn là âm nhạc đỉnh cao. 

Có nhiều trường hợp, dẫu âm nhạc chưa xuất sắc, chỉ đơn thuần giải trí nhưng nhờ truyền thông nâng lên với lớp vỏ “lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống” đã thu hút sự chú ý. 

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng cho biết, có nhiều khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm nghệ thuật truyền thống: nghệ sĩ không có kinh phí, nhạc trẻ đang lấn át thị trường âm nhạc, nhạc truyền thống bị thu hẹp trên truyền thông... Bên cạnh đó, anh cho rằng các trang phát hành nhạc được tự do phát hành các ca khúc nhạc trẻ nhưng lại hà khắc với ca khúc truyền thống cách mạng. Bá Hùng không ngại kể: “Năm 2020, tôi thực hiện album nhạc truyền thống có 9 ca khúc do nhóm Tình ca Việt thể hiện. Tuy nhiên, khi gửi cho một đơn vị phát hành nhận được phản hồi hầu hết các ca khúc có ca từ chưa phù hợp với tiêu chí của nhà phát hành và sau đó họ chỉ duyệt 3 ca khúc".

Loay hoay tìm hướng định danh

Trong câu chuyện truyền thông với văn hóa truyền thống, trăn trở nhất có lẽ là hoạt động bảo tàng. Đây là lĩnh vực vốn trầm lắng so với các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung, tuy nhiên tại TPHCM, vấn đề “vắng như bảo tàng” không thể không nhắc đến lỗi trong việc truyền thông. Dễ thấy, một số bảo tàng có lượng khách ổn, thì hoạt động fanpage luôn kịp thời và tích cực tương tác như: Bảo tàng Lịch sử TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Áo dài… Câu chuyện kinh phí để chi cho những gói truyền thông lớn hẳn là việc quá sức đối với bảo tàng công lập, nhưng việc bỏ ngỏ cả website và fanpage chính là đánh mất cơ hội để bảo tàng tự quảng bá cho chính mình trong không gian đa chiều của mạng xã hội hiện nay. 

Nhìn nhận sự thiết yếu của hoạt động truyền thông, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, chia sẻ: “Dù là trong tình hình dịch bệnh, tôi vẫn cho đội ngũ truyền thông cập nhật bài viết lên website và fanpage bảo tàng. Ngày thường, có khách đến tham quan, chụp ảnh thì mình chia sẻ hình của khách; lúc nghỉ dịch, nhân viên trong bảo tàng cũng mặc áo dài, chụp hình cho nhau rồi chia sẻ lên fanpage. Thời buổi mạng xã hội phát triển, bảo tàng dù là lĩnh vực khá kén khách nhưng cũng phải xây dựng các kênh để kết nối và tiếp thị, để khách dù ở xa hoặc tạm nghỉ dịch họ vẫn theo dõi được cảnh sắc của bảo tàng. Việc xây dựng website và fanpage cho bảo tàng không tốn kém nhiều so với trước đây, thậm chí nhân viên kỹ thuật của bảo tàng cũng có thể đảm đương được, quan trọng là khi lập ra website và fanpage rồi, mình phải tìm cách thiết kế và cập nhật nội dung để thu hút khách quan tâm dù là trực tuyến hay trực tiếp”. 

Không chỉ với bảo tàng, các hoạt động triển lãm cũng gặp chung vấn đề trong câu chuyện truyền thông. Có kinh nghiệm tổ chức các triển lãm online kết hợp thực tế ảo, thực tế tăng cường, Hoàng Trương Minh Thư (Trưởng dự án NÓI - The Sympathy, một đơn vị tổ chức trình diễn tại TPHCM) chia sẻ: “Khó khăn về mặt kỹ thuật, công nghệ và tìm kiếm nền tảng vẫn có nhưng không quá lớn. Điều khó khăn nhất với chúng tôi, là việc truyền thông về sự kiện sao cho mọi người có thể tin tưởng và đóng góp nội dung cho triển lãm. Không có khán giả quan tâm, nó không thể là một triển lãm nếu như không có những câu chuyện và hiện vật trưng bày. Triển lãm online thì truyền thông để thu hút khán giả lại càng quan trọng”.

Truyền thông và văn hóa truyền thống, không thể cứ “hữu xạ tự nhiên hương” là có khán giả, mà cần phải coi truyền thông là một chiến lược thực sự để quan tâm đúng mực và đầu tư về lâu dài.

Gần 10 năm trong lĩnh truyền thông thương hiệu, chị Nguyễn Hà Tú Anh (K. media) chia sẻ: “Lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc đã cho bạn một thiện cảm với công chúng rồi, nhưng không phải vì vậy mà lạm dụng nó. Giá trị ở chỗ cần kết hợp và đặt để đúng chỗ, không thể cứ thấy truyền thống thì ôm đồm hết, rồi gán một cái tên thật mỹ miều là tôn vinh, cảm hứng như vậy thì chẳng khác nào chiếm dụng văn hóa bản địa”.

Tin cùng chuyên mục