Giữa tuần qua, nữ sinh viên T.C. điều khiển mô tô chở người nhà đến cổng chính Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TPHCM) trên đường Nguyễn Chí Thanh thì được bảo vệ bệnh viện hướng dẫn qua bên đường Lê Đại Hành (phường 4, quận 11 - đối diện cổng bệnh viện) gửi xe.
Khám bệnh xong, T.C trở ra điểm giữ xe số 8 (cách ngã tư Lê Đại Hành - Nguyễn Chí Thanh khoảng 20m) lấy xe và do chưa quen đường khu vực này nên khi thấy mấy anh công an phường 4 đang lập chốt trước nhà số 1 Lê Đại Hành liền quay xe lại để hỏi hướng đi ra đường Tô Hiến Thành.
Tại đây, chẳng những chiến sĩ trẻ Nguyễn Trần Ngọc Hải không hỗ trợ hướng dẫn mà còn đòi giữ xe vì đang “đi ngược chiều”. Quả thật đường Lê Đại Hành có đoạn lưu thông một chiều (từ đường Nguyễn Chí Thanh đến đường 3 Tháng 2), nhưng bảng cấm đặt gần nhất cũng ở đầu giao lộ bên kia cách đó 200m, nên dân từ xa đến gửi xe để vào bệnh viện và khi trở ra đường cũ lập tức bị “ăn” biên bản. Điều đáng nói, khoảng 50m ở đoạn đường nhỏ hẹp này (trừ trước cổng Trường Tiểu học Đề Thám) đều bị chiếm dụng toàn bộ lề đường để buôn bán, lập bãi giữ xe nhưng không thấy công an phường 4 xử lý. Nữ sinh T.C. ấm ức: “Khúc đường này đông đúc quá, lúc đi vào cũng thấy có xe đi ngược trở ra nên lo tránh xe chứ không chú ý đường mấy chiều. Tôi không thắc mắc chuyện nộp phạt nhưng không phục vì lỗi vô ý vi phạm của mình. Nếu biết đoạn đường này ngược chiều, tôi đã không chủ động chạy xe đến chỗ gặp mấy anh công an để hỏi đường. Lẽ ra anh Hải chỉ nên nhắc nhở hoặc tận tình hướng dẫn, đằng này còn nạt nộ, không cho tôi nghe điện thoại khi có cuộc gọi tới. Khi người nhà tôi thắc mắc hỏi văn bản nào không cho dân sử dụng điện thoại nơi công cộng, một anh công an khác “phán”: “Không có trách nhiệm trả lời”. Có việc chưa rành, người dân mới đến hỏi nhưng tôi thấy mấy anh công an phường 4 hôm đó vô trách nhiệm quá, chỉ “chăm” lập biên bản”.
Hôm 2-9 vừa rồi, có vợ chồng ông giáo già điều khiển xe máy lưu thông chậm rãi trên đường Võ Văn Kiệt, hướng từ quận 5 về quận 1 để xem bắn pháo hoa trong ngày đại lễ. Vừa qua giao lộ Hải Thượng Lãn Ông thì bị dừng xe, một CSGT trẻ tuổi bước đến nói giọng nhỏ nhẹ: “Đi buổi tối, bác phải mở đèn xe”. Ông giáo già giật mình và xin lỗi anh cảnh sát trẻ vì lỗi vô ý của mình, tưởng chỉ bị nhắc nhở nên ông nói tiếng “cảm ơn” rồi định đi, nhưng anh CSGT trẻ bỗng đổi giọng: “Ông đưa xe lên lề để tôi lập biên bản”. Ông giáo già nộp phạt nhưng cũng ấm ức với lỗi vô ý vi phạm của mình và “buồn” với giọng gắt gỏng sau đó của anh cảnh sát.
Một đồng nghiệp tuổi trung niên kể rằng, hôm đó anh chở con đi học hướng từ quận Phú Nhuận về quận 3. Do nhiều đường lớn bị kẹt xe trong giờ cao điểm nên anh chạy xe dọc theo đường ray xe lửa. Đến giao lộ Nguyễn Văn Trỗi thấy có CSGT đứng chốt nên dừng xe lịch sự hỏi: Đi thẳng qua bên kia được không anh? Một CSGT đáng tuổi con cháu lại lớn tiếng: Quay lại nhìn biển báo. Anh bạn tâm sự: “Thay vì hướng dẫn ngắn gọn: “Chỉ được quẹo phải” thì CSGT lại “phán” như vậy, buồn ghê! Số cảnh sát có thái độ với dân như trên chắc không nhiều nhưng sẽ ảnh hưởng phần nào đến ngành công an nếu không kịp thời chấn chỉnh và bản thân chiến sĩ đó không tu dưỡng đạo đức, ứng xử có văn hóa trong giao tiếp, kể cả khi xử phạt người vi phạm nó chung.
Pháp luật nước ta vốn nghiêm khắc với những hành vi vi phạm trên mọi lĩnh vực, nhưng bản chất cũng rất nhân văn. Thiết nghĩ, các chiến sĩ thừa hành pháp luật nên xử lý linh hoạt, tùy tình huống, và có văn hóa trong “lời ăn tiếng nói” để thân thiện với dân hơn.
LÊ DŨNG