Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển

Ngày 25-6, tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ IV với chủ đề “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”, với sự tham gia của hơn 200 nhà văn, nhà thơ, lý luận văn học Việt Nam.

Ngày 25-6, tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ IV với chủ đề “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”, với sự tham gia của hơn 200 nhà văn, nhà thơ, lý luận văn học Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, chỉ ra rằng: Hội nghị này là sự nhìn lại diện mạo, khuynh hướng, tính chất, đặc điểm và những dấu ấn của tiến trình văn học đổi mới qua góc nhìn của lý luận phê bình. Qua đó, nhằm chỉ ra những thành tựu của đổi mới văn học với những cống hiến của nó vào đời sống tinh thần của đất nước dưới góc nhìn văn hóa học. Đồng thời chỉ ra những giải pháp mới nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nền văn học nước nhà, đưa đời sống văn học lên một trình độ mới cao hơn, theo hướng dân tộc, hiện đại, khoa học và hội nhập tích cực.

Hội nghị nhận được gần 70 tham luận về nhiều vấn đề, khía cạnh của lý luận phê bình văn học, trong đó có nhiều nội dung đang được dư luận quan tâm, như: Văn học Việt Nam đổi mới trong cơ chế thị trường; thời kỳ hội nhập văn hóa toàn cầu; sự góp mặt của các nhà văn nữ; văn học thiếu nhi đang ở đâu? tự do sáng tạo của nhà văn và tư duy đổi mới; phê bình văn học trong thời kỳ đổi mới; số phận của dân tộc và nhân dân phải là mối quan tâm hàng đầu của văn học …

Bàn về vấn đề Văn học - 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng nhận định: Nhờ đổi mới tư duy mà chúng ta đã có được các ứng xử phù hợp, đúng đắn hơn với các giá trị văn chương mới hình thành, các hiện tượng văn học mới xuất hiện. Đồng thời, từng bước thiết lập được một giá trị văn học mới, vừa tương thích với hệ giá trị văn học chung thế giới, vừa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn của văn học Việt Nam. Từ đó tình hình tiến trình dân chủ hóa văn học, góp phần dân chủ hóa xã hội.

Về thực trạng lý luận với phê bình văn học hôm nay, nhà văn Nguyễn Văn Dân cho rằng: Từ ngày đổi mới, cùng với sáng tác, phê bình văn học Việt Nam cũng bắt đầu phát triển đa dạng và phong phú. Phê bình văn học đã thử áp dụng nhiều lý thuyết mới như thi pháp học, tâm phân học, ký hiệu học, cấu trúc luận, loại hình học... và cả một số lý thuyết mới như lý thuyết nữ quyền, lý thuyết diễn ngôn, lý thuyết sinh thái học… Trong thời đại hội nhập, phê bình không chỉ giới hạn việc khen chê mà quan trọng là nên chỉ ra vị trí của văn học Việt Nam trên thế giới, để các nhà văn thấy được chúng ta nên làm gì nhằm tạo ra được những tác phẩm có khả năng sánh vai với các cường quốc văn học.

Nói về thành tựu của lý luận, phê bình văn học trong thời kỳ đổi mới, nhà văn Trần Hoài Anh khẳng định: Các nhà lý luận, phê bình văn học thời kỳ đổi mới đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí góp phần tạo ra những giá trị mới cho nhiều tác phẩm văn học của dân tộc, tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho đời sống lý luận, phê bình.

Tuy vậy các nhà lý luận phê bình cũng  chỉ ra rằng, bên cạnh thành tựu, quá trình đổi mới và hội nhập văn học đã bộc lộ những dấu hiệu về khủng hoảng giá trị; thiếu chuẩn, lệch chuẩn trong sáng tạo, thưởng thức, tiếp nhận và đánh giá. Xu hướng lý thuyết, chạy theo sáng tạo hình thức, sáng tạo thị trường và các thị hiếu nghệ thuật thời thượng, xa vời các vấn đề lớn của đời sống xã hội và lịch sử của đất nước…

Hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ IV kéo dài đến hôm nay 26-6.

NGỌC MINH

Tin cùng chuyên mục