Văn học năm 2015: Kỳ vọng người trẻ

Năm 2014 có thể coi là 1 năm đầy thành công của những tác giả trẻ, những cái tên như Anh Khanh, Phong Việt, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào… trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước. Những con số sách bán ra lên đến mức không tưởng, những sự kiện văn hóa đọc “choáng váng” do những cây bút trẻ tạo ra đã phá tan đi sự tĩnh lặng nhiều năm qua của người viết trẻ. Những thành công đó khiến bạn đọc có quyền trông chờ vào họ trong năm 2015.
Văn học năm 2015: Kỳ vọng người trẻ

Năm 2014 có thể coi là 1 năm đầy thành công của những tác giả trẻ, những cái tên như Anh Khanh, Phong Việt, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào… trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước. Những con số sách bán ra lên đến mức không tưởng, những sự kiện văn hóa đọc “choáng váng” do những cây bút trẻ tạo ra đã phá tan đi sự tĩnh lặng nhiều năm qua của người viết trẻ. Những thành công đó khiến bạn đọc có quyền trông chờ vào họ trong năm 2015.

Từ bất ngờ đến bất ngờ

Đầu năm 2014, Hội sách TPHCM lần thứ 8, sự kiện văn hóa đọc lớn nhất cả nước đã ghi nhận một “bom tấn” gây choáng váng cho mọi người. Một tác giả rất trẻ, hầu như vô danh trên văn đàn trước đó bỗng dưng vượt qua rất nhiều cây bút danh tiếng khác để đứng đầu danh mục Sách bán chạy nhất của hội sách. Sự việc này gây ngỡ ngàng đến mức một thành viên trong ban tổ chức hội sách đồng thời cũng là một giám đốc một NXB lớn đã phải đích thân đi kiểm tra lại các số liệu thống kê.

Và rồi, tất cả đều phải thừa nhận, số liệu thống kê có thể không quá chính xác về chi tiết nhưng việc tác phẩm Buồn làm sao buông của tác giả trẻ Anh Khang đạt mức bán ra cao nhất là sự thật.

Thực ra, Anh Khang không phải là tác giả trẻ có số lượng sách bán ra lớn nhất trong thời gian qua. Người đứng đầu trong số các tác giả trẻ về lượng sách bán ra là nhà thơ Nguyễn Phong Việt khi cán mốc 50.000 bản in được bán ra cho 2 tập thơ ra mắt vào đầu và cuối năm 2013. Cuối năm 2014, tập thơ thứ 3 của Nguyễn Phong Việt cũng đạt thành công với số bản in bán ra cán mốc 20.000 bản. Việc nhiều người nhắc đến Anh Khang có lẽ vì thành công của Khang gắn liền với một sự kiện văn hóa đọc quy mô lớn như Hội sách TPHCM.

Đông đảo bạn đọc giao lưu với một tác giả trẻ tuổi.

Những thành công trên đã thổi bùng lên làn sóng sáng tác của các cây bút trẻ và cả nhu cầu đọc của bạn đọc trẻ. Thị trường sách văn học trở nên sôi động với những tác phẩm của các cây bút mà tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi. Không có gì lạ khi trong danh mục sách bán chạy nhất năm 2014 của các đơn vị phát hành, những cuốn sách của các tác giả trẻ này chiếm vị trí áp đảo.

Như danh sách của nhà phát hành sách online Tiki.vn vừa công bố có đến hơn phân nửa là của người trẻ. Thậm chí, ngay cả sách đã xuất bản từ trước như Em là để yêu của Phan Ý Yên nay tái bản lại cũng đạt mức hơn 10.000 bản, một con số được coi là rất thành công.

Từ ảo ra đời thật

Có một mẫu số chung trong sáng tác của các cây bút trẻ nêu trên, đó là sự đơn giản trong tư tưởng của tác phẩm. Có điều đây không phải cái đơn giản từ sự thấu hiểu về cuộc sống, sự việc mà nhiều cây bút gạo cội đạt được. Sự đơn giản ở đây được hiểu đúng theo nghĩa đen. Họ viết những gì cảm nhận, nhìn thấy, những suy nghĩ, tâm tư của chính mình. Vấn đề là ở chỗ những tâm tư, tình cảm này lại phù hợp với những người trẻ khác trong giai đoạn hiện nay.

Điều này được minh chứng rất rõ ràng khi hàng loạt tác phẩm của các tác giả trẻ trong danh mục sách bán chạy đều na ná nhau về chủ đề như Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao); Anh sẽ yêu em mãi chứ (Gào); Yêu người yêu người ta (Gia Đoàn); Yêu đi rồi khóc (Hamlet Trương); Từ yêu đến thương (Nguyễn Phong Việt); Cố chấp yêu (Ploy Ngọc Bích)…

Đó cũng là nguyên nhân mà tất cả những cây bút trẻ thành công về doanh số bán sách hiện nay đều xuất phát từ các tác giả thành công khi viết trên mạng xã hội. Đó chính là môi trường để tìm kiếm những tác giả có cách nghĩ, cách viết phù hợp với đông đảo người đọc. Và sau khi thu hút bạn đọc ảo, chính họ hay các nhà làm sách sẽ đưa các sáng tác từ ảo ra đời thật.

Nỗi lo và sự hy vọng

Không thể phủ nhận sự thành công về số lượng bản sách bán ra, doanh thu của các cây bút trẻ đã góp phần mang lại những tín hiệu vui vẻ và lạc quan, không chỉ cho thị trường sách mà còn là sự khích lệ cho những tác giả trẻ khác. Không những thế, còn có ý kiến cho rằng chính vì việc xuất hiện nhiều và bán chạy của các tác phẩm trên đã làm giảm bớt nhu cầu đọc sách ngôn tình nước ngoài vốn phát triển ở giới trẻ trong nước vài năm qua.

Thế nhưng, bản chất thành công của các tác giả trẻ cũng mang theo một nỗi lo lớn. Lối viết đơn giản, ý tưởng quen thuộc có thể hấp dẫn người đọc nhất thời nhờ sự tương đồng về tâm lý nhưng đó không phải con đường sáng tác bền lâu. Cũng chính vì lý do này mà sau khi xuất hiện những tác phẩm của các tác giả trẻ, bên cạnh sự đón nhận của bạn đọc đã phải gánh chịu cả các chỉ trích của giới sáng tác, thậm chí có nhà phê bình còn công khai tuyên bố không quan tâm loại sáng tác đó.

Bản thân các tác giả trẻ cũng hiểu điều đó, Anh Khang, Hamlet Trương, Phong Việt… đều đã khẳng định đang nung nấu và sẽ sớm giới thiệu những tác phẩm mới mà ở đó không còn những tự sự, tâm trạng cá nhân mà đi sâu hơn vào cuộc sống hay tâm lý. Có tác giả trẻ còn táo bạo đi vào những lĩnh vực sáng tác phức tạp, khó khăn.

Ít nhất những thành công bước đầu như vừa qua đã mang đến sự khuyến khích lớn cho những tác giả và cả những ai đang có ước mơ sáng tác. Và khi có càng nhiều người viết, văn chương trong nước sẽ càng có nhiều sức sống cũng như sự đa dạng và từ đó, chúng ta có quyền hy vọng sẽ xuất hiện những tài năng kiệt xuất đóng góp những tác phẩm lớn cho văn học Việt Nam.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục