Văn học, nghệ thuật phải dấn thân vào những vấn đề quan trọng của đất nước

Ngày 15-12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Báo QĐND
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Báo QĐND

Tại hội thảo, các tham luận tập trung làm rõ 5 nội dung: văn học nghệ thuật với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phòng chống dịch Covid-19; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Theo PGS-TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, đất nước nói riêng, nhân loại nói chung đang đứng trước quá nhiều vấn đề phải đối mặt, quan tâm giải quyết. Nổi lên hàng đầu là vấn đề đối phó với dịch Covid-19 được xem như một thảm họa. “Trong hoàn cảnh đó, với tư cách là những trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ khoa học, chúng ta không thể làm ngơ, không thể đứng ngoài cuộc để bàn về chuyện học thuật thuần túy, bởi sẽ khó tránh khỏi tình trạng vừa thờ ơ, vô cảm, lạc lõng, lạc điệu; vừa không ăn nhập gì với đời sống xã hội và an ninh của đất nước”, PGS-TS Phan Trọng Thưởng nói. Cùng chia sẻ, PGS-TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nêu rõ: “Qua mỗi bước thăng trầm của dân tộc, văn học nghệ thuật luôn đồng hành, sát cánh cùng nhân dân, đây là dịp ngôn ngữ linh diệu của âm nhạc, thi ca lại vang lên, lan tỏa niềm tin vững chắc vào công cuộc chung tay ngăn ngừa, đẩy lùi và sẵn sàng thích ứng linh hoạt với điều kiện bình thường mới”. 

Tại hội thảo, nhiều tham luận đi sâu vào các vấn đề như: xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật cho thời kỳ mới; tổ chức sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật; cơ chế chính sách để nền văn học nghệ thuật phát triển lành mạnh theo quy luật bình thường. Có tham luận ngắn gọn, súc tích nêu được vấn đề và đặt ra câu hỏi đáng quan tâm, đó là hiện tượng người tốt, nhân vật tích cực gần như vắng bóng hoặc bị lôi ra khỏi trung tâm của văn học hiện nay, thay vì là những kiểu nhân vật phản diện, suy thoái về tư tưởng, đạo đức…

Các tham luận cho thấy thực trạng, sự gắn bó và cần phải dấn thân hơn nữa của văn học nghệ thuật với những vấn đề cấp thiết, nóng bỏng của đời sống xã hội, chính trị, văn hóa của đất nước; phát huy thế mạnh của văn học nghệ thuật để đóng góp, giải quyết những vấn đề của đất nước hiện nay.

Tin cùng chuyên mục