Sáng ngày 23-6, Hội Nhà văn TPHCM (HNVTP) đã tiến hành đại hội lần thứ 6. Đây là hội văn học có đông hội viên nhất nước với 355 người, gồm nhiều thế hệ, nhiều vốn sống nên tác phẩm cũng đa dạng với đủ mọi chủ đề khác nhau. Địa bàn TPHCM có ưu thế về văn hóa đọc nhất nước, với số lượng xuất bản sách, báo chí nhiều nhất… Từ đại hội lần này, chúng tôi ghi lại ý kiến của một số nhà văn để rộng đường dư luận.
Nhà văn Trầm Hương: Những tầng quặng lịch sử quý báu của VHNT TPHCM
Thật bất ngờ, khi người nước ngoài tìm đến Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, họ bị hấp dẫn mãnh liệt vì truyền thống đấu tranh anh hùng của người phụ nữ Việt Nam hơn là những chuyên đề trưng bày về trang sức, trang phục, tín ngưỡng, sinh hoạt…
Camilla, một chuyên gia nghiên cứu sử học người Đan Mạch, đã thốt lên sau cuộc gặp với các nữ cựu tù Côn Đảo: “Tôi vô cùng ngạc nhiên, ngạc nhiên đến kinh ngạc, thú vị và xúc động mãnh liệt khi được gặp những huyền thoại sống của chuồng cọp Côn Đảo. Tôi đã khóc vì những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử. Tôi sẽ viết thành những câu chuyện cho sinh viên của mình hiểu thêm về một dân tộc đã chiến đấu vô cùng anh dũng. Dân tộc ấy có những người phụ nữ rất dịu dàng, đôn hậu, khát khao hòa bình và căm ghét chiến tranh nhưng họ đã bị đọa đày trong những nhà tù tàn khốc. Tôi muốn sinh viên của mình tiếp cận với tài liệu chân thật, sống động từ lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc Việt Nam…”.
Tầng quặng lịch sử quý báu của TPHCM là đề tài vô cùng hấp dẫn để khai thác với các nhà văn, nhà báo, nhà sử học, những người hoạt động văn hóa nước ngoài. Nếu chậm chân, biết đâu chúng ta sẽ không có được những tư liệu quý, tác phẩm quý như người nước ngoài viết về Việt Nam. Tôi tin rằng những tác phẩm về đề tài truyền thống kháng chiến anh hùng, về sức trỗi dậy mãnh liệt sau chiến tranh nếu được quảng bá rộng rãi ra nước ngoài sẽ giúp thế giới hiểu thêm về văn hóa Việt Nam.
Nhà văn Kim Hài: Báo văn học thiếu nhi - Mơ ước hay mục tiêu?
Để phát triển và tạo nền móng văn học cho trẻ, đọc văn là cách các em hoàn thiện các kỹ thuật viết, kể, phát triển kỹ năng lẫn năng khiếu tiềm ẩn của mỗi em, mở rộng kiến thức và làm giàu ngôn ngữ viết cùng đa dạng cách thể hiện cảm xúc, bố cục truyện lẫn tính cách nhân vật. Ở đây, việc học do tự thân các em là chính, nhưng cung cấp nguyên liệu để các em khai phá lại là nhà văn.
Bằng kinh nghiệm, bằng tài năng và kỹ thuật viết, mỗi một nhà văn sẽ cung cấp những tác phẩm văn học cho các em theo cách riêng của mỗi người. Nếu các nhà văn không thể cung cấp tác phẩm văn học đến các em thì làm sao có thể nhóm lên ngọn lửa yêu thích văn học của tuổi trẻ, vốn bị cho là đang có phần nguội lạnh.
Có thể nói, TPHCM hiện chưa có một tờ báo văn học thiếu nhi đúng nghĩa. Thi thoảng, có một vài tờ báo lớn cũng có dành trang cho thiếu nhi nhưng không duy trì được lâu. Một tờ báo văn học cho thiếu nhi là một điều kiện cần thiết trong công cuộc góp phần vực lại tình yêu văn học ở lứa tuổi các em. Đó là nơi mà nhà văn viết cho thiếu nhi có thể theo dõi nhanh chóng sự phản hồi về tác phẩm của mình từ các độc giả nhỏ tuổi. Báo còn là nơi để các nhà văn, nhà phê bình có thể giới thiệu những cuốn sách hay, những kinh nghiệm sáng tác lý thú hoặc hướng dẫn các em sàng lọc những tác phẩm xấu. Mơ ước về một tờ báo cho thiếu nhi là những gì mà các nhà văn chúng tôi gửi gắm đến HNVTP trong nhiệm kỳ tới, đó sẽ là mục tiêu thật sự của hội thay cho chỉ là sự mơ ước của những nhà văn.
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh: Người viết trẻ với HNV và HNV với người viết trẻ
Theo cái nhìn tổng quan về số lượng, hiện TP có khoảng 35 nhà văn, nhà thơ trẻ thuộc thế hệ 7x, 8x (sinh trong thập niên 70, 80 của thế kỷ 20). Những nhà văn này đều đang ở giai đoạn sung sức trong sáng tác với các tác phẩm tạo được dư luận. Có thể nói, lực lượng viết trẻ của TPHCM được coi là mạnh và đông nhất nhì cả nước. Thế nhưng, trong danh sách hội viên HNVTP, hội viên có tuổi đời dưới 40 lại chỉ có 17 người chiếm khoảng 4% trên tổng số 355 người.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là từ người viết trẻ. Rất nhiều cây bút trẻ quên đi một yếu tố quan trọng: đồng nghiệp có vai trò thúc đẩy sáng tạo cho mình! Đặc tính của công việc sáng tạo là đơn độc, đặc thù của sáng tác văn chương càng đơn độc hơn, nên người trẻ có tâm thế “không cần đến hội đoàn”. Phải đến khi chín chắn nhất định người viết mới nhận ra vấn đề và có ý thức tham gia vào những đoàn thể sáng tác. Bên cạnh đó, những thị phi về việc vào hội để tụ tập mất thời gian, làm “quan” văn nghệ kiếm chác… càng khiến những người viết trẻ vốn chưa thật sự vững tin càng thêm xao động. Ngoài ra, người trẻ còn thiếu thông tin về hội, điều lệ hoạt động của hội nên ít lưu tâm đến việc gia nhập hay không.
Người trẻ sẽ ý thức được vào HNVTP là cần thiết vì hội có những hoạt động giúp họ phát triển nghề nghiệp, có những anh chị đồng nghiệp có thể chia sẻ cùng họ những thuận lợi cũng như khó khăn trong nghề viết. Hiện nay, HNVTP đang làm tốt những việc như xuất bản sách in chung của hội viên, tổ chức những đợt sáng tác để chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức họp mặt hội viên định kỳ, hội thảo, tọa đàm chuyên đề văn học… Người viết trẻ sung sức và tìm tòi sáng tạo, tuy nhiên nếu cứ mãi đơn độc họ sẽ khó vượt qua những trở ngại trong đời người sáng tác.
TƯỜNG VY (ghi)