Vẫn lạc quan về kinh tế toàn cầu

Chuyên gia kinh tế Fred Bergsten, cựu Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ hiện là Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định: tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay có 3 động lực phục hồi đi kèm với 3 thách thức.

Chuyên gia kinh tế Fred Bergsten, cựu Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ hiện là Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định: tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay có 3 động lực phục hồi đi kèm với 3 thách thức.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa, ông Bergsten cho rằng các nền kinh tế mới nổi, dẫn đầu là Trung Quốc, vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 6% hàng năm, châu Âu và Nhật Bản ở mức tối đa 2%, kinh tế Mỹ đang phục hồi với gần 4%. Đây là 3 tốc độ tăng trưởng đóng góp vào đà hồi phục kinh tế toàn cầu, tuy còn nhiều khác biệt giữa các nền kinh tế này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần dần trở lại mức độ trước khủng hoảng và xu hướng này sẽ tiếp tục ít nhất trong vài năm tới.

Về 3 thách thức, theo ông Bergsten, bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi đang là mối đe dọa đối với việc ổn định giá dầu thế giới. Tuy nhiên, khả năng nguồn cung cấp dầu cho thế giới bị gián đoạn là rất khó xảy ra. Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu được xem là nguy cơ thứ hai. Thế nhưng, lãnh đạo các nước thành viên EU từ lâu đã đồng ý một loạt các biện pháp giải cứu trọn gói cho bất kỳ nước nào với bất cứ khoản tiền nào. Cuộc khủng hoảng nợ có thể làm kinh tế EU tiếp tục tăng trưởng chậm nhưng theo ông Bergsten, nó không thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Nguy cơ thứ ba là hậu quả trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản. Kinh tế nước này có thể tăng trưởng chậm lại trong vài quý, ảnh hưởng đến toàn bộ châu Á và một phần nước Mỹ. Nhưng một khi Nhật Bản đẩy mạnh tái thiết thì kinh tế nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong nửa cuối năm 2011. Ông Bergsten khẳng định: 3 thách thức này thế giới có thể vượt qua. Còn một thách thức trung hạn và dài hạn nữa, đó là vấn đề thâm hụt ngân sách của Mỹ.

Theo kết quả hai cuộc nghiên cứu do Viện Peterson công bố, nợ công ở Mỹ và một số nước phát triển khác có thể đặt ra thách thức lớn cho sự ổn định kinh tế toàn cầu nếu không có hành động phù hợp kịp thời. Theo nghiên cứu này, nếu không có tiến bộ trong cuộc chiến giảm nợ công, đến năm 2035, nợ công tại các nước phát triển sẽ chiếm 200% GDP so với mức 70% GDP hiện nay. Khi đó, nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ trì trệ. “Vấn đề là Mỹ sẽ giải quyết bài toán này như thế nào để tránh có thêm khó khăn cho nước Mỹ và cả thế giới”, ông Bergsten nói. Hiện nợ công của Mỹ đã lên mức 14.000 tỷ USD và đang có xu hướng tiếp tục tăng.

Riêng với Trung Quốc, ông Bergsten dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng gần 2 con số trong 10 năm, thậm chí là 20 năm tới bất chấp một số tồn tại của nó như tăng trưởng nóng và tình trạng bong bóng bất động sản. Ông Bergsten cũng cho rằng khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong giai đoạn 2020-2030 có thể diễn ra sớm hơn. Tuy nhiên, ông Bergsten nói thêm rằng Trung Quốc nên bớt dựa vào xuất khẩu, chú ý nhiều hơn vào nhu cầu nội địa sẽ giúp kinh tế nước này phát triển mạnh hơn và vững bền hơn.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục