Vẫn lúng túng tìm trang phục thuần Việt

Ngày 29-9, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa phối hợp cùng nhóm di sản Đình làng Việt tổ chức tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng của nó trong đời sống đương đại”, với sự tham dự của một số đạo diễn, họa sĩ thiết kế, nhà quản lý.
Vẫn lúng túng tìm trang phục thuần Việt

Ngày 29-9, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa phối hợp cùng nhóm di sản Đình làng Việt tổ chức tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng của nó trong đời sống đương đại”, với sự tham dự của một số đạo diễn, họa sĩ thiết kế, nhà quản lý.

Một số trang phục của các nhân vật trong phim lịch sử Việt Nam

Phim Việt ngờ ngợ giống Tàu?

Buổi tọa đàm được tổ chức như một “minishow trình diễn thời trang” (có sự tham gia của chính các diễn giả, giảng viên và sinh viên khoa Thiết kế thời trang Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), với việc thể hiện hàng loạt trang phục truyền thống đã được sử dụng trong các phim lịch sử mới sản xuất thời gian gần đây như Trò đời, Long Thành cầm giả ca, Số đỏ, Lều chõng, Người cộng sự… 

Chia sẻ về những lo lắng thường trực của phim cổ trang về những trang phục lai căng, không thuần Việt, thậm chí còn có những ý kiến về việc khi xem phim Việt Nam, rất nhiều khán giả cứ ngờ ngợ, ngỡ là trang phục của Trung Quốc, copy từ phim cổ trang Tàu. Đạo diễn Trần Lực cho rằng, việc dư luận ngộ nhận như vậy một phần chính lỗi ở những người làm phim, người quản lý bởi chúng ta không tuyên truyền nhiều về trang phục truyền thống Việt Nam, truyền hình thì chiếu quá nhiều phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc, thành ra bộ trang phục truyền thống của dân tộc trở nên xa lạ, bị ngại ngần ngay trên đất nước mình.

Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, cũng đồng thuận với quan điểm này. “Đừng sợ bảo cái nọ, cái kia không thuần Việt, bởi vì có phải ai cũng nắm rõ cái nào là của Việt Nam, cái nào không phải đâu. Trong lịch sử cho thấy, nhiều cái Trung Quốc cũng vay mượn của phương Nam chứ không phải chỉ phương Nam vay mượn phương Bắc”, TS Nguyễn Việt nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, không thể nào bắt làm chuẩn trang phục Lý - Trần, hay trang phục Hùng Vương... bởi vì chúng ta lấy đâu ra tài liệu chuẩn để so sánh. Ngay cả người nghiên cứu về lịch sử, về khảo cổ cũng không thể có được hình ảnh chính xác 100% về trang phục của những thời kỳ đó. Thêm nữa, TS Nguyễn Việt phân tích, chúng ta làm phim lịch sử chứ không phải làm phim tư liệu. Mục đích là chúng ta chuyển tải được một khối lượng tư liệu lịch sử qua ngôn ngữ điện ảnh, chứ không phải người làm phim phải phục hồi nguyên vẹn lịch sử thời đó. Vì thế, bên cạnh những cố gắng tìm hiểu sâu sắc về lịch sử thì người làm phim cũng không cần phải “rón rén” vừa làm vừa xét nét xem các nhà nghiên cứu nói gì. Đúng - sai không rõ để phân định. Và quan trọng hơn cả là chuyển tải được màu sắc lịch sử, tinh thần lịch sử đến với người xem.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân lại chia sẻ kinh nghiệm của anh từ khi làm trợ lý cho cố NSND Hải Ninh ở phim Đêm hội Long Trì cho tới khi anh đạo diễn Lều chõng và chỉ đạo sản xuất Trò đời… rằng phục trang phim Việt, nếu không cẩn thận rất dễ nhầm với phim Trung Quốc, vì cứ hao hao giống. Chính vì lẽ đó, bên cạnh sự thuần Việt thì còn cần phải đẹp. Chúng ta cũng không thể ép nhau phục trang phải thật giống trong khi nó rất xấu. Đạo diễn Thanh Vân cũng cho rằng khi làm phim, đặc biệt là phim có yếu tố lịch sử, ông đã nhiều lần đắn đo lựa chọn giữa cái thật và cái đẹp. Trong một số trường hợp yếu tố đẹp đã thắng thế.

Gian nan từ phim ra cuộc sống

Câu chuyện về trang phục thuần Việt truyền thống không chỉ gây khó cho các nhà làm phim mà ngay cả trong cuộc sống hiện tại nó cũng gây ra vô vàn phiền toái. Họa sĩ Vi Kiến Thành kể: “Các vị đại sứ đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài kể lại với tôi, ở nước ngoài, khi đến trình Quốc thư, họ được yêu cầu phải mặc trang phục truyền thống của Việt Nam. Thế nhưng, họ loay hoay không biết chọn gì, có người đành phải đi thuê một bộ vest đuôi tôm dài để mặc đến trình Quốc thư mà cảm thấy ngượng ngùng”. Còn TS Nguyễn Việt cũng thành thật trần tình rằng: “Đáng lẽ đến hội thảo này, tôi phải mặc bộ trang phục truyền thống của nam giới như đã hẹn với Ban tổ chức, nhưng cứ nghĩ đến cảnh tôi mặc bộ ấy ra khỏi nhà bắt taxi đến đây, sẽ có biết bao nhiêu người dòm ngó, chỉ trỏ, tưởng ông này đi hát quan họ, nên tôi ngại quá, đành thôi!”. Cùng tâm trạng với ông Nguyễn Việt, TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, cũng cho biết: “Tôi mặc bộ trang phục truyền thống dành cho nam giới mà Ban tổ chức chuẩn bị cho để đến với tọa đàm này, chỉ đi từ cổng trường vào đến đây mà nhận được vô số những ánh mắt ngỡ ngàng của sinh viên trong trường. Nói thật là mặc vào thì cảm xúc khác hẳn, rất đàng hoàng, trang trọng, giống như tôi được trở về với mái đình làng quê mình, nhưng để làm quen với phản ứng của mọi người là chuyện không dễ”.

Chính vì lẽ đó, việc ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, đơn vị được giao trọng trách thực hiện đề án thiết kế Lễ phục Nhà nước, đến với tọa đàm trong tâm trạng của một người “mắc nợ” cũng là điều dễ hiểu. Ông Vi Kiến Thành chia sẻ, tháng 8-2013, cục đã chính thức phát động cuộc thi thiết kế Lễ phục Nhà nước tới tất cả các nhà thiết kế. Sau hơn 2 tháng, cục đã nhận được gần 300 mẫu thiết kế. Tuy nhiên, Hội đồng Nghệ thuật đã không chọn được mẫu lễ phục nào. Phương án “bỏ thô chọn tinh” được cục này đưa ra để “gỡ bí”. Cục tổ chức họp báo thông báo việc thay đổi phương án là đặt hàng các nhà thiết kế chuyên nghiệp. Nhưng ngay cả các tên tuổi “lừng lẫy” trong làng thiết kế thời trang Việt như Đức Hùng, Minh Hạnh, Lan Hương, Sĩ Hoàng… cũng không phải là “cứu cánh” cho đề án Lễ phục Nhà nước của cục, do Hội đồng Nghệ thuật không chọn được thiết kế nào đáp ứng được tiêu chí đề ra.

Chính vì lẽ đó, để tránh tình trạng “9 người, 10 ý”, ông Thành cho biết, cục sẽ không chọn cách đi đường thẳng nữa mà chọn con đường vòng, đó là sẽ từng bước đưa những mẫu trang phục này vào trong đời sống, lắng nghe ý kiến và sự phản hồi của dư luận xã hội để tìm ra bộ lễ phục được nhiều người đồng tình. Cuộc hội thảo này là một  trong những “con đường vòng” như vậy.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cũng tin tưởng rằng tọa đàm sẽ mở đường cho những ý tưởng sáng tạo trang phục thuần Việt có khả năng ứng dụng rộng rãi cho đông đảo thanh niên và trung niên người Việt hiện nay. Đây cũng là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục