Vẫn lúng túng với dịch

Chỉ hơn 2 tháng đầu năm nhưng dịch bệnh tay chân miệng đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2011 làm 11 bệnh nhi tử vong. Dịch cúm A/H5N1, sốt xuất huyết cũng gia tăng. Trong khi đó, công tác phòng ngừa, điều trị vẫn bộc lộ những khiếm khuyết. Trước tình hình này, ngày (16-3), đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã khảo sát công tác phòng ngừa dịch bệnh tại TPHCM.
Vẫn lúng túng với dịch

Chỉ hơn 2 tháng đầu năm nhưng dịch bệnh tay chân miệng đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2011 làm 11 bệnh nhi tử vong. Dịch cúm A/H5N1, sốt xuất huyết cũng gia tăng. Trong khi đó, công tác phòng ngừa, điều trị vẫn bộc lộ những khiếm khuyết. Trước tình hình này, ngày (16-3), đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã khảo sát công tác phòng ngừa dịch bệnh tại TPHCM.

  • Quận trung tâm cũng bị dịch bệnh

Dù là khu vực trung tâm của thành phố với môi trường sống được xem là sạch sẽ hơn các quận, huyện khác, nhưng quận 1, TPHCM cũng đang đối mặt với nhiều dịch bệnh. Bác sĩ Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 1, cho biết từ đầu năm đến nay quận có 66 ca sốt xuất huyết (SXH). Trong khi đó, bệnh dịch tay chân miệng hiện đã có 38 ca mắc phải. Tính đến nay, theo bác sĩ Thể có 4 trường mầm non xuất hiện bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường để dịch tay chân miệng bùng phát với 9 ca vào tháng 2-2012…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tuy đã triển khai nhưng chưa thực sự có tác động mạnh. Một số khu vực xây dựng dang dở vẫn chưa được xử lý vệ sinh, khiến phát sinh muỗi. Kiểm tra một số gia đình có trẻ mắc tay chân miệng và SXH, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng người dân chưa chú trọng, chưa ý thức phòng bệnh, việc tuyên truyền chưa sâu rộng khiến người dân lơ là.

Bác sĩ theo dõi bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bác sĩ theo dõi bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trong khi đó, tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM từ đầu năm đến nay vẫn chưa lúc nào “thảnh thơi” với dịch bệnh. Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV, cho biết dù chưa tăng đột biến nhưng 2 tháng qua vẫn có 600 ca mắc SXH, trong đó có 2 ca tử vong. Điều đáng nói là 50% ca mắc cư ngụ tại TPHCM. Nhưng lo ngại hơn, theo BS Thượng là dịch tay chân miệng.

“Mới đầu năm nhưng dịch tay chân miệng đã tăng vùn vụt, tiếp nhận hơn 1.300 trẻ mắc và 2 trẻ đã tử vong”, BS Thượng băn khoăn. Ngày hôm qua, BV Nhi đồng 1 vẫn điều trị nội trú cho 60 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 6 trường hợp nặng phải thở máy…

Còn tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV, cho biết trung bình mỗi ngày trong 2 tháng qua điều trị 70 - 80 ca mắc tay chân miệng và đã có 1 ca tử vong. Theo BS Châu, 70% ca mắc cư ngụ tại TPHCM và hầu hết nhập viện muộn khi ở độ 2a, 2b và độ 3 (cấp độ nặng)… Qua khảo sát các tỉnh mới đây, các chuyện gia y tế cũng không khỏi lo lắng vì nhiều tỉnh có ca mắc tay chân miệng tăng cao như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh.

  • Lóng ngóng điều trị, phòng dịch

"Mục tiêu của Bộ Y tế trong đối phó dịch bệnh năm nay là hạn chế tối đa ca tử vong, do đó cần chú trọng điều trị" 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Làm việc với các BV, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế tỏ ra quan ngại vì qua khảo sát công tác điều trị bệnh dịch, nhất là tay chân miệng vẫn lóng ngóng, nhất là ở các BV đa khoa tỉnh. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, các BV tỉnh không có trang thiết bị, dụng cụ nên nhát tay điều trị. Thậm chí không ít bệnh nhi bị tay chân miệng nhưng được chẩn đoán chung chung là viêm phổi, nhiễm trùng.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết BV Nhi đồng Đồng Nai, BV Mỹ Tho (Tiền Giang) không biết sử dụng máy lọc máu nên bỏ qua cơ hội cứu sống cho một số trẻ mắc tay chân miệng.

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng khả năng chẩn đoán bệnh tay chân miệng của các BV tỉnh còn hạn chế, nhất là tuyến huyện. Đồng thời phần lớn BV tỉnh thiếu trang thiết bị, năng lực điều trị tay chân miệng chưa tốt, chưa tổ chức huấn luyện, cập nhật cho tuyến huyện.

Cuối giờ chiều ngày 16-3, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND TPHCM. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành y tế TPHCM chú trọng điều trị để hạn chế tối đa ca tử vong do tay chân miệng, SXH, cúm A/H5N1. Đồng thời tăng cường tập huấn, hỗ trợ cho các tuyến tỉnh. Sở Y tế phải có kế hoạch chuyển giao kỹ thuật điều trị cho các BV tỉnh, tổ chức các khóa huấn luyện ngắn hạn nhằm hỗ trợ BV các tỉnh, nhất là các tỉnh có số ca mắc và tử vong cao.

Đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM ghi nhận những chỉ đạo của Bộ Y tế và chỉ đạo Sở Y tế tăng cường công tác truyền thông phòng dịch bệnh, nhất là trong các trường học, trường mầm non; xây dựng quy trình thu dung, điều trị bệnh dịch thống nhất, đặc biệt quan tâm hỗ trợ các BV tuyến dưới. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục