(SGGPO).– Ngày mai, 20-8 là ngày cuối cùng thí sinh được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1. Trong ngày 19-8, tình hình nộp-rút hồ sơ vẫn diễn ra tấp nập ở các trường đại học, nhất là những trường top giữa. Thí sinh và người nhà như ngồi trên đống lửa khi một số trường vẫn kéo dài thời gian rút hồ sơ của thí sinh qua 2 buổi.
Sáng 19-8, tại ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội), khá đông phụ huynh và thí sinh đến nộp và rút hồ sơ. Tuy nhiên, phần lớn thí sinh đến để rút hồ sơ. Trong hai ngày 18 và 19-8, mỗi ngày đều có từ 500- 600 hồ sơ được rút ra, số hồ sơ nộp vào cũng xấp xỉ. Hiện ĐH Giao thông nhận khoảng 7.000 hồ sơ (chỉ tiêu là 3.500). Trường cập nhật số liệu hàng ngày, in danh sách thí sinh trúng tuyển tạm thời cho từng nguyện vọng.
Tấp nập điệp khúc nộp - rút hồ sơ
Bác Lê Khắc Trung, huyện Yên Định, Thanh Hóa và con bắt xe ra Hà Nội từ 3g sáng để đến ĐH Giao thông Vận tải rút hồ sơ. Làm xong, trường hẹn chiều 2g quay lại lấy. Bác Trung than vãn, 2g chiều mới được lấy hồ sơ, lại còn phải tìm trường, không biết chiều nay đã nộp được chưa. Theo giải thích của trường này, mỗi thí sinh một mã, khi tìm hồ sơ rất nhanh. Còn việc sáng rút, chiều mới nhận được vì phải làm theo quy trình, hồ sơ ở bộ phận máy tính, phải có thời gian mới lấy được.
Ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng Khảo thí của trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trường dự kiến, chiều mai 20-8, buổi cuối cùng của đợt xét tuyển sẽ có nhiều thí sinh đến nộp hồ sơ. Vì vậy, trường đã bố trí lực lượng để sẵn sàng đáp ứng.
Theo ông Long, xét tuyển như năm nay, quyền lợi của thí sinh được mở rộng. Những năm trước chỉ có một nguyện vọng, nếu không được thì trượt phải đợi 1 năm, còn năm nay nếu trượt còn nhiều cơ hội khác. Phụ huynh vất vả một chút nhưng con đạt được nguyện vọng thì sẽ vui hơn. Chính sách nào cũng có hai mặt. Thí sinh vất vả đi lại do chưa tận dụng triệt để công nghệ thông tin. Tất cả đang làm bằng thủ công, nếu như có thêm thời gian chuẩn bị thì sẽ làm online. Khi áp dụng CNTT thì sẽ khắc phục được tình trạng vất vả trong xét tuyển năm nay. Một năm là chúng ta đủ điều kiện để triển khai ứng dụng CNTT vào tuyển sinh. Nếu Bộ GD-ĐT không làm thì ĐH Giao thông vận tải sẽ làm, ông Long nhận định. Một thực tế đáng buồn mà ông Long chỉ ra, đó là thí sinh hiện nay hầu như đang xét tuyển một cách cảm tính, vì mục tiêu số 1 của các em là vào đại học, số 2 mới là chọn ngành.
* PGS.TS. Hoàng Hữu Hoà, Trưởng Ban Khảo thí ĐH Huế năm 2015 cho biết, đến chiều 19-8, khoảng 4.000 hồ sơ đã được thí sinh rút ra tại điểm rút-nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 của nhà trường. Trước đó, mỗi ngày số hồ sơ rút ra nhiều nhất là 300-400 hồ sơ/ngày nhưng từ ngày 18 đến 19-8, lượng thí sinh đến rút hồ sơ rất đông, mỗi ngày khoảng 1.000-1.500 hồ sơ. ĐH Huế ưu tiên cho những thí sinh ở xa được rút-nộp hồ sơ trước. Song số lượng hồ sơ rút quá nhiều nên không thể cập nhật hằng ngày như một số trường ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hơn nữa, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép các trường đại học công bố điểm chuẩn dự kiến nên khả năng sau ngày 25-8 hội đồng tuyển sinh ĐH Huế mới công bố điểm chuẩn chính thức.
Hàng ngàn phụ huynh và thí sinh mệt mỏi chở rút-nộp hồ sơ tại ĐH Huế.
PGS.TS Lê Văn Anh cho biết, Ban khảo thí ĐH Huế phải làm việc cực lực từ 7 giờ sáng đến 21 giờ tối mỗi ngày trong 3 ngày qua. Song lãnh đạo ĐH Huế vẫn quán triệt với tất cả cán bộ ban khảo thí không để xảy ra sai sót, không để bất kỳ một thí sinh nào hoặc vì một lí do gì khi đến làm thủ tục nộp và rút hồ sơ tại ĐH Huế mà lại không được giải quyết. Với những thí sinh đến làm hồ do sơ suất điền thiếu thông tin không cập nhật trên trang thông tin của ĐH Huế đã được cán bộ phụ trách Ban khảo thí điều chỉnh. ĐH Huế quyết tâm đến 17 giờ ngày 20-5 sẽ xong việc nộp và rút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại ĐH Huế.
PHAN THẢO- VĂN THẮNG