Văn minh trong tổ chức tang ma, lễ hội còn chuyển biến chậm

Biến tướng
Văn minh trong tổ chức tang ma, lễ hội còn chuyển biến chậm

Hiện nay, tuy xã hội đã và đang có nhiều đổi thay mạnh mẽ theo chiều hướng tốt đẹp, văn minh, hiện đại, tuy nhiên nhìn vào lĩnh vực văn hóa trong tang ma, lễ hội, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề…

Lễ hội đón chào năm mới, một trong những lễ hội có sự tham gia đông đảo người dân.

Lễ hội đón chào năm mới, một trong những lễ hội có sự tham gia đông đảo người dân.

Biến tướng

Cách đây không lâu, đường Lê Hồng Phong kẹt xe một đoạn dài vì sự tò mò của đông đảo người đi đường với một đám tang. Ở 4 góc quan tài có 4 bé gái từ 6 đến 10 tuổi hóa trang như thiên thần. Các em một tay cầm giỏ hoa, một tay cố bám vào quan tài vì sợ ngã. Tại một đám tang ở quận 10, trước giờ đưa linh cữu đã xảy ra một cuộc tranh luận khá ồn ào về việc có rải giấy tiền vàng mã trên đường đưa tang hay không. Đáp lại sự ái ngại, phân vân của một số người, bà Ng., nhà ở đường Sư Vạn Hạnh, ra vẻ hiểu biết: “Rải giấy tiền được mà, người ta đâu có cấm. Tui thấy rải đầy giấy tiền vàng mã mà có ai bị phạt hay cấm đoán gì đâu. Phải rải giấy tiền để “lót đường” chứ…”. Vậy là một bao lớn giấy tiền vàng mã xả đầy trên đường đưa tang.

Tình trạng đốt vàng mã phô trương không còn gói gọn trong phạm vi những bữa cúng giỗ trong gia đình, ở một số đình chùa, miếu mạo mà lan rộng sang không ít công ty, xí nghiệp, cơ quan, trong các buổi lễ động thổ, khởi công ở nhiều công trình lớn...

Ông Đ.S., một trong số đại gia mới phất ở Bình Chánh, là một trong những người rất khuếch trương việc cúng bái, lễ tạ. Năm ngoái ông rinh về một chiếc Mercedes giấy to đùng “gửi” người thân đã khuất. Năm nay, công việc làm ăn thuận lợi hơn nên vừa ra giêng ông lại thuê xe tải chở về căn nhà lầu 5 tầng, một tivi siêu mỏng cộng thêm một chiếc SH… để ông bà ở dưới có thêm của, phù hộ cho ông nhiều hơn. Ông lý sự: “Ở trên sao thì ở dưới vậy, người âm cũng như mình thôi, cũng phải có ở, có ăn, có xài…”.

Ông D., giám đốc công ty, có căn biệt thự ở quận 11. Hàng xóm xung quanh đều biết vợ ông D. nổi tiếng với việc cúng kiếng. Đơn giản một điều, mỗi lần nhà này cúng là lửa cháy ngùn ngụt, khói nghi ngút. Bà H., vợ ông D., rất tín nhiệm một thầy cúng ở quận 7. Nhiều năm qua, mỗi lần nhà có cúng giỗ, lễ tết, thậm chí ngoài cúng giỗ còn có những lần cúng cầu an, cúng vì chồng có dấu hiệu ngoại tình, cúng vì con gái bị nhập…, bà H. lại mời thầy sang cúng giúp. Đồ cúng hoàn toàn do thầy lên danh sách. Bà H. mua đồ cúng nhiều đến nỗi trở thành khách ruột của một sạp bán đồ vàng mã ở chợ Bàn Cờ. Mỗi lần chở đồ cúng đến nhà bà H., chị T. chủ sạp phải sử dụng xe tải nhỏ. Bà H. khoe, có năm, giao thừa nhà bà đốt đồ vàng mã suốt từ 12 giờ đêm đến gần sáng mới hết. Có những món đồ được làm to gần bằng đồ thiệt.

Tiêu cực

Trong lĩnh vực lễ hội, bên cạnh mặt tích cực góp phần tạo điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh cho công chúng và du khách quốc tế, tạo nên những nét đẹp văn hóa độc đáo và sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, mang đậm bản sắc dân tộc thì ở không ít lễ hội vẫn chứa đựng nhiều vấn đề tiêu cực...

Công viên 23-9 thường được chọn làm địa điểm tổ chức các lễ hội trong năm tại TPHCM. Thế nhưng, mỗi khi có lễ hội tổ chức thì y như rằng chuyện xả rác bừa bãi gần như là vấn nạn. Tại lễ hội ẩm thực món ngon các nước tổ chức chào đón năm mới 2011, chỉ tính riêng khu vực tổ chức lễ hội đã có đến 50 thùng rác, 8 xe rác và lực lượng nhân công hùng hậu phục vụ công tác quét dọn từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, thế nhưng vẫn làm không xuể!  Ở một số lễ hội dân gian, tình trạng bói toán, xin xăm, xin keo… vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên, tồn tại nhiều năm mà chưa thấy các cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn.

Đáng nói hơn khi một số nơi đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử, di tích lịch sử cấp thành phố, cấp quốc gia còn tồn tại nhiều loại tệ nạn xã hội.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục