Văn nghệ phục vụ đảo xa

Trong những năm qua, bên cạnh sự phát triển ào ạt hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các thành phố lớn, khu trung tâm đô thị hiện đại, thì ở nhiều khu vực biển đảo, vùng sâu vùng xa, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và các chiến sĩ vẫn còn nhiều thiếu thốn.

Trong những năm qua, bên cạnh sự phát triển ào ạt hoạt động văn hóa nghệ thuật tại các thành phố lớn, khu trung tâm đô thị hiện đại, thì ở nhiều khu vực biển đảo, vùng sâu vùng xa, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và các chiến sĩ vẫn còn nhiều thiếu thốn.

Thật chưa công bằng khi ở nơi phồn hoa đô hội được hưởng thụ văn hóa nghệ thuật tràn ngập, dư thừa, còn ở miền núi, biên giới xa xôi hoặc những vùng đầu sóng ngọn gió lại thật hiếm những chương trình ca múa nhạc, dù chỉ là văn nghệ quần chúng đơn thuần. Khán giả tại những thành phố lớn đang phải lựa chọn xem gì, nghe gì giữa cả rừng quảng cáo biểu diễn nghệ thuật, trước những show diễn ầm ào - từ ca múa nhạc, thời trang, đến các loại phim “bom tấn”, phòng trà ca nhạc. Xem ca sĩ hát để thưởng thức nghệ thuật chưa đủ, người ta còn bàn tán đến cả trang phục “tươi mát” đến độ phản cảm hoặc tệ nạn hát nhép đánh lừa khán giả của một số ca sĩ. Mỗi năm có đến hàng ngàn chương trình lớn nhỏ đủ mọi thể loại do các đơn vị, cá nhân tổ chức thực hiện và không ít chương trình được đầu tư đến hàng tỷ đồng, thì ở vùng sâu vùng xa tìm kiếm vài chục triệu đồng để tổ chức chương trình biểu diễn là rất khó.

Điều này càng được chiêm nghiệm khi các đoàn công tác ra Trường Sa trong thời gian qua trở về thành phố, mang theo tâm trạng chung, nỗi băn khoăn, trăn trở rất chân thành của nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ có mặt trong các chuyến đi. NSƯT Quỳnh Liên bùi ngùi chia sẻ: “Thương lắm em ạ! Người dân và các chiến sĩ trẻ cứ ngồi lặng người nghe các chị em đoàn văn công biểu diễn. Hết bài này lại đến bài khác, nhiều chiến sĩ cứ đề nghị hát mãi không thôi. Có hôm, anh em nghệ sĩ, ca sĩ hát không nhạc đến 70-80 bài, khan cả cổ, muốn tắt cả tiếng, nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nỗi khát khao nghe nhạc của các chiến sĩ và người dân nơi đảo xa”. NSƯT – NS Thế Hiển thì lặng người mỗi lúc kể về nơi anh đã đến: “Đi Trường Sa về, tôi cứ vương mang một nỗi lòng. Thật sự, đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi hải đảo còn thiếu thốn quá! Nơi xa xôi ấy đang rất cần sự chia lửa của nhiều người, nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ chúng tôi. Tiếc là thực tế hiện nay, giới nghệ sĩ còn nhiều người thật sự chưa hề hiểu được ý nghĩa cuộc sống đẹp là gì, họ cứ chạy theo lối sống, tư duy tầm thường kiểu khoe nội y, khoe trang sức bạc tỷ, khoe đồ hiệu, rồi ganh nhau khoe hàng, xăm mình… Rất nhiều người chỉ biết chăm chăm lăng- xê cá nhân, còn thiếu ý thức với cộng đồng xã hội. Tôi nghĩ, những chuyến đi thực tế, những chia sẻ thiết thực của người dân nơi đất liền, đặc biệt là giới anh em văn nghệ sĩ sẽ là động lực hỗ trợ sự dũng cảm, vững vàng của các chiến sĩ nơi đảo xa”.

Trăn trở của những người từng đến tận nơi đảo xa đã cho thấy việc tổ chức phục vụ văn hóa nghệ thuật hiện nay đang có sự chênh lệnh rất lớn giữa các khu trung tâm văn hóa, thành phố đô hội và ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đã đến lúc các chuyến đi thực tế, phục vụ văn hóa nghệ thuật ở các vùng sâu vùng xa, nơi hải đảo cần được tổ chức nhiều hơn. Nhà nước, các cơ quan quản lý văn hóa cần điều hòa việc phân bổ hoạt động văn hóa nghệ thuật một cách cân đối giữa các vùng miền, đặc biệt chú trọng đến những điểm “nóng” ở biên giới, hải đảo xa đất liền.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục