Văn nghệ sĩ không thể tồn tại nếu đứng bên lề cuộc sống

Kỷ niệm 40 năm thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới mỹ thuật Việt Nam (10-12-1951 - 10-12-2016), ngày 9-12, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM phối hợp cùng Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ”.

(SGGP).- Kỷ niệm 40 năm thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới mỹ thuật Việt Nam (10-12-1951 - 10-12-2016), ngày 9-12, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM phối hợp cùng Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ”.

65 năm trước, vào ngày 10-12-1951, Bác Hồ đã viết thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951. Bức thư thể hiện tình cảm và sự quan tâm của vị lãnh tụ đối với các nghệ sĩ tạo hình cũng như đối với văn học nghệ thuật. Mở đầu, Bác viết: “Gửi anh chị em họa sĩ. Biết tin có cuộc trưng bày, tiếc vì bận quá, không đi xem được, tôi gởi lời thân ái hỏi thăm anh chị em. Nhân tiện, tôi nói vài ý kiến của tôi đối với nghệ thuật, để anh chị em tham khảo: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy…”.

Tại buổi tọa đàm, ý kiến các đại biểu đều khẳng định, lời dạy của Người vừa là chân lý vừa là mệnh lệnh; thời hòa bình xây dựng đất nước phồn vinh, lời chỉ dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị. Văn hóa nghệ thuật luôn là một dòng chảy không ngừng nghỉ, luôn giao lưu, cọ xát để bồi đắp những giá trị truyền thống, loại bỏ những thứ phản văn hóa, khám phá và khơi nguồn tạo ra những giá trị mới, hướng tới việc phục vụ đời sống con người, đời sống xã hội tốt đẹp hơn. Thời chiến hay thời bình, văn hóa nghệ thuật đều tuân theo quy luật đấu tranh để tồn tại, đấu tranh để phát triển. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, văn học nghệ thuật muốn tồn tại, phát triển không thể không đấu tranh, phấn đấu. Lịch sử đã cho thấy, bản sắc văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam là nguồn sức mạnh quan trọng trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước. Văn nghệ sĩ không thể làm ngơ, không thể vô cảm trước sự xâm lăng của ngoại bang, trước nỗi đau khổ của sự nghèo khó, của sự thấp kém tụt hậu so với thế giới. Văn nghệ sĩ càng không thể vô cảm, thờ ơ trước sự hy sinh oanh liệt vĩ đại của những người anh hùng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong dựng xây đất nước. Văn nghệ sĩ không thể dửng dưng lãnh đạm trước sự lộng hành của cái xấu, cái ác trong xã hội. Văn nghệ sĩ không thể tồn tại nếu đứng bên lề cuộc sống.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục