Đó là khái quát những định hướng chính của lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt khi bước sang năm mới 2012.
Những điểm sáng trong năm 2011
VTHKCC bằng xe buýt tại TPHCM kết thúc năm 2011 với 2 điểm thuận lợi lớn nhất. Giá vé trong năm 2011 mặc dù có sự điều chỉnh tăng lên thành 4.000 đồng/lượt hành khách đối với cự ly đi lại dưới 31km (đây cũng là diện thu hút hành khách chủ lực, trong hệ thống luồng tuyến buýt thành phố hiện nay) và 5.000 đồng/lượt hành khách nếu cự ly từ 31km trở lên, song biểu giá này vẫn nằm ở ngưỡng “hấp dẫn” với số đông người dân. Kết quả kìm giữ giá vé ở mức chấp nhận được này chính là nhờ chương trình trợ giá. Hiện nay mức trợ giá vé xe buýt tại thành phố chiếm xấp xỉ 53% giá thành, người dân đi lại bằng xe buýt lâu nay chỉ phải trả phí dưới một nửa giá trị thực nếu tính đúng tính đủ. Giá vé xe buýt tại TPHCM tương đối phù hợp với thu nhập của người dân, nếu không muốn nói là giá rẻ, bởi nó chỉ chiếm từ 4,8% đến 7,3% thu nhập bình quân đầu người.
Bên cạnh đó, xe buýt thành phố quy tụ được nhiều thành phần kinh tế tham gia khai thác, nhờ đó thành phố có thể tận dụng được các nguồn lực để phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt. Tính đến hết năm 2011, toàn thành phố đang có 16 doanh nghiệp vận tải tham gia khai thác dịch vụ buýt, trong đó chỉ có một doanh nghiệp nhà nước, một công ty TNHH, một công ty liên doanh và 13 hợp tác xã. Điều này cắt nghĩa vì sao khối hợp tác xã chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần của toàn ngành VTHKCC bằng xe buýt. Các hợp tác xã buýt tại thành phố đang chiếm sản lượng vận chuyển hành khách đến 73,2%; chiếm 66,9% luồng tuyến và chiếm 73,1% số đầu phương tiện trong toàn ngành.
Ngoài ra cũng sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến việc lần đầu tiên thành phố đưa vào khai thác 21 xe buýt chạy bằng khí nén CNG hoạt động trên tuyến Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn hồi cuối tháng 8. Trên các xe buýt CNG này có lắp đặt thùng vé tự động, camera, thiết bị giám sát hành trình, hộp thư góp ý… nghĩa là có sự chú ý nâng tầm chất lượng dịch vụ.
2012: Tiện lợi, dễ nhận biết
Bước sang năm 2012 và hướng đến giai đoạn 2015, thành phố xác định ưu tiên là phải thực hiện hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào công tác quản lý và điều hành hệ thống xe buýt.
Trong số những việc cần làm ngay, đó là triển khai 54 trạm thông tin xe buýt với nhiệm vụ chính là chỉ dẫn cụ thể, nhanh nhất phương án đi lại tối ưu cho người dân. Tại mỗi trạm, thông qua phần mềm tìm kiếm đường đi bằng xe buýt, người dân tự đưa ra yêu cầu, ví dụ muốn biết phải đáp xe buýt nào để đi từ điểm A đến điểm B. Sau đó, phần mềm máy tính sẽ tính toán và lập tức đưa ra kết quả lộ trình các tuyến xe buýt cụ thể cần đi.
Thống kê từ ngành chức năng cho thấy hiện chỉ mới có 13 doanh nghiệp đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với tổng số xe được lắp đặt là 600 chiếc thuộc 33 tuyến buýt. Trong năm mới, sẽ kêu gọi thêm các doanh nghiệp hưởng ứng để tiến tới toàn bộ xe buýt trên địa bàn thành phố đều phải có trang bị thiết bị giám sát hành trình. Việc quản lý điều độ sẽ thuận lợi hơn nhiều nhờ thiết bị giám sát này, bởi vì dữ liệu được cập nhật về Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TPHCM, từ đó dễ dàng trích xuất các báo cáo kiểm tra về thời gian vận hành thực tế của từng chiếc xe buýt, số chuyến...
Một trọng tâm khác là từng bước chuyển sang bán vé xe buýt tự động, nâng dần số lượng luồng tuyến và số xe buýt sử dụng thu vé tự động. Bởi vì trong tổng số 146 tuyến xe buýt với tổng cộng gần 3.000 xe buýt các loại hiện nay, tính ra chỉ mới có 19 tuyến với 293 xe đang áp dụng hình thức thu vé tự động. Tỷ lệ xe buýt sử dụng phương thức thu vé văn minh hiện đại còn quá ít mặc dù mô hình thùng bán vé tự động trang bị trên xe buýt có nhiều ưu điểm: ngăn chặn tình trạng tiếp viên phân biệt đối xử với hành khách sử dụng vé tập; giúp gọn nhẹ bộ máy điều hành xe buýt; tập cho hành khách thói quen văn minh khi đi xe buýt...
Trong thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ xây dựng hệ thống nhận diện xe buýt bằng màu sơn đặc trưng nhằm giúp hành khách dễ dàng tiếp cận luồng tuyến cần đi. Theo đó, kế hoạch là hệ thống các tuyến buýt tại TPHCM sẽ được phân làm 4 loại tuyến, ứng với mỗi loại là một màu sơn xe buýt khác nhau. Các tuyến loại 1 xuất phát từ Bến Thành sẽ có màu sơn xanh dương; tuyến loại 2 xuất phát từ bến Chợ Lớn có màu xanh lá; tuyến loại 3 có màu cam đậm dành cho xe buýt nội thành (trừ hai loại 1 và 2); và tuyến loại 4 có màu đỏ đậm dành cho xe buýt chạy các tuyến ngoại thành.
THIỆN NHÂN