Văn trẻ vẫn loay hoay

Đã từ lâu, những vấn đề nóng hổi của văn trẻ như tình yêu, tình dục; cái tôi cá nhân nhỏ hẹp, quẩn quanh; văn chương mạng, tiếp thị văn chương... cũng đã từng được đặt ra, nóng lên, nguội dần, rồi lại nóng...
Văn trẻ vẫn loay hoay

Đã từ lâu, những vấn đề nóng hổi của văn trẻ như tình yêu, tình dục; cái tôi cá nhân nhỏ hẹp, quẩn quanh; văn chương mạng, tiếp thị văn chương... cũng đã từng được đặt ra, nóng lên, nguội dần, rồi lại nóng...

Lặp lại người, lặp lại mình

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: “Có hai yếu tố tạo nên khoảng cách giữa văn học Việt Nam và các nước, đó là năng lực cá nhân và môi trường sống. Đây là điều các nhà văn Việt Nam phải vượt qua nếu muốn hội nhập với thế giới. Tôi thấy tiếc cho các nhà văn trẻ, khi không chịu dấn thân, nỗ lực, cứ loay hoay “bơi”… trên bờ”.

Thật vậy, tại các cuộc gặp mặt những người viết trẻ, một số cây bút thừa nhận mình đã loay hoay, không thoát khỏi những trang viết tự sự, nhàm chán, quẩn quanh cái tôi cùng tình cảm riêng tư, vụn vặt. “Tôi luôn tự vấn vì sao mình nhanh chán mình, chán trang viết, chán những đứa con tinh thần của chính mình”, một nhà văn trẻ chia sẻ. Các khuynh hướng làm mới bằng mọi cách trong văn trẻ thời gian qua vì thế, cũng chỉ coi như những vỡ vạc ban đầu. Bản thân các tác giả trẻ hoặc tự biên tập, hoặc né tránh... Những trang viết do vậy thiếu hơi thở cuộc sống, trở thành văn chương sa-lông, lơ lửng không chạm đất hoặc dung tục, tầm thường, chưa kể sự cuốn xoáy của văn hóa thị trường, sự nổi tiếng nhanh chóng của dòng sách ngôn tình và văn chương mạng...

Nhà văn trẻ Tiểu Quyên (thứ ba từ phải sang) giới thiệu sách đến bạn đọc. Ảnh: TƯỜNG VÂN

Rồi khi dòng văn chương Linglei và tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, Đài Loan ập vào Việt Nam, không ít cây bút trẻ đã háo hức làm cuộc rượt đuổi, chạy theo. Nếu như Linglei (dòng văn học phản truyền thống xuất xứ từ Trung Quốc đề cập về tình yêu, tình dục, ma túy, lối sống hưởng thụ, lập dị…) vào Việt Nam đã sản sinh ra đứa con lai: ngôn tình Việt Nam. “Các tác giả trẻ chọn trốn vào tình yêu, tình dục để vừa an toàn, vừa bán được sách và nhanh nổi tiếng”, nhà văn Phan Hồn Nhiên nhận xét. Chính điều này đã tạo ra bức tranh văn chương trẻ không mấy sáng sủa bấy lâu nay.

Cũng có những cuộc thi văn chương trẻ tạo được dấu ấn như Văn học tuổi 20 (NXB Trẻ, Báo Tuổi trẻ và Hội Nhà văn TPHCM); Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch); cùng các giải thưởng dành cho văn chương trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn TPHCM, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và nhiều cuộc thi do các báo, tạp chí tổ chức đã thu hút được đông đảo cây bút trẻ. Không bị trói buộc và hạn chế như thế hệ trước, các tác giả trẻ tha hồ lựa chọn đề tài, mặc sức sáng tạo. Nhiều đề tài trước đây “ngủ yên”, nay được người viết trẻ đánh thức và hào hứng thể nghiệm. Tuy nhiên trên thực tế, các tác phẩm chất lượng lại... như lá mùa thu, bởi “không phải tác giả trẻ nào cũng có ý thức tìm kiếm cái mới, sự khác biệt, mà chỉ loay hoay lặp lại người, lặp lại mình từ đề tài cho đến cách thể hiện. Không ít bạn viết - nhất là lĩnh vực thơ - có cách thể hiện khá giống nhau, đến nỗi nếu gộp chung vào không để tên tác giả cứ tưởng do một người viết”, nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhận xét.

Văn mạng và tiếp thị văn chương

Vấn đề này cũng không mới và cũng đã gây tranh cãi bởi lợi thế của nhà văn trẻ cũng chính là hạn chế của các nhà văn đi trước: coi tiếp thị, văn chương, ồn ào xuất hiện trước công chúng để quảng bá sách là chuyện nhạy cảm, tế nhị. Nếu như các nhà văn đi trước chưa tiếp cận kịp với truyền thông như blog, web cá nhân, diễn đàn, họp báo ra mắt… thì văn trẻ rất biết tận dụng các cơ hội này. Và internet thực sự là công cụ đắc lực. Các tác giả trẻ đã sử dụng triệt để mạng xã hội như facebook, twitter, nhiều bạn lập website riêng để quảng bá tác phẩm, bằng mọi cách để độc giả tiếp cận được các sáng tác của mình, sau đó được các nhà làm sách chú ý, in ấn, tiếp thị. Các tác giả thành công trong dòng văn chương này có thể kể đến Hà Kin (Vũ Thu Hà), Gào (Vũ Phương Thanh), Dili (Nguyễn Diệu Linh)… Tại nhiều diễn đàn mạng, có thể thấy tình cảm, hiệu ứng mà độc giả (đa phần tuổi trẻ) dành cho họ. Và dù khen hay chê, không thể phủ nhận các tác giả này đã và đang tự tin tự tìm đầu ra cho văn chương của mình.

Từng lọt vào tốp những trang cá nhân được nhiều người đọc, các cây bút trẻ như Hà Kin, Gào, Dili, Kawi, Born, Anh Khang, Đặng Thân, Nguyễn Ngọc Thạch… ngày càng gia tăng lượng người hâm mộ. Nhiều tác phẩm đình đám trước khi được in nên dễ dàng bán được sách. “Nhiều người nói một tác phẩm hay tự thân nó sẽ tỏa sáng, nhưng đến bao giờ và trong bao lâu? Bởi vậy thay vì bị động ngồi chờ, tôi chủ động đi thêm nhiều con đường khác”, tác giả Gào chia sẻ.

“Thực tế văn chương mạng đáp ứng nhu cầu giải trí và sự tò mò của một bộ phận độc giả nhất định, tôi cho rằng nó rất ít khả năng hoặc không thể cạnh tranh với văn học chính thống. Như thể loại ngôn tình, ai đọc nhiều sẽ dễ dàng nhận thấy chúng rập khuôn, nhiều truyện như kiểu nhật ký trên mạng; có thể lúc đầu được độc giả ồn ào chờ đón, nhưng như các món thức ăn nhanh hay mì ăn liền, ai mà ăn nổi?”, nhà văn, dịch giả Lý Lan nhận định.

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục