Tham vấn công chúng trong quá trình soạn thảo văn bản: Công khai, minh bạch trong phản biện dự thảo

Chủ trương một đằng, thực hiện một nẻo

Chiều 16-3, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự án Star-Vietnam tổ chức buổi tọa đàm “Ý nghĩa của việc tham vấn công chúng trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)”. Theo ý kiến của các đại biểu, tiêu chí quan trọng nhất khi tham vấn ý kiến người dân là phải đảm bảo tính công khai và minh bạch, trong đó các cơ quan báo chí đóng vai trò rất quan trọng.

Chủ trương một đằng, thực hiện một nẻo

Luật Ban hành văn bản QPPL sửa đổi, bổ sung quy định: khi ban hành văn bản QPPL, các cơ quan có liên quan phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận, đóng góp ý kiến trong thời gian 60 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng đến nay, quy định này vẫn chưa được thực hiện triệt để, khiến nhiều văn bản luật khi triển khai không hiệu quả, vấp phải sự phản ứng của người dân. Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Lê Hiếu Đằng dẫn chứng: Chiến lược giáo dục đến năm 2020 của Bộ GD-ĐT đã được góp ý 14 lần vẫn không khác trước vì “bỏ qua” ý kiến của các đối tượng có liên quan; quy định về hạn chế xe ba, bốn bánh “đụng” đến quyền lợi của rất nhiều người dân nhưng họ lại không được tham vấn ý kiến ngay từ đầu nên khi triển khai đại trà, các cơ quan chức năng lúng túng mà người dân cũng khổ sở.

Đồng tình với ý kiến của ông Lê Hiếu Đằng, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu (Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM) cho rằng, tuy các văn bản QPPL để được ban hành đều phải trải qua thủ tục, trình tự khắt khe từ thẩm định đến thẩm tra của các cơ quan có thẩm quyền nhưng tình trạng sai phạm vẫn tồn tại khá phổ biến; nhưng các cơ quan thẩm tra, thẩm định này lại không phải chịu trách nhiệm gì. Biện pháp xử lý đối với các văn bản có sai phạm chỉ là đình chỉ thi hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản; nhưng còn những văn bản được ban hành không đúng hoặc có chất lượng không tốt, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của đất nước và nhân dân thì vẫn “bình yên”! Để khắc phục, LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng: luật, pháp lệnh phải chi tiết, cụ thể, hạn chế tối đa văn bản hướng dẫn thi hành luật, có cơ chế thuận lợi nhất để văn bản QPPL trước khi còn là dự thảo hoặc khi đã ban hành cũng phải đến được với người dân nhanh nhất.

Báo chí là kênh quan trọng

Một vấn đề khác được đưa ra mổ xẻ tại buổi tọa đàm là làm thế nào để ý kiến đóng góp được tiếp thu phải thật sự khách quan. Bà Ung Thị Xuân Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM nêu vấn đề: “Nếu đối tượng lấy ý kiến tham vấn có quyền lợi xung đột với quy định trong văn bản QPPL thì giải quyết như thế nào, có nên tiếp thu hay không? Chẳng hạn như ban hành quyết định về triển khai dự án nhưng nếu lấy ý kiến của những người bị thu hồi đất để thực hiện dự án thì liệu có khách quan?”. Ông Michael McNamer – Chuyên viên cao cấp về tham vấn công chúng, nguyên Giám đốc đào tạo của Cơ quan thẩm định văn bản bang California (Hoa Kỳ) – chia sẻ kinh nghiệm: “Ban soạn thảo văn bản QPPL sẽ cân nhắc. Lợi ích chung phải được đặt cao hơn lợi ích của một nhóm đối tượng. Những ý kiến không phù hợp với lợi ích chung sẽ không được tiếp thu”.

Đối với vấn đề làm thế nào để có được việc tham vấn có hiệu quả, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Lê Hiếu Đằng và ông Michael McNamer cùng cho rằng báo chí là kênh quan trọng, tạo điều kiện để người dân đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo văn bản QPPL. Việc cơ quan truyền thông đăng tải nội dung dự thảo, những ý kiến đóng góp phản biện, phần giải trình của ban soạn thảo về lý do vì sao một số ý kiến không được tiếp thu sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch của văn bản QPPL cũng như nâng cao ý thức đóng góp ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội.

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Hoàng Văn Kháng, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng khẳng định tiêu chí của báo là đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phản hồi những ý kiến, nguyện vọng của người dân đến các cơ quan làm luật với mong muốn các văn bản QPPL khi ban hành sẽ ngày càng mang đậm hơi thở của cuộc sống và tạo sự đồng thuận với người dân hơn.

Còn nhiều văn bản “chỏi” nhau

Theo LS Nguyễn Văn Hậu, tình trạng các văn bản QPPL dưới luật “chỏi” nhau đang diễn ra ngày càng nhiều. Điển hình như: Nghị định 33/2003/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động báo cáo với Sở LĐTB-XH 20 ngày trước khi sa thải người lao động, nhưng như vậy là trái Bộ luật Lao động (quy định 30 ngày). Bộ luật Dân sự cho phép một tài sản được thế chấp nhiều nơi với tổng trị giá tài sản có thể nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn tổng giá trị các khoản vay nhưng Điều 114 Luật Nhà ở lại quy định nhà ở chỉ được thế chấp một nơi, tổng giá trị tài sản phải lớn hơn tổng tài sản vay và chỉ thế chấp tín dụng. Bộ Giao thông vận tải ban hành hai quyết định số 16 và 17/2007/QĐ-BGTVT quy định các phương tiện phải đăng ký sở hữu của pháp nhân mới được tham gia vận tải không chỉ gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại cho các xã viên, hợp tác xã mà còn trái Luật Doanh nghiệp…

Ái Chân – Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục