Dành trọn cuộc đời cho nghiệp cầm ca, dùng hết nửa đời gồng gánh bao tuồng cải lương qua năm tháng. Họ là những đào chánh, kép chánh một thời vang bóng trên sân khấu miền Nam. Những cái tên từng tỏa sáng như Mỵ Lan, Ngọc Đáng Lớn, Lệ Thẩm, Lệ Thu, Thiên Kim, Hồng Hoa, Thu Cúc... ngày nào, giờ đây họ lại bầu bạn cùng nhau tại viện dưỡng lão dành cho các nghệ sĩ. Thi thoảng họ vẫn cùng nhau cất tiếng ca, tiếng đàn thấm đầy kỷ niệm, ký ức…
1. Viện dưỡng lão nghệ sĩ nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ thuộc đường Âu Dương Lân (quận 8, TPHCM). Đây là chốn nương thân của 20 nghệ sĩ già neo đơn. Cũng có người còn con cháu nhưng nghèo khó, không có điều kiện chăm sóc nên được đưa vào đây.
Chúng tôi có dịp trở lại nơi đây và có dịp gặp lại nhiều gương mặt nghệ sĩ từng vang bóng một thời. Nghệ sĩ Lệ Thẩm (78 tuổi) giải thích: “Để vào được nơi đây không phải dễ, phải có 25 năm hoạt động trên sân khấu, phải là nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều khán giả yêu quý và phải là nghệ sĩ nghèo, yếu, không ai nuôi dưỡng. Ngoài ra, cụ ông phải trên 65 tuổi, cụ bà trên 60 và theo một quy luật là khi có người cũ mất thì mới có người khác vào…”. Nghệ sĩ Hồng Hoa cho biết thêm: “Chi phí ở đây chủ yếu nhờ vào trợ cấp của nhà nước và các mạnh thường quân. Chúng tôi cũng phải lo dành dụm phòng khi ốm đau bệnh tật và hậu sự…”.
Không khí ở đây khá yên tĩnh và vắng vẻ, vì vậy khi có ai đến thăm, các cụ vui lắm. Thi thoảng, có các nghệ sĩ trẻ, các nhóm sinh viên ghé thăm là không khí sôi động hẳn lên. Lớp già, lớp trẻ cùng nhau hàn huyên tâm sự về những năm tháng đã qua. Trong tháng, vào ngày rằm, ở đây lại tổ chức chương trình văn nghệ tại sân khấu hội trường khá khang trang. Các nghệ sĩ ngày nào lại được dịp thỏa sức hát ca, dù tuổi đã cao, mắt mờ, tóc bạc.
2. Những nghệ sĩ nặng nghiệp cầm ca ngày ấy phần lớn đều xuất phát từ niềm đam mê ca hát, rồi tự mày mò đi học thầy, học bạn diễn. Quê mẹ ở Thái Bình, quê cha ở Thanh Hóa, nhưng năm 1930, cha mẹ nghệ sĩ My Lan vào miền Nam làm ở các đồn điền cao su. Nghệ sĩ Mỵ Lan sinh ra và lớn lên cùng những cánh rừng cao su bạt ngàn. Khi đó, nhà bà Tám bán bún có máy hát, nên cô thường qua nghe Út Bạch Lan ca.
Nghe rồi nhiễm lúc nào không hay, rồi mê, tìm thầy học, theo nghề tới giờ. Năm 16 tuổi Mỵ Lan học thầy Ba Tình, sau đó được hát trên Đài phát thanh Pháp Á. Từ đó mỗi đêm Mỵ Lan đi quán hát để mưu sinh, kiếm tiền nuôi mình và nuôi nghề, rồi cô gia nhập đoàn hát Tử Kỳ, để lại dấu ấn với khán giả trong vở Cõi lòng tan nát. Trải qua nhiều đoàn hát như đoàn Thanh Minh, Hữu Tâm, Trâm Vàng, Kim Chung, Hoa Sen, Phương Nam, Thanh Hương, Hùng Minh… Ngày giải phóng Mỵ Lan vào đoàn Thủ Đô Dân Đại hát tại xã Lộc Thuận (tỉnh Bến Tre).
Trò chuyện với chúng tôi, bà nhớ lại vở diễn mà bà ấn tượng nhất là vở Nắm cơm chan máu của hai soạn giả Bạch Diệp - Minh Nguyên: “Tui vào vai Đỗ Lệ, một nô bộc bị công tử Cao Nhiễu Bội đuổi đi, phải trốn chui trốn nhủi, chịu trăm ngàn đắng cay… “Trời ơi, làm sao tìm ra manh áo của chồng tôi. Người ta đành tâm xé đoạn đôi rồi. Gan ruột tôi tơi bời, rã rời theo áo tơi”. Năm xưa, khi ca bản Hoài tình này, bà là cô đào sắc nước hương trời với giọng ca mùi mẫn, được nhiều khán giả mến mộ, phía dưới vỗ tay rần rần. Giờ đây ở cái tuổi 80, mỗi lúc buồn, bà vẫn ngâm nga bài ca ấy… Sau phút trầm tư, nghệ sĩ Mỵ Lan tâm sự tiếp: “Theo cái nghề này tui mê lắm cô ơi, tui mê cho tới ngày tàn hơi, kiệt sức. Sanh nghề tử nghiệp, tui đã chấp nhận rồi thì nhứt định phải đeo theo”.
3. Đời nghệ sĩ cải lương bồng bềnh như con nước, vơi đầy theo những tiếng cười vui của khán giả. Khi còn đứng trên sân khấu, họ là những ngôi sao sáng dưới ánh hào quang. Khi ánh đèn sân khấu tắt, gạt bỏ lớp phấn son, họ trở lại cuộc sống đời thường với nỗi lo cơm áo gạo tiền mưu sinh. “Vinh quang lắm, mà cũng cay đắng lắm” - nghệ sĩ Lệ Thẩm bùi ngùi.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ nhạc, cha là thầy đờn Hai Cần, mẹ làm nội trợ cho đoàn hát, Lệ Thẩm đứng trên sân khấu khi vừa 6 tuổi trong những vai phụ ở đoàn Thái Bình. Năm 17 tuổi bà theo đoàn Năm Châu, rồi dần dần khẳng định tên tuổi của mình qua những vở Tấm Cám, Ánh nắng chiều xưa, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài… Sau khi lập gia đình với nghệ sĩ Tuấn Sỹ, bà cùng chồng lập gánh hát Nhụy Hương Tuấn Sỹ. Nhưng chỉ được hơn 10 năm thì rã đoàn, hai vợ chồng quay lại đời hát thuê ở các đoàn khác.
“Hồi xưa khán giả rất mến cải lương, mấy anh chị em phải rày đây mai đó theo đoàn diễn. Đi khắp thành thị đến thôn quê nghèo, ngóc ngách nào cũng có bước chân rong ruổi của họ. Ngày nay, có truyền hình, băng đĩa nên cải lương không có những đoàn hát như xưa nữa. Giờ già rồi, nhiều bữa ngồi ca thấy mình rất nhớ nghề” - nghệ sĩ Lệ Thẩm tâm sự. Ngoài cải lương, bà còn để đời với những vai diễn trong các bộ phim như Mùa len trâu, Ngọn nến hoàng cung, Dốc tình…
4. Còn với nghệ sĩ Hồng Hoa, nghiệp cầm ca của bà cũng lênh đênh không kém, bà cười móm mém kể: “Hồi còn đi học, tui học bài không thuộc, mà bài ca nào trên báo đọc qua là tui thuộc liền hà”. Năm 17 tuổi, bà bỏ học đi theo đoàn Phước Trung, nổi tiếng với vở tuồng Thủ cấp của ai, Thoại Khanh - Châu Tuấn. Qua đoàn Kim Trung thì có tuồng Bóng ma trong cổ miếu. Bà nhớ lại: “Hồi đó không phải mới vào là được làm đào chánh liền đâu. Trai gái gì cũng vậy, phải làm quân, làm dân trước, bị đánh rồi bị đâm, la á… á, bịt đầu nằm xuống. Khi nào các thầy đờn rảnh, tôi tranh thủ nhờ mấy ổng dạy ca. Nhờ đó mà nên”.
Một trong những nghệ sĩ già được nhiều người mến mộ nhất tại đây là nghệ sĩ Thiên Kim. Trước giải phóng, bà nổi tiếng với những bộ phim như Huyền Trân công chúa, vai chánh Quỳnh Nga trong Quán gánh đầu làng đến những bộ phim truyền hình dài tập ngày nay như: Đất lành chim đậu, Bỗng dưng muốn khóc, Mẹ chồng nàng dâu, Hot boy nổi loạn, Quý ông thời đại, Hoa hồng không dành cho em, Mắt bướm…
Để đến được với nghề, bà đã phải trải qua nhiều cơ cực, sóng gió, đắng cay và nhiều nước mắt. Bà tâm sự: “Ông già tui là kép độc Sáu Đỏ lừng danh trong làng cải lương ngày đó, từng là thầy của cô Bảy Phùng Há… Có lẽ vì mang dòng máu của cha mà nghiệp xướng ca đã ăn sâu vào máu thịt, vào trái tim tui dù cuộc đời trôi nổi, dâu bể bôn ba, cha con chia lìa”. Năm 8 tuổi, bà theo các chị vào đoàn Kim Thoa, khởi nghiệp sân khấu cải lương bằng những vai phụ như con hầu kẻ ở, trong những buổi diễn khi đói khi no…
Người dìu dắt bà những bước đi đầu tiên là nhạc sĩ Tư Chơi (tức soạn giả Huỳnh Thủ Trung) và cô Năm Kim Thoa (bầu gánh Kim Thoa). “Hồi đó còn nhỏ, thầy chỉ sao thì hát vậy. Khi lớn thì tự mình hiểu, nghe, rồi thấu. Muốn ca bài bản hơn thì phải học thầy đờn. Cũng nhờ mấy ổng thương nên mới dạy cho ca mấy bài”. Năm 22 tuổi, bà nổi tiếng với vai Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình, vai công chúa trong vở Tam hoàng tử tranh hôn tại đoàn Bích Thuận. Sau này bà về đầu quân ở các đoàn Tiếng Chuông, Nam Hồng, Sóng Mới… với những vai chánh trong các vở như Vĩ tuyến 316, Tấm Cám, Nỗi lòng chị bếp, Trần Minh khố chuối… Sau này, bà chuyển sang sân khấu kịch, tham gia lồng tiếng ở ban duyệt kịch Năm Châu và ban Hồng Phúc, rồi tham gia đóng phim…
Chia tay với các nghệ sĩ già, bước ra tới cổng của viện dưỡng lão, bất chợt tôi vẫn nghe đâu đó loáng thoáng những câu ca của soạn giả Viễn Châu: “Buông bức màn rồi danh vọng hết/Người về lòng rũ sạch sầu thương/Người vào cởi áo lau son phấn/Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”.
Dưới tán cây xanh lá buổi trưa hè, những nghệ sĩ già nằm trên võng đong đưa hát. Họ hát để cởi mở tâm tư, để tự mua vui cho mình lúc tuổi già và hát cho lòng không đặng khắc khoải nhớ nghề xưa.
HỒNG LỢI