Vàng mặt đãi vàng

Cô bé Hồ Xoan lật khay đãi vàng bên dòng suối lạnh cóng, mắt không ngừng dõi theo những hạt cát trôi theo dòng nước. Những thứ nặng hơn cát ánh lên màu vàng làm đôi mắt Vân Kiều của cô sáng lên niềm vui. Đó là vàng cám mà Xoan đãi được bên suối A Long, dưới núi Hùi Coóc của xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.
Vàng mặt đãi vàng

Cô bé Hồ Xoan lật khay đãi vàng bên dòng suối lạnh cóng, mắt không ngừng dõi theo những hạt cát trôi theo dòng nước. Những thứ nặng hơn cát ánh lên màu vàng làm đôi mắt Vân Kiều của cô sáng lên niềm vui. Đó là vàng cám mà Xoan đãi được bên suối A Long, dưới núi Hùi Coóc của xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Vào bãi vàng

Mỗi buổi sáng thức dậy, Xoan sửa soạn đồ nghề ra suối cách bản hơn 3 cây số đường rừng để đến với A Long - thượng nguồn sông Long Đại thuộc Tây Trường Sơn. Đồ nghề của Xoan rất đơn giản, chỉ là cái môi hỏng, bàn đãi vàng, cái tô nhựa nhỏ để đựng vàng cám. Trời Trường Sơn mùa này lạnh cóng, nhưng buổi sáng Xoan không có gì lót dạ vì nhà quá nghèo, bản em cũng nghèo. Đám bạn của Xoan cũng thế, chẳng có gì cho vào bụng, cả thảy lủi thủi vào rừng kiếm vàng mưu sinh.

Vàng mặt đãi vàng ảnh 1

Những thiếu nữ Vân Kiều tìm vàng

Theo chân những người như Xoan vào địa điểm đãi vàng, con suối A Long bật mình từ thượng nguồn ngọn núi có nhiều vàng sa khoáng, sau đó chảy về Xà Khía, nơi có mỏ vàng đã bị khai thác đến kiệt. Nhưng thượng nguồn của nó là nơi đảm bảo mưu sinh cho 35 hộ dân bản Trung Đoàn, trong đó Xoan là thành viên. Con đường tiểu ngạch xuyên qua những đồi cỏ tranh, bước qua hai lần suối, đi dưới tán rừng rậm rạp mới chạm chân đến với A Long. Bãi vàng lộ ra, những thiếu nữ Vân Kiều lầm lũi bên vệt nước vàng khè vừa sục đãi vừa ngâm lặn.

Vàng mặt vì vàng

Một khúc suối dài của A Long lộ ra những hàm ếch lấy đất cho vào khay đãi tìm vàng. Người Vân Kiều bản Trung Đoàn có kinh nghiệm thủ công như thế hàng chục năm nay. Đang cắm mình dưới dòng nước suối là Hồ Thị Lau, hỏi được gì chưa, Lau nói: “Mới được một cám”. Nhìn vào cái tô lắng nước, có một hạt nhỏ như hạt cám ánh lên màu vàng. Mỗi ngày được bao nhiêu cám? Lau bẽn lẽn cười: “Ít lắm”. “Là được mấy?, “Cả ngày được 2 li vàng cám”.

Dầm mình cả ngày dưới suối nước lạnh, Lau cùng đám bạn của xóm mỗi ngày kiếm được mỗi người 2 li vàng, có ngày may mắn được khoảng 2,5 phân vàng, cũng có người may mắn được 1 chỉ nhưng rất hiếm, cả trăm ngày mới được một ngày và chỉ một người có. Và những lúc như thế, xóm lại mở lễ rượu mừng, bán vàng lấy rượu về uống, ngày mai lại trắng tay, lại ra suối tiếp tục đãi vàng.

Hồ Diên nấp sau liếp cửa chuẩn bị ra suối, thấy người lạ vào nhà, em chào vội rồi nấp sau đó. Hỏi mãi em mới ra. Tấm thân gầy khắc khổ níu chặt cuộc sống mưu sinh như không phát triển chiều cao lên được nữa. Diên kể: “Con gái cả bản này chẳng làm được việc lớn như đàn ông lên rừng lấy ong, săn bắt động vật về bán. Con gái chỉ biết ngoài suối có vàng và ra đó bám suối đãi kiếm tiền đong gạo”.

Vì cuộc sống mưu sinh, con gái của bản Trung Đoàn phần lớn thất học, nhiều em mới 14, 15 tuổi đã đành để con chữ rớt lại sau lưng mà theo khay đãi vàng ra suối. Hồ Xoan mới 14 tuổi, nói: “Có tiền mô mà đi học. Phải ở nhà giúp bố mẹ kiếm cái ăn, không thì đói lắm. Học thì biết chữ nhưng chữ ở đây chẳng no được bụng thì học cũng khổ lắm”.

Nhìn bên bờ suối, từng tốp nhỏ những em gái Vân Kiều miệt mài tìm vàng mà khuôn mặt vàng vọt đến tội nghiệp. Lâu lắm rồi những khuôn mặt người ấy chưa có chút thảnh thơi nào ngoài lo toan.

Ép giá

Cái công của phụ nữ bản Trung Đoàn kiếm ra mỗi ngày chỉ nhỉnh hơn 20.000 đồng, ngày nào năng suất thì bán được 50.000 đồng. Quần quật như thế, đưa những cám vàng về, dùng thủy ngân cô chúng lại mới đưa đi bán. Gặp người dưới xuôi lên buôn bán thu mua đàng hoàng, những cô gái Vân Kiều còn có chút đỉnh đưa về giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Nhưng cũng nhiều lần, chị em ở bản Trung Đoàn xa ngái này bị lừa vàng thật thành vàng dỏm. Xoan kể: “Có lần, có ông bán hàng cá thịt lên hỏi có vàng bán thì mua, cả xóm làm được gần 1 chỉ đưa ra, ông ấy bỏ vào mồm cắn nói vàng chưa đủ tuổi, vàng ni non, rứa là nói bán được nhưng ít tiền lắm. Cả xóm nói không tăng được à, ông nớ nói không được. Rứa là bấm bụng bán lấy ít tiền rồi đi mua gạo vì cả xóm mấy đứa con nít đang đói sôi bụng”.

Lau kể: “Có ông người Quảng Trị ra cũng hỏi mua vàng, cháu đưa ra bán được nửa chỉ, cầm vàng lên, ông nói vàng dỏm, bán ít tiền. May có mấy chú lâm trường đi ngang qua, nghe nói không thủng tai liền đứng lại, giật lấy nói mua đắt với giá thiệt. Cháu mừng, không thì bị lừa uổng mấy ngày làm vàng”. Nhưng may mắn như Lau lại là số ít, đa số dân bản Trung Đoàn bán vàng đãi được cho người miền xuôi lên thu mua rẻ hơn dưới miền xuôi buôn bán với nhau rất nhiều. Vì họ bị ép giá ở vùng rừng heo hút.

Rời bản Trung Đoàn, trời chiều bảng lảng, trong ánh khói giăng bên chái bếp Vân Kiều, từng tốp nhỏ các em gái lụi cụi về bản với thân hình tê tím ướt sũng. Một câu hỏi hiện ra, biết bao giờ họ làm ăn đủ sống? Bởi ruộng nương canh tác hàng chục hécta ở đây không còn sử dụng được.

Cách để họ mưu sinh thường nhật mà có thời gian từng làm là ùa vào rừng đẵn gỗ đi bán, nhưng lâm trường bắt rát, người Vân Kiều đã buông rìu, bó gối ở nhà. Nhìn những người đàn ông, đàn bà bản Trung Đoàn ngồi bên bậu cửa mắt nhìn xa xăm mà xót xa, giá như con suối A Long có nhiều vàng hơn, hoặc họ có một cái “cần câu” bền vững hơn.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục