Vàng thau lẫn lộn

Sự việc ầm ĩ trong vài ngày qua liên quan một chương trình truyền hình về hẹn hò có mô-típ không mới. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là có những vấn đề đã trở thành căn bệnh trầm kha, mặc nhiên được chấp nhận ngay cả khi từng bị lên án, chỉ trích dữ dội.

Lần này, có nhiều lý do chính đáng cho nguồn cơn giận dữ của dư luận. Trước đó, trên sóng truyền hình, chàng trai 30 tuổi giới thiệu quê Thừa Thiên - Huế và đang làm kế toán tại TPHCM (nhưng sau đó thừa nhận là diễn viên bán chuyên) có những phát ngôn gây sốc. Rất nhiều khán giả, đặc biệt người dân Huế lên tiếng vì bức xúc.

Bày tỏ quan điểm cá nhân cũng như đưa ra tiêu chuẩn mong muốn về một người bạn đời là chuyện thường gặp ở các chương trình hẹn hò. Điều này dễ hiểu và được chấp nhận. Trên thực tế, từ cầu nối của các chương trình, đã có nhiều cặp đôi tìm thấy một nửa còn thiếu của mình. Khía cạnh tích cực ấy cần được nhìn nhận. Từ mục đích tốt đẹp ban đầu, khi càng nhận được quan tâm của khán giả thì chương trình càng nảy sinh nhiều biến tướng, vàng thau lẫn lộn. Quá dễ dàng để liệt kê ra những sự vụ, chi tiết gây tranh cãi trong các chương trình gần đây: vô tư kể chuyện phòng the, âu yếm phản cảm trên sân khấu, đòi hỏi bạn trai phải tài trợ du lịch châu Âu mới hẹn hò, lấy phụ nữ xấu thì hỏng cả một đời con cháu, đòi bạn trai “chi tiền” khi yêu, lập lờ chuyện giới tính, lừa dối tình trạng hôn nhân…

Tham gia các chương trình hẹn hò nhưng không phải ai cũng đi tìm một nửa. Với nhiều người đã nhẵn mặt trong nhiều chương trình có thể gọi đó là “nghề”. Họ hoặc được mời là diễn viên “đóng thế”, hoặc đam mê được lên sóng truyền hình, coi đó là công cụ quảng bá bản thân… Ngay cả chàng trai 30 tuổi nói trên trước đó 6 tháng từng tham gia một chương trình khác và đã tìm thấy một nửa của mình. Nhưng, chính anh thừa nhận mình chỉ làm theo kịch bản có sẵn. Thử hỏi, nếu chính người trong cuộc không thừa nhận, bao nhiêu khán giả biết mình đang bị lừa.

Các “sự cố” của nhiều chương trình về hẹn hò xảy ra như cơm bữa, thậm chí lặp lại nhiều lần, bị công chúng lên án, nhưng rồi cũng chính khán giả lại nhanh chóng quên đi, bỏ qua. Điều ấy dẫn đến hệ quả, trong hầu hết scandal, người chơi luôn ở vị trí đứng mũi chịu sào, còn nhà sản xuất... im lặng là vàng, mặc sự việc “chìm xuồng” theo thời gian. Trường hợp của chàng trai 30 tuổi lần này có chăng khác hơn bởi trước sức ép quá lớn dư luận buộc nhà sản xuất không thể đứng ngoài cuộc và im lặng.

Giải pháp được ê-kíp đưa ra là “kỹ lưỡng hơn nữa trong khâu nội dung và biên tập chương trình để tránh gây hiểu lầm đáng tiếc, cũng như gây áp lực cho các bạn tham gia chương trình khi họ phải bộc lộ những quan điểm chưa thật hay và dễ bị phán xét”. Trong rất nhiều sự việc lùm xùm, không ít khán giả cho rằng trách nhiệm và lỗi lầm của người chơi là một phần nhưng phần nhiều hơn thuộc về nhà sản xuất.

Chương trình truyền hình hay truyền hình thực tế hầu hết được sản xuất theo kịch bản định sẵn và luôn có sắp đặt - đó là một thực tế. Điều quan trọng là sự can thiệp và kiểm soát của ê-kíp ở mức độ nào để cân đối hài hòa lợi ích khi lên sóng. Với một chương trình được ghi hình phát lại, quyền biên tập nội dung nằm trong tay đơn vị sản xuất và khâu kiểm duyệt của đơn vị phát sóng. Vẫn biết, để thu hút sự chú ý của người xem - yếu tố tác động lớn đến lợi nhuận - không hề đơn giản. Tất yếu, các chương trình tìm mọi cách câu kéo lượng người xem hay thu hút lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Cuộc chiến ấy áp lực, dai dẳng và đôi khi bất chấp thủ đoạn.

Tham gia chương trình truyền hình, quan điểm của một cá nhân thường không đại diện cho cộng đồng hay số đông. Nhưng, khi phát ngôn ấy gây ra hệ lụy và phản ứng trái chiều, nó không còn là câu chuyện của một cá nhân. Vậy nên, sẽ không thể có chuyện ai có quyền đứng ngoài cuộc chơi. Chấp nhận chơi phải chấp nhận chịu và luôn nhớ - đâu là giới hạn.

Tin cùng chuyên mục