“Vâng, tôi có thể” – được nhân rộng tại Mỹ Latinh

“Vâng, tôi có thể” – được nhân rộng tại Mỹ Latinh

Bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, bất chấp bao thăng trầm của lịch sử, Cuba kiêu hãnh giữa lòng châu Mỹ Latinh với chiến dịch xóa mù chữ thành công mang tên “Vâng, tôi có thể” đang được nhân rộng trên khắp châu lục này.

Trước khi Cách mạng thành công tháng 1-1959, một nửa trẻ em Cuba không được đến trường, phần lớn nông dân mù chữ. Tháng 3-1959, Chính phủ cách mạng Cuba đã ra quyết định thành lập Ủy ban Xóa nạn mù chữ và Giáo dục cơ bản. Năm 1960, Chủ tịch Fidel Castro đã cử hơn 1.000 giáo viên về nông thôn dạy nông dân đọc và viết. Tại các vùng sâu, vùng xa, có những lớp học chỉ một thầy và một trò với đầy đủ điều kiện của một lớp học do Nhà nước quy định.

Nếu ở những vùng đó, người mẹ nào có khả năng làm vai trò của một cô giáo thì Nhà nước sẽ trả lương giáo viên cho chính người mẹ đó để dạy chữ cho con mình. Chính sách đó của Cuba nhằm đảm bảo không ai thất học. Không đầy 1 năm sau, chiến dịch diệt dốt trong toàn quốc đã đạt thành tích xuất sắc với hơn 1 triệu người được xóa nạn mù chữ và được công nhận là quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ không còn người không biết đọc và biết viết.

Một người Nicaragua đang học viết theo chương trình “Vâng, tôi có thể”.

Một người Nicaragua đang học viết theo chương trình “Vâng, tôi có thể”.

“Vâng, tôi có thể” do các giáo viên Cuba soạn thảo nhằm giúp những người mù chữ có thể học viết, học đọc thông qua 65 buổi lên lớp với giáo viên và học qua các băng hình chỉ trong vòng từ 6 - 8 tháng. Phương pháp “Tôi có thể” của Cuba, được áp dụng phù hợp với ngôn ngữ, tập quán và đặc thù của mỗi nước. Giáo án của phương pháp sư phạm đặc biệt này nguyên bản bằng tiếng Tây Ban Nha đã được chuyển sang tiếng Anh và nhiều thổ ngữ khác tại khu vực Mỹ Latinh, đồng thời được phổ cập ở nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Nhờ áp dụng phương pháp sư phạm này, Venezuela, Nicaragua và Bolivia đã hoàn thành chiến dịch xóa nạn mù chữ chỉ trong thời gian ngắn. Venezuela là nước thứ hai ở khu vực thanh toán nạn mù chữ trong nhân dân, sau Cuba. Năm 2007, trở lại nắm quyền sau 16 năm, Chính phủ của Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Cuba và Venezuela.

Bên cạnh việc cung cấp giáo trình giảng dạy, Cuba và Venezuela còn hỗ trợ cả giáo viên, thiết bị và dụng cụ, phương pháp học tập giúp Nicaragua hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và được UNESCO công nhận vào tháng 8-2009.

Tính đến nay, “Vâng, tôi có thể” được ứng dụng tại 11 quốc gia… Có thể nói Cuba đang gián tiếp góp phần quan trọng xóa mù chữ cho hơn 860 triệu người trên thế giới, đặc biệt là ở các nước “thế giới thứ ba”.

Thế cho nên, Cuba đã được UNESCO công nhận là nước đầu tiên ở Mỹ Latinh hoàn thành chỉ tiêu chương trình “Giáo dục cho mọi người” do LHQ đề ra tại Diễn đàn thế giới tổ chức tại Bangladesh năm 2000 và Cuba được xếp thứ nhất thế giới về số người biết chữ (99,8%) và thứ 23 trên thế giới về thành tích giáo dục.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục