Thời bản quyền: Hai câu chuyện và một kết cục

Thời bản quyền: Hai câu chuyện và một kết cục

Cần phải nói rõ hơn là hai câu chuyện nhưng mới chỉ một câu chuyện là có kết cục tạm thời, câu chuyện còn lại hiện nay đang trở thành một sự kiện nóng và gay cấn.

  • “Đại gia” cũng vi phạm bản quyền?

Chiều 27-10, trong khuôn viên văn phòng cơ quan Bộ Văn hóa - thể thao và Du lịch tại TPHCM đã diễn ra một cuộc họp đặc biệt. Về danh nghĩa, đây là cuộc họp do Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) tổ chức, nhằm trình bày về tình hình hoạt động băng đĩa trong nước và thông báo một số thông tin về việc xâm phạm bản quyền băng đĩa của một số đơn vị kinh doanh. Trên thực tế, đây là cuộc gặp gỡ giữa RIAV và các cơ quan báo chí nhằm công bố lời “tuyên chiến” của RIAV với những đơn vị đang sử dụng trái phép các sản phẩm âm nhạc mà RIAV là đại diện hợp pháp.

Thời bản quyền: Hai câu chuyện và một kết cục ảnh 1
Phó Chủ tịch thường trực RIAV Trương Thị Thu Dung đưa ra các bằng chứng vi phạm bản quyền của Nokia

“Ngôi sao” và “đại gia”, đó là cách gọi ví von của nhiều người về cuộc đối đầu giữa RIAV với các đơn vị đang sử dụng trái phép các sản phẩm âm nhạc bởi trong màn mở đầu lần này, hai đơn vị bị nêu danh chính là hai đại gia lớn, là Nokia, tập đoàn điện thoại di động lớn nhất thế giới và IPTV của FPT. Tuy nhiên, nếu IPTV mang tính chung chung thì Nokia lại là một cái tên cụ thể và lần này, nếu Nokia không thỏa thuận được với RIAV thì “ông lớn” trong làng ĐTDĐ sẽ phải chấp nhận nguy cơ hầu tòa tại Việt Nam vì vi phạm bản quyền. Phía bên kia dĩ nhiên là RIAV, đơn vị đại diện các nhà sản xuất chương trình, ghi âm.

Tất cả bắt đầu từ một loại hình khuyến mãi của Nokia. Theo đó, bất cứ khách hàng nào mua một vài loại điện thoại của Nokia sẽ được tặng một mã số cho phép người dùng truy cập vào trang web mp3.nhacso.net/nokia để chép về điện thoại của mình 1.000 trên tổng số hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc có trên đây. Đây là một hình thức khuyến mãi các sản phẩm điện tử rất quen thuộc, Apple có dòng máy Ipod và kho nhạc trực tuyến Itunes lừng lẫy, Creative, Sansa, Iriver… các thương hiệu máy nghe nhạc khác cũng có những kho nhạc riêng dành cho khách hàng của mình. Điểm khác biệt là kho nhạc của Nokia ở Việt Nam lại đang bị RIAV buộc tội chưa mua bản quyền đã dám sử dụng nhất là nhằm mục đích kinh doanh.

Trong khi Nokia đổ tội cho trang web nhacso.com, nhacso kêu là mình có bản quyền… RIAV thì dùng những lời lẽ nặng nề lên án cả hai là “thiếu thiện chí”, “gây sốc” khi từ chối thương lượng. Trên thực tế cả hai bên đều đang mong muốn một kết cục có hậu, một bên tránh được việc dính vào việc kiện tụng, dễ dẫn đến mất uy tín và một bên hy vọng mình sẽ được như Hiệp hội Ghi âm Mỹ (RIAA) kiếm được khoản doanh thu lớn nhờ thu phí sử dụng các sản phẩm âm nhạc trực tuyến. Nếu được, đây sẽ là kết cục rất có hậu cho cả hai bên vì phía sử dụng sẽ có thể đưa vào phục vụ kinh doanh kho nhạc khổng lồ hơn 300.000 tác phẩm mà RIAV đang sở hữu và bên giới sản xuất, nghệ sĩ sẽ có thêm một khoản thu đáng kể từ nhạc trực tuyến.

  • Từ sách lậu đến thị trường mới

Trước cuộc họp chưa đầy một tuần, một câu chuyện khác có hoàn cảnh gần giống đã có kết thúc tương đối có hậu. Tất cả bắt đầu từ việc Công ty First News-Trí Việt tổ chức bắt quả tang Trường Ngoại ngữ Đông-Âu bán sách lậu và Trường Anh ngữ quốc tế Âu-Mỹ photo sách lậu. Cũng y như vụ của RIAV, Frist News mở đầu đầy mạnh mẽ với những phát biểu nảy lửa, những tuyên bố hùng hồn.

Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi lãnh đạo hai trường có cuộc làm việc với doanh nghiệp. Rất nhũn nhặn khi nhận lỗi hoàn toàn về phía mình, cả hai trường đều đưa ra những điều kiện hấp dẫn với doanh nghiệp. Ngoài một số lượng sách có bản quyền lớn mà cả hai trường đặt mua ngay lập tức nhằm đổi lại sách lậu mà trường đã cung cấp cho học viên, cả hai còn ký kết hợp đồng mua sách có chất lượng cao từ doanh nghiệp. Với cả ngàn học viên mỗi khóa của hai trường, Frist News đã có thể xoa tay mãn nguyện khi có một khách hàng mạnh và ổn định. Đó là chưa kể sau vụ việc này, một thị trường tiềm năng đã mở ra khi theo tiết lộ của ông Vương Quang Hùng, Giám đốc Công ty TNHH M.H.T (đơn vị quản lý hai trường trên) là hầu hết trên tổng số hơn 700 trung tâm, trường ngoại ngữ trong TP cũng đang dùng sách photo, thậm chí đến nay đã có thêm gần 20 trường nữa nằm trong “tầm ngắm” của Frist News. Bài học từ Đông-Âu, Âu-Mỹ sẽ khiến những trường này phải nhìn lại.

Một kết thúc có hậu kiểu M.H.T và Frist News cũng là điều mà RIAV hay Nokia hoặc các nhà cung cấp IPTV chờ đợi. Tòa án chỉ là bước cuối cùng mà cả hai đều không mong muốn. Tránh được việc khiếu kiện kéo dài và kiếm được lợi là điều cả hai chờ đợi .

Tường vân

Tin cùng chuyên mục