Dự thi ký văn học chân dung “Người đương thời”

Bác sĩ Phan Kim Phương: Mổ với tâm thế người mẹ cứu con

Bác sĩ Phan Kim Phương: Mổ với tâm thế người mẹ cứu con

Bác sĩ phẫu thuật tim Phan Kim Phương, Phó Giám đốc Viện Tim thành phố không chỉ là người có đôi bàn tay tài hoa, tấm lòng tận tụy dành cho sự sống của bệnh nhân, mà chị còn là một nhà khoa học không ngừng vươn lên để vượt qua chính thành tích và hiểu biết của mình, từng ngày.

Năm 2000, Nhà nước đã phong danh hiệu Anh hùng lao động cho chị, một nữ phẫu thuật tim hiếm hoi của thế giới.

Đến nay, sau 17 năm, với hơn 25.000 giờ trực tiếp phẫu thuật cho 8.000 trái tim đau yếu, chị không thể nhớ nổi trong đó có mấy ngàn bệnh nhân trạc tuổi con trai chị được cứu sống, có điều, lần nào bước vào những ca mổ cho bệnh nhân trẻ tuổi, chị đều mang tâm thế của người mẹ đi cứu con mình…

Bác sĩ Phan Kim Phương: Mổ với tâm thế người mẹ cứu con ảnh 1

Bác sĩ Phan Kim Phương với nụ cười sau ca mổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

1. Năm 6 tuổi, một buổi sáng thức dậy Phương không thấy cha, mẹ đâu nữa. Cô giáo Mười Tây và thầy giáo Tư Bắc của bộ phận được T4 bị lộ thân phận, được lệnh rút gấp về cứ và cô con gái nhỏ của họ - Phan Kim Phương - được bên ngoại đón về Gò Công ngay trong đêm ấy.

Từ đó, thi thoảng, một - hai năm bé Phương được tổ chức bí mật đón lên thành phố thăm mẹ. Phương nhớ mãi hình ảnh mẹ – dịu dàng trong chiếc áo dài, khoan thai bước vào căn phòng nhỏ, trong có bé Phương đang hồi hộp đợi chờ.

Cánh cửa phòng vừa đóng lại, mẹ ôm vội cô con gái nhỏ vào lòng. Cả hai cùng im lặng để nghe nhịp đập trái tim mình thổn thức. Mẹ chải mái tóc, lau mặt, cắt móng tay, trò chuyện với sự đồng cảm, thấu hiểu mọi điều cùng Phương, như giữa họ chưa hề có cuộc chia ly.

Vài tiếng đồng hồ gặp gỡ để rồi mẹ con lại chia xa. Và lần nào cũng thế, khi cô giáo Mười Tây lầm lũi, kéo chiếc nón che khuất cặp mắt đỏ đi ra khỏi cửa thì bé Phương cũng cắn răng ngồi chết trân nhìn sững theo bóng mẹ ở góc phòng…

13 tuổi, Phan Kim Phương được tổ chức đưa ra Bắc học. Những cánh đồng lúa, bóng hàng dừa đung đưa trong gió lẫn trong dáng ngoại liêu xiêu xa dần, xa dần và mất hút trong mắt cô bé. Đi bộ ròng rã hơn 4 tháng trên những cung đường Trường Sơn đầy bom đạn, Phương và các bạn đồng trang lứa lả người vì những cơn sốt rét đeo đẳng họ triền miên.

Những năm tháng học tập trên đất Bắc, Phương vẫn có những giấc mơ về cánh đồng lúa màu xanh có ngoại cô hắt bóng ngả nghiêng theo nắng chiều, có tà áo dài màu xanh biển của mẹ ánh lên lúc chia tay.

30-4-1975, cả ngôi trường dành cho học sinh miền Nam trên đất Bắc không còn phân biệt ngày - đêm. Phương và các bạn cười nói đến khan tiếng vì nỗi vui mừng được quay về quê trong niềm vui thống nhất đất nước.

Tháng 6-1975. Chiếc tàu từ Bắc vào kéo còi cập bến Sài Gòn, Phan Kim Phương dớn dác tìm cha mẹ, giữa muôn ngàn tiếng khóc – cười của ngày hội ngộ.

Một người đàn ông mặc sơmi nhạt màu, đội nón phớt, dáng vẻ thư sinh đến trước mặt: “Phương phải không con?”. Phương nói như đang mơ “Dạ”. Và, khi ông ôm chặt vai hỏi: “Khỏe há con?” thì cô khóc nức nở. Cha cô đấy ư? Phương đi theo bàn tay cha nắm chặt mà chân cô như bay lên...

2. Về lại thành phố đúng mùa thi đại học. Phương kiên quyết thi vào Đại học Y TPHCM, dù nhiều người cản ngăn. Trong trí nhớ của Phương, bàn tay mềm mại và mát lạnh của bà bác sĩ Lợi (vợ BS Lương Phán) khi lau những giọt mồ hôi trên trán nóng ran cùng với giọng nói dịu dàng của bà khi dỗ cô uống thuốc thuở nhỏ, lúc vắng mẹ, sao êm ái và ngọt ngào thế. Và, bà cùng với chiếc áo blouse trắng trở thành thần tượng của lòng Phương, từ thời thơ dại.

Tốt nghiệp, BS Phan Kim Phương được giữ lại làm giảng viên song song với công việc của một phẫu thuật viên tại Bệnh viện Từ Dũ. BS Phan Kim Phương sớm bộc lộ tài năng trong những ca mổ phức tạp và rất nhiều lần chị đã mang cả mẹ lẫn con về đời sống này an toàn, từ bờ thế giới bên kia.

Năm 1989, Viện Tim được thành lập từ một dự án hợp tác y tế bậc cao giữa Việt Nam và Pháp, BS Phan Kim Phương và êkíp mổ tim hở Việt Nam được cử đi học tại BV Brousair (Pháp), thời gian học là 3 năm, sau một đợt thi tuyển gắt gao.

Chuyến du học dài ngày của chị được quyết định với bao day dứt, lưỡng lự giữa chuyện chung, chuyện riêng. Hình ảnh của đứa trẻ 6 tuổi ngơ ngác, sợ hãi khi sáng mở mắt ra đã không thấy cha, mẹ mình gần 30 năm trước trở về với Phương, thật nguyên vẹn khi chị buông tay con trai, cắn răng nuốt nước mắt bước lên xe ra phi trường.

Paris, trời mùa đông xám buồn và lạnh buốt. Mùa đông trên đất khách năm ấy có một Phan Kim Phương bé nhỏ chạy lúp xúp giữa tuyết rơi trắng trời để tìm lại bến xe bus về nhà, khi bụng đói cồn cào và tay chân tê cóng. Phương cùng các đồng nghiệp đã học ngày, học đêm, cả thứ bảy lẫn chủ nhật, ròng rã suốt hai năm liền.

Với sự tận tình giúp đỡ của hai người thầy tận tụy là GS Alain Carpentier và GS Alain Deloche, chị cùng các bạn đã kết thúc khóa học trước hạn định một năm, trong sự ngạc nhiên và quý nể của đồng nghiệp nước ngoài.

3. Tháng 1-1992, BS Phan Kim Phương đứng mổ chính của kíp mổ tim hở đầu tiên tại Viện Tim cho bệnh nhân tên Duy, thằng bé bằng tuổi con trai Phương, 8 tuổi. Áp lực ca mổ này đối với Phương rất lớn bởi cả nước đang theo dõi tiến trình ca mổ và BS Phương “tự buộc” mình phải thành công để chứng minh rằng – các phẫu thuật viên tim Việt Nam đủ sức phụ trách các phòng mổ này. Đôi mắt tin cậy và nụ cười rất tươi của cu Duy đã giúp “bác Phương” vững vàng bước vào phòng mổ, với tâm thế của người mẹ đi cứu con mình.

4 giờ sau. Lồng ngực thằng cu con khép lại. Máy tim phổi nhân tạo đã tắt và trái tim nhỏ bé của Duy bắt đầu đập nhịp nhẹ nhàng. Cả kíp mổ bắt tay chúc mừng và qua ô cửa kính, nhìn thấy cha mẹ bé Duy cúi rạp người nói lời cám ơn trong nước mắt thì Phan Kim Phương cũng trào nước mắt. Từ đó, BS Phan Kim Phương chính thức trở thành phẫu thuật viên chính của Viện Tim.

Tháng 8-2000, bác sĩ Phan Kim Phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động về những thành tích đã có.

23 giờ, đêm trước ngày nhận danh hiệu Anh hùng lao động, vừa ủi xong chiếc áo dài cho ngày vui lớn đời mình thì chị nhận điện thoại từ cơ quan báo có một bệnh nhân cấp cứu vừa chuyển đến từ Bệnh viện Từ Dũ, sau sinh. Trên xe taxi, chị yêu cầu bác sĩ trực đọc bệnh án và chị đưa ra các yêu cầu cấp bách cho một ca phẫu thuật khẩn cấp. Ở sân bệnh viện chị gặp người chồng vừa chở ba đứa con nhỏ nheo nhóc trên chiếc xe xích lô đến nhìn mặt mẹ lần cuối.

0 giờ, phòng mổ đã sáng đèn.

BS Phan Kim Phương và kíp mổ bước vào ca mổ sinh tử với ánh mắt ngơ ngác, sợ hãi của lũ trẻ và những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt người chồng khốn khổ. Từng là phẫu thuật viên của BV Từ Dũ nên chị hiểu cần làm thêm những việc khác với cơ thể người mẹ đang như cái xác ve yếu ớt kia, ngoài việc cứu chữa trái tim đang đập loạn nhịp.

4 giờ sáng, người phụ nữ trở về từ cõi chết.

7 giờ sáng. Người đàn ông đen đúa, hốc hác dẫn 3 con nhỏ cũng ốm và đen như cha, đứng chờ bên hành lang viện và họ xá dài trong nước mắt, khi BS Phương đi qua…

Đó là ca mổ thứ 3.987 (trong 10.000 ca của Viện Tim) do phẫu thuật viên Phan Kim Phương thực hiện. Theo chị, đó là món quà hạnh phúc mà chị tặng cho đời, nhân ngày chị nhận hạnh phúc của đời tặng chị.

Khi tôi hỏi, “Điều gì buồn nhất và vui nhất của Phương, sau gần 8.000 ca mổ?”.

Phương ậm ừ, và kể – năm 1997, bé Lan, hơn một tháng tuổi được chuyển từ Hà Nội vào viện trong tình trạng nguy cấp - không bú được mà phải bơm sữa mẹ qua thực quản. Đứa bé nặng chưa đầy 4,2kg, toàn thân tím tái, lồng ngực bé như bất động. Chị ghé tai vào sát lồng ngực bé xíu để tìm nhịp thở của nó bằng chính đôi tai người mẹ. Hội chẩn gấp và chị quyết định mổ khẩn cấp. Đứa bé nằm lọt thỏm bất động giữa mớ vải vóc che đậy lùm xùm, chỉ có trái tim bé nhỏ như trái dâu tây thoi thóp đập.

“Khi ấy Phương cũng sợ lắm. Tim trẻ nhạy cảm rất dễ rung thất. Nếu rung thất, mọi việc sẽ… hết “, chị nói thế với gương mặt vẫn còn xúc động. Chị nhớ lại – khi đặt trái tim bé xíu trên tay, tim chị đập nhanh vài nhịp, chị cảm thấy như đang cầm trên tay số phận con mình và chị đã làm hết sức.

Nhìn đứa bé nằm trong cái lồng hấp với những bóng đèn nhỏ xíu, hắt sáng lung linh, BS Phương và BS Thanh cùng cười. Ca mổ này đã khiến các phẫu thuật viên tim mạch khu vực kinh ngạc, bởi đứa trẻ quá nhẹ cân và Viện Tim không có phòng mổ dành riêng cho trẻ sơ sinh. Mới đây, “bé Lan vào tái khám và báo đã vào lớp 1, Phương vui lắm”, chị nói.

Còn chuyện buồn?

Bác sĩ Phan Kim Phương: Mổ với tâm thế người mẹ cứu con ảnh 2

Bác sĩ Phan Kim Phương (đứng giữa) trong một ca phẫu thuật tại Viện Tim. Ảnh: T.L.

“Chị phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi, mang thai con thứ tư ở tháng thứ 5 đã chuyển đến viện trong tình trạng suy tim cấp…” giọng BS Phương nhẹ và buồn khi kể lại chuyện cũ. Sau hơn 4 giờ đồng hồ vắt cạn sức lực cho ca mổ, chị và ê kíp mổ đành chịu thua trước lưỡi hái tử thần. Chị phụ nữ suy tim và chết cùng bào thai 5 tháng tuổi trên bàn mổ.

Vẫn biết, những cuộc chạy đua sinh - tử để giành lại mạng sống của bệnh nhân từ tay tử thần, không phải lúc nào cũng thành công. Vẫn biết đó là việc đau xót ngoài ý muốn. Nhưng sao chị vẫn cảm thấy lòng mình tê dại khi phải kéo miếng vải trắng che qua mặt chị phụ nữ với cái bụng cao vượt mặt.

Là người nghiêm túc với công việc và say mê nghiên cứu, nhiều tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới đã đăng nhiều báo cáo khoa học của chị và tạp chí “Khoa học phẫu thuật tim - lồng ngực châu Á” đã mời chị làm nhà tư vấn chuyên môn cho họ.

Năm 2000, với đề tài “Kỹ thuật sửa van hai lá, ba lá, van động mạch chủ”, bác sĩ Phan Kim Phương đã khiến các đại biểu dự hội nghị quốc tế do Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch nói tiếng Pháp tổ chức tại Paris ngẩn ngơ khi họ biết chị đang nói về kinh nghiệm của 4.000 ca mổ do chị trực tiếp thực hiện.

Tại Hội nghị về “Phẫu thuật tim thế giới” tổ chức ở Leipzig, nước Đức năm 2005, nhiều bác sĩ phẫu thuật trên thế giới đã không giấu vẻ cảm phục khi nghe con số 6.000 ca mà chị đã trực tiếp phẫu thuật trong suốt hơn chục năm liền. Và, ở hội nghị ấy, Phan Kim Phương là bác sĩ phẫu thuật tim nữ duy nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được mời.

4. Trở thành phẫu thuật viên hàng đầu của Viện Tim với những ca mổ tưởng chừng như không thể, bác sĩ Phan Kim Phương vẫn sống rất giản dị. Giữa muôn ngàn người qua lại trên phố đông, vài năm trước không ai nhận ra “phẫu thuật viên vàng” đi bên cạnh mình, bởi chị vẫn đi làm bằng xe gắn máy, vẫn thỉnh thoảng chở Trung, cậu con trai đi bơi, hoặc cùng chồng đi chơi bằng xe gắn máy.

Bây giờ, người ta sẽ thấy ngược lại, một mẹ Phương nhỏ bé ngồi sau xe của cậu con trai vững chãi 24 tuổi đi loanh quanh đâu đó trên phố đông. Thời gian trong ngày của chị phần lớn đều ở viện, thỉnh thoảng chị cũng nấu cơm cho chồng, con.

BS Phương có bề ngoài nghiêm nghị và hơi lạnh, thật ra chị là người rất tình cảm và lãng mạn. Sau một ngày vất vả cưu mang trên đôi tay nhỏ bé mình hàng chục sinh mạng, chị trở về nhà với thú vui nhẹ nhàng – nghe nhạc, xem phim, đọc sách và trò chuyện cùng gia đình.

Trên vách tường phòng làm việc của chị rất nhiều bức tranh vẽ chị của các bệnh nhân nhỏ tuổi tặng, trước khi xuất viện. Chị bảo, đó là hạnh phúc mỗi ngày mà chị muốn thấy.

Tôi hỏi trước lúc chia tay: “Nếu được ước một điều thôi, Phương ước gì?”, Phương nói ngay: “Tôi ước tất cả bệnh viện các khu vực đều có khả năng nhận bệnh và có điều kiện để chữa trị, phẫu thuật tim tốt để không còn cảnh người bệnh phải chết, trong khi chờ được cứu sống”. 

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục