Kịch bản “Tây Sơn hào kiệt” của Phạm Thùy Nhân?

Mấy ngày nay, Hội Điện ảnh TPHCM và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tổ chức hai cuộc họp để giải quyết những khúc mắc giữa hai tác giả Cao Đức Trường và Phạm Thùy Nhân về kịch bản Tây Sơn hào kiệt. Đây là một vấn đề khá tế nhị làm các cơ quan chức năng đau đầu bởi cả hai đều là những tác giả có tên tuổi trong làng nghệ thuật…

Để hiểu rõ tường tận vấn đề, chúng ta phải đi lại từ cái hợp đồng đầu tiên ký kết giữa Hãng phim Bến Nghé của Hội Điện ảnh TPHCM và ba tác giả: Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân và Huy Thành ngày 2-1-2002. Điều 1 trong hợp đồng ghi rõ Hãng phim Bến Nghé đặt hàng ba tác giả trên với tên gọi ban đầu là Sắc đào giữa rừng mai để đưa vào sản xuất nhằm hưởng ứng cuộc phát động chương trình kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long.

Điều 2 quy định tác giả Cao Đức Trường là người viết tổng thể đầu tiên và từ kịch bản này ba tác giả sẽ viết tiếp để hoàn chỉnh kịch bản. Hãng phim Bến Nghé ứng trước cho ông Cao Đức Trường số tiền 2 triệu đồng (hai tác giả Phạm Thùy Nhân và Huy Thành có tên trong hợp đồng, nhưng chưa nhận tiền vì chưa chấp bút). Ông Cao Đức Trường đã hoàn thành kịch bản vào ngày 1-3-2002 theo đúng quy định của hợp đồng, với bản viết tay dài 126 trang.

Sau đó, kịch bản được chuyển qua hai tác giả Phạm Thùy Nhân và Huy Thành để tiếp tục hoàn chỉnh với cái tên mới là Ngàn năm thương nhớ dài 180 trang. Kịch bản này được gửi ra Hà Nội hưởng ứng chương trình phát động “Ngàn năm Thăng Long” do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức với tên các tác giả Phạm Thùy Nhân, Cao Đức Trường, Huy Thành. Tháng 10-2003, sau khi kịch bản đã gửi dự thi, ông Cao Đức Trường mới được đọc kịch bản Ngàn năm thương nhớ, ông đã viết thư gửi ông Huy Thành góp ý hơn 60 điều không phù hợp với lịch sử cần phải chỉnh lại từ văn phong, chi tiết lịch sử đến lời thoại.

Ví như Nguyễn Huệ phải đeo kiếm lệnh chứ không thể mang thanh long đao như Quan Vân Trường; chúa Trịnh vẫn mang danh nghĩa triều đình nên không thể có cờ thêu chữ Trịnh; dân Bắc Hà không thể gọi Nguyễn Huệ là vua Tây Sơn, vì Nguyễn Huệ khi ra Bắc diệt Trịnh chưa lên ngôi; vua Lê phong tước cho Nguyễn Huệ không thể ngồi trong phòng riêng trên tràng kỷ mà phải ở điện ngự, nơi thiết triều; cờ quân Thanh phải thêu chữ Đại Thanh chứ không thể có cờ thêu chữ Tôn, Ô, Sầm; câu nói “Thế thời phải thế” là của Ngô Thời Nhậm với Đặng Trần Thường không phải của Nguyễn Hữu Chỉnh… Nhưng bản góp ý gửi đi không hề có sự phản hồi…?! Sau đó khi tác phẩm được chấm giải khuyến khích, ông Cao Đức Trường có nhận được 3 triệu đồng từ ông Huy Thành.

Bẵng đi 6 năm, khi bộ phim Tây Sơn hào kiệt ra mắt báo chí với kịch bản tên Phạm Thùy Nhân, ông Cao Đức Trường đã cảm thấy có điều bất ổn. Ông đã tìm đọc kịch bản và cảm thấy hụt hẫng. Bởi thực sự Tây Sơn hào kiệt quá giống kịch bản gốc viết tay ban đầu Sắc đào giữa rừng mai của ông. Về sự kiện lịch sử đã đành, bằng cái mốc khởi đầu từ năm 1786 là việc Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh, được vua Lê Hiển Tông gả Ngọc Hân Công chúa và phong tước Nguyên Soái Phù Chính Dực Vận Uy Quốc Công, đến lúc Nguyễn Huệ lên ngôi Quang Trung hoàng đế và đại phá quân Thanh năm 1789.

Trong cái mốc lịch sử ấy nếu chỉ ghi bằng sự kiện lịch sử thì mọi diễn biến chép trong sử sách chỉ như cái khung xương bên ngoài. Việc của người viết kịch bản là phải hư cấu để có thêm nhiều tình tiết sinh động làm nên máu thịt cho bộ phim. Kịch bản ban đầu Sắc đào giữa rừng mai của tác giả Cao Đức Trường đã đảm nhận cái mốc lịch sử ấy với khá nhiều chất hư cấu trữ tình. Vì thế, nếu như Tây Sơn hào kiệt cũng chọn đúng cái mốc lịch sử từ năm 1786 đến 1789 với bao nhiêu sự kiện chép trong sử sách thì có thể coi là sự trùng hợp ngẫu nhiên của hai tác giả, nhưng nếu như những hư cấu và cả lời thoại nhân vật trong Sắc đào giữa rừng mai của tác giả Cao Đức Trường cũng được bê vào Tây Sơn hào kiệt thì quả là chuyện bất thường.

Và thực sự chuyện bất thường ấy đã xảy ra!! Bởi khi đọc hai kịch bản này, ai cũng có thể nhận ra những điểm giống nhau đến kỳ lạ của nó. Ví như chuyện Công chúa Ngọc Hân gọi Nguyễn Huệ là “Tướng mọi”, muốn thử thách Nguyễn Huệ tài văn thơ và sau khi hai người cùng gặp nhau ở những áng thơ Nôm thì nàng mới thực sự tâm phục và yêu kính người anh hùng áo vải mà nàng đã từng gọi là “mọi” này.

Ví như chuyện Ngọc Hân cải trang thành thường dân cùng hai cung nữ đi lễ hội ở Thăng Long, cũng nhảy sạp với người dân tộc Thái, cũng bị các công tử trêu chọc, sàm sỡ và cuối cùng có sự can thiệp của Nguyễn Huệ. Hay chuyện Nguyễn Hữu Chỉnh vơ vét vàng bạc và phải đối diện với cơn thịnh nộ của Nguyễn Huệ, chuyện các bô lão bẩm báo bọn giặc Thanh đặt nhiều địa lôi xung quanh đồn Ngọc Hồi và đem trâu tới xin giúp Nguyễn Huệ mở đường…

Đó chính là những hư cấu của ông Cao Đức Trường, nhưng Tây Sơn hào kiệt đều có đủ. Tất nhiên là Tây Sơn hào kiệt cũng có những hư cấu khác, đó là sự có mặt của đôi dũng tướng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân. Tuy nhiên, xét về mặt lịch sử thì sự có mặt của hai vị đô đốc này trong thời điểm Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh và đại phá quân Thanh là không đúng với chính sử, vì lúc ấy cả hai đang có trọng trách giữ thành Phú Xuân.

Và việc mang cành đào phi ngựa ngày đêm không nghỉ về cho Ngọc Hân chỉ là nhiệm vụ của các trạm binh chứ vua Quang Trung không bao giờ lại giao cho vị nữ tướng lừng danh như Bùi Thị Xuân, bởi hành xử như thế là cực kỳ khinh suất đối với các tướng lĩnh của mình. Hư cấu này là hoàn toàn phản tác dụng.

Đây là tất cả sự thật có liên quan đến kịch bản Tây Sơn hào kiệt mà hiện nay các cơ quan chức năng đang cố gắng hòa giải. Vì thế, chúng tôi chưa có nhận định gì cụ thể, chỉ xin nhường lại quyền phán xét cho độc giả và những người có trách nhiệm. 

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục