Google thương lượng mua bản quyền sách của Việt Nam: Trách nhiệm của Hiệp hội bản quyền

Đã vi phạm còn lên giọng...
Google thương lượng mua bản quyền sách của Việt Nam: Trách nhiệm của Hiệp hội bản quyền

Những ngày vừa qua, làng sách Việt Nam xôn xao trước thông tin tập đoàn công nghệ thông tin khổng lồ của thế giới Google đang thương lượng với Việt Nam nhằm tránh việc bị kiện vì vi phạm bản quyền. Những thông tin mới nhất đã gây chấn động vì số tiền mà Google trả cho Việt Nam có thể lên đến hàng triệu USD/năm, số tiền trong mơ với cả thị trường sách trong nước.

Đã vi phạm còn lên giọng...

Mọi chuyện bắt đầu khi Google, một trong những trang Web công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất thế giới, quyết định mở rộng mặt hàng kinh doanh. Thay vì chỉ cung cấp thông tin thuần túy, Google còn dự tính đáp ứng cho khách hàng những tiện ích khác, mà thư viện sách trực tuyến khổng lồ Google Books là một trong những dự án tham vọng nhất.

Google muốn người dùng khi tìm một cuốn sách không chỉ tìm thấy những thông tin cơ bản như mức giá, lời nhận xét, phê bình, nơi có thể tìm mua… mà còn cung cấp luôn cả bản thân cuốn sách dưới dạng sách điện tử (ebook). Dĩ nhiên, người sử dụng phải trả phí bằng nhiều hình thức.

Thực tế, Google đã được triển khai mạnh mẽ dự án này bằng cách số hóa hàng triệu cuốn sách, nhưng lại “quên” thực hiện mua bản quyền. Kết quả là Google phải đứng trước hàng loạt vấn đề kiện tụng.

Một số đầu sách của Việt Nam đang được lưu trên Google Book mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả. Ảnh: T.V.

Một số đầu sách của Việt Nam đang được lưu trên Google Book mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả. Ảnh: T.V.

Có điều, khi Google gửi thư đến Việt Nam, các đơn vị bản quyền trong nước mới giật mình khi phát hiện Google Books đã tự ý số hóa không xin phép hơn 4.000 tác phẩm của Việt Nam. Để bù đắp, Google đề nghị thanh toán ngay lập tức cho mỗi tác phẩm số tiền 60USD và 63% doanh thu họ có được từ tác phẩm đó sau này. Như vậy với khoảng 4.000 tác phẩm, các tác giả Việt Nam thu được hơn 4 tỷ đồng, cùng một cơ hội thu lợi trong tương lai.

Chỉ có một vấn đề trục trặc trong lời đề nghị này, đó là Google đòi hỏi phía Việt Nam phải có sự trả lời trước ngày 30-9-2009, tức là chỉ còn hơn 2 tháng nữa. Có người ví von việc Google đặt thời hạn cuối cho phía Việt Nam cũng như một kẻ lạ vào nhà người khác lấy đồ, đến khi bị phát hiện, kẻ đó bèn tự ý đề ra mức bồi thường và thời hạn để chủ nhà chấp nhận mức bồi thường đó.

Khi “nạn nhân” nhún nhường

Thư yêu cầu của Google được gửi đến các nhà văn và đơn vị bảo vệ quyền tác giả lớn nhất Việt Nam hiện nay là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC).

Ngay sau khi nhận được yêu cầu, VLCC đã cuống cuồng tìm cách giải quyết vấn đề. Không thể phủ nhận thành ý của VLCC khi muốn mau chóng thu lại lợi ích cho các nhà văn, nhưng VLCC không phải là người đại diện cho tất cả các tác giả trong nước, kể cả tác giả của 4.000 tác phẩm bị Google xâm hại bản quyền.

Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc VLCC, cho biết hiện nay trung tâm mới chỉ được ủy quyền của khoảng hơn 1.000 nhà văn. Đó là chưa kể VLCC không hề đại diện cho các tác giả sáng tác phi hư cấu (sách nghiên cứu, giáo trình…), mà đây mới là các tác phẩm chính bị Google Books sử dụng. Và chính bà Luyến cũng thừa nhận, khoảng thời gian từ nay đến 30-9 không thể đủ để VLCC liên hệ, thương thảo với các tác giả còn lại.

Trước tình hình đó, VLCC đã có một biện pháp, mà theo các luật sư chuyên về quyền sở hữu trí tuệ quốc tế là “vô tiền khoáng hậu”, chưa có tiền lệ trong lịch sử: đề nghị Bộ Nội vụ mở rộng phạm vi quyền quản lý, không chỉ với các tác giả là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam, mà là tất cả chủ sở hữu của các tác phẩm viết được thể hiện dưới dạng chữ in.

Trước sức ép của Google, những người bảo vệ quyền tác giả trong nước đang lúng túng, nhượng bộ và tìm cách đáp ứng đòi hỏi phi lý của Google bằng những biện pháp cũng không kém phần phi lý. Từ thế thượng phong của người bị hại có quyền đòi bồi thường, chúng ta đã rơi vào thế phải tìm cách đáp ứng yêu cầu của Google.

Theo GS-TS Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng, một chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ quốc tế, về cơ bản hoạt động của các trung tâm hay Hiệp hội bản quyền đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Theo đó, các tác giả nếu tin tưởng sẽ ủy quyền cho trung tâm hay hiệp hội đại diện mình thương lượng bản quyền; nếu không được tác giả ủy quyền, trung tâm hay hiệp hội sẽ không thể đại diện để thương thảo bản quyền.

Không một cơ quan nhà nước nào có quyền thay thế người sáng tác ra tác phẩm để sở hữu quyền tác giả và vì thế cũng không thể trao cái quyền mình không có đó cho một tổ chức khác. Vì thế, nếu sau khi VLCC ký với Google, các tác giả có tác phẩm bị vi phạm nhưng chưa ủy quyền cho VLCC hoàn toàn có thể tiếp tục khởi kiện Google tại Mỹ theo luật Mỹ (Google có trụ sở chính tại Mỹ), vì VLCC không thể chứng minh mình là đại diện hợp pháp cho tác giả. Giấy cho phép của cơ quan nhà nước hoàn toàn không có giá trị gì trong trường hợp này.

Trách nhiệm của các hiệp hội bản quyền

Có điều, Google từ chối không trao cho phía Việt Nam các tài liệu về số sách đã được số hóa, càng gây khó khăn cho các trung tâm bản quyền Việt Nam trong việc đi thương lượng với các tác giả.

Sự kiện Google lần này là tiếng chuông cảnh tỉnh. Không phải ngẫu nhiên mà Google liên hệ với VLCC, vì cách làm của Google là một thông lệ đã từng xảy ra trước đây. Tại các nước khác, các tác giả, theo nhu cầu quyền lợi thường tự nguyện tập hợp lại trong các tổ chức phi chính phủ như trung tâm hay hiệp hội. Các trung tâm hay hiệp hội này sẽ đứng ra hỗ trợ các tác giả theo các tiêu chí như là tìm mọi cách để phổ biến tác phẩm của thành viên, khai thác hiệu quả nhất (về kinh tế) của tác phẩm và cuối cùng là bảo vệ bản quyền. Để làm được như vậy, các hiệp hội này ngoài am hiểu kinh tế, quảng cáo tiếp thị, còn đòi hỏi rất am tường về luật pháp. Hiệp hội càng mạnh sẽ càng thu hút nhiều thành viên, càng nhiều thành viên thì tiếng nói của hiệp hội càng có trọng lượng, dần dần ảnh hưởng đến cả việc sửa đổi luật của chính phủ. Chính Hiệp hội Xuất bản Mỹ (APP) đã thành công trong việc đòi Google phải bồi thường theo yêu cầu của họ với mức tiền lên đến gần 200 triệu USD.

Vì thế, khi liên hệ với Việt Nam, Google cũng theo đúng bài bản tìm một đại diện chung kiểu đó. Tuy nhiên, đặc thù của VN như đã nói ở trên là chưa có đơn vị nào đủ uy tín cũng như khả năng luật để cùng Google thương lượng, vừa không đánh mất cơ hội quảng bá trí tuệ Việt vừa không gây thiệt thòi cho các tác giả.

Theo ý kiến của GS-TS Nguyễn Vân Nam, chúng ta hiện nay hoàn toàn có quyền buộc Google chấp nhận kéo dài thời gian chuẩn bị, quy tụ các tác giả, sau đó sẽ tiến hành thương lượng dựa trên luật pháp quốc tế nhằm tìm kiếm những lựa chọn tốt nhất cho các tác giả trong nước, thay vì cứ phải theo yêu cầu hiện nay của Google.

TƯỜNG VY 

Tin cùng chuyên mục