Thực trạng các di tích ở TPHCM - Vui một, buồn mười!

Thực trạng các di tích ở TPHCM - Vui một, buồn mười!

Hiện nay, cả TPHCM có 124 di tích đã được xếp hạng và được công nhận là di tích cấp quốc gia và cấp thành phố. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế của việc phát huy những giá trị thực của các di tích hiện nay thì dường như niềm vui chỉ một mà nỗi buồn đến mười. Tại sao?

        Di tích - còn ít người biết đến

Trong số 124 di tích được xếp hạng, có 51 di tích lịch sử nằm rải rác ở khắp các quận, huyện. Thế nhưng, không phải di tích nào cũng được nhiều người biết đến. Ngoại trừ những di tích lịch sử: địa đạo Củ Chi, Rừng Sác, Dinh Thống Nhất, Ngã ba Giồng… thì hầu như không mấy ai nhớ đến những di tích lịch sử khác như địa đạo Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú; Bàu Cò – Láng Le, Khu dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc – Bình Chánh… Mặc dù những nơi này đã được thế hệ cha anh ghi dấu bằng máu và nước mắt.

Với địa đạo Phú Thọ Hòa là một công trình đầy sáng tạo trong cuộc chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp (1947 – 1954) và chống đế quốc Mỹ (1954 – 1975) với nhiều đường ngầm, lúc ẩn lúc hiện để đánh địch.

Năm 1950, từ địa đạo Phú Thọ Hòa, một đơn vị đặc công đã ém quân và xuất kích đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong hai lần tiến công vào kho bom Phú Thọ Hòa (tháng 8-1952 và tháng 6-1954) gây kinh hoàng cho địch đều xuất phát từ địa đạo Phú Thọ Hòa…

Còn Khu di tích Láng Le – Bàu Cò, nơi từng ghi dấu những trận chống càn ác liệt của quân và dân ta vào những năm 1946 – 1948, là hậu phương lớn của mặt trận Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Riêng với Khu dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Lộc là nơi in đậm dấu ấn lịch sử của những dân công hỏa tuyến. Nơi đây, chỉ trong một đêm kinh hoàng, giặc Mỹ đã oanh tạc, rải bom, cướp đi sinh mạng của 32 dân công tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi và gây thương tích vĩnh viễn cho hàng chục dân công khác.

Đáng tiếc những nơi này chưa được nhiều người biết đến?

        Vừa xuống cấp vừa bị xâm hại!

Mỗi khi đến thăm những di tích kiến trúc nghệ thuật, ai nấy cũng đều trầm trồ ngợi khen nét cổ kính, họa tiết nghệ thuật độc đáo của các di tích. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, lòng tự hào ấy là nỗi buồn và cả sự xót xa.

Nếu những ngày này, ai có dịp ghé thăm nhà cụ Vương Hồng Sển số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh đều không khỏi sững sờ trước thực trạng hoang tàn, bị xâm hại và xuống cấp trầm trọng của di tích. Trong những ngày mưa gió, di tích này còn thê thảm hơn bởi mái ngói hư hỏng nặng, nước mưa dột tứ tung.

Di tích đình Thông Tây Hội (Gò Vấp) xuống cấp trầm trọng. Ảnh: ĐỖ HẠNH

Di tích đình Thông Tây Hội (Gò Vấp) xuống cấp trầm trọng. Ảnh: ĐỖ HẠNH

Với đình Thông Tây Hội ở 107/1 đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp được xây dựng cách đây gần trăm năm, mặc dù đã được Ban trị sự của đình vận động bà con đóng góp kinh phí để sửa chữa, nâng cấp sân đình, nhưng di tích này cũng đang xuống cấp và biến dạng trầm trọng. Ngôi đình này từng được xây dựng trên diện tích rộng hơn 5.000m², nhưng nay đã bị thu hẹp.

Sau khi được công nhận là di tích, đình đã được sửa chữa nhưng do thiếu kinh phí nên đã vô tình thay đổi hình hài của đình. Chẳng hạn như năm 2000, khu chánh điện của ngôi đình này được thay cửa cây cũ bị hư hỏng bằng một lớp sắt… Ngoài ra, nhà hội sở – nơi tiếp khách, văn phòng Ban trị sự của đình có kích thước ngang 12m, dài 19m, cao 4,2m với 56 cột gỗ cũng đang bị xuống cấp trầm trọng.

Hiện nay mặt nền của khu nhà này trũng xuống, cách mặt đất sân đình hơn 0,5m trông mất thẩm mỹ. Bác Nguyễn Văn Tý, Trưởng ban trị sự đình, cho biết: “Mỗi lần mưa gió, nước chảy khắp nơi…”.

        Lãng phí các giá trị di tích

Ở di tích đình Chí Hòa, Q10, nơi mà Báo SGGP từng phản ánh về việc cho thuê diện tích trong đình để làm quai thùng và chính quyền địa phương cũng đã từng hứa chấm dứt hoạt động này. Thế nhưng, giờ đây, vẫn như ngày nào, tiếng ồn của đe búa vẫn đinh tai nhức óc. Theo ông Lai, Phó ban trị sự của đình, lý giải: “Cho thuê như thế để mỗi tháng có hơn 1 triệu đồng đóng tiền điện!”.

Với di tích chùa Giác Viên, đường Lạc Long Quân, Q11, ngôi chùa cổ nhất nhì thành phố, nơi đang lưu giữ, thờ cúng153 bức tượng gỗ uy nghi thì chẳng những xuống cấp trầm trọng từ vách tường, mái ngói, cột, kèo và bị chiếm dụng mà ngay cả lối vào của chùa cũng bị ô nhiễm nặng.

Di tích chùa Gò (Quận 11) bị quán xá lấn chiếm, gây nên cảnh nhếch nhác. Ảnh: An Dung

Di tích chùa Gò (Quận 11) bị quán xá lấn chiếm, gây nên cảnh nhếch nhác. Ảnh: An Dung

Ở di tích chùa Gò ở đường 3-2, Q11 mặc dù tệ nạn xã hội quanh chùa đã được cải thiện nhiều nhưng tình trạng chiếm dụng đất chùa của hơn 120 hộ dân đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Chưa kể, hiện nay, trước di tích này, hai bên cổng vào còn xuất hiện những quán cà phê nhếch nhác làm ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích.

Với số lượng các di tích ở TPHCM hiện nay, nếu chúng ta biết phát huy đầy đủ giá trị các di tích thì chẳng những giúp cho thế hệ trẻ hôm nay biết về lịch sử Việt, văn hóa Việt mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu của du khách nước ngoài. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, ngoài một số di tích phát huy được hiệu quả thì chúng ta đang lãng phí, chưa khai thác, phát huy hết giá trị của khá nhiều di tích. 

NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục