Rực rỡ “Đêm huyền thoại”

AN DUNG
Rực rỡ “Đêm huyền thoại”

Tối 1-5, tại Nhà hát Hòa Bình đã khai mạc đêm diễn đầu tiên của chương trình Gala Đêm huyền thoại do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày ra số báo đầu tiên (5-5-1975) và chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Chương trình được xem là cuộc tập hợp lớn của các nghệ sĩ trong và ngoài nước với hơn 300 nghệ sĩ tham gia.

Khác hẳn với các chương trình nghệ thuật khác do Báo SGGP tổ chức từ trước đến nay, Đêm huyền thoại đã thực sự đem đến cho khán giả những cung bậc trầm bổng của quá khứ dân tộc. Chương trình được mở màn bằng ca khúc “Tôi yêu” được thể hiện bởi các ca sĩ trẻ trên nền hình ảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ với những tòa cao ốc, những công trình hiện đại, những con người nô nức với công việc. Tất cả như thể hiện một cuộc sống hòa bình đầy sức sống.

Ngay sau bài hát “Tôi yêu”, sân khấu thoáng chốc quay trở về với hình ảnh trống đồng cùng ca khúc “Lời ru Âu Lạc” như nhắc nhở về một thời mở nước với câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trong bối cảnh đó, như để tô điểm thêm cho không gian cổ xưa thuở tiên rồng là các người mẫu trong bộ sưu tập “Truyền thuyết Chim Lạc”.

Ảnh: VIỆT DŨNG

Ảnh: VIỆT DŨNG

  • Ấn tượng mạnh với cảnh chiến chinh

Nhưng lịch sử Việt Nam sau thời mở nước lại dày đặc những cuộc chiến giữ nước. Thể hiện hình ảnh  một thời chiến chinh có lẽ là điểm nhấn độc đáo nhất của Đêm huyền thoại. Ở phần đầu của chương trình, để thể hiện khí thế của những ngày tháng chống ngoại xâm xa xưa, những người dàn dựng đã rất khéo léo khi sử dụng sự mạnh mẽ, dữ dội của rock để tái hiện cảnh chiến trường quyết liệt.

Nhóm nhạc rock Unlimited đã rất thành công khi thể hiện bài hát “Hòn vọng phu 1” hừng hực lửa cộng với hình ảnh 3D đầy ấn tượng trên màn hình chính. Không những thế, cảnh chiến trường còn được cụ thể hóa bằng biểu diễn giao đấu của các cascadeur ngay trên sân khấu.

Nhóm Mặt trời mới với tiết mục “Hội nghị Diên Hồng”. Ảnh: AN DUNG

Nhóm Mặt trời mới với tiết mục “Hội nghị Diên Hồng”. Ảnh: AN DUNG

Chuyển sang thời chiến tranh chống Pháp và Mỹ, chương trình đã tái hiện hình ảnh cả một chiếc xe tăng xông lên phía trước với những người chiến sĩ giải phóng vượt qua bom đạn kẻ thù đi đến ngày toàn thắng, cùng sự diễn xuất nhiệt tình của các người mẫu Đức Tiến, Thanh Thức, Lê Trung Cương, Quang Hòa, Quang Thịnh cùng mặc áo lính, ngồi trên chiếc xe tăng hát vang bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” đầy xúc cảm. Lúc này, màn hình chính đóng vai trò hỗ trợ rất quan trọng với những hình ảnh đầy ấn tượng như cảnh xe tăng qua cầu Sài Gòn sáng 30-4-1975 bên họng súng đại liên của địch bị bỏ lại, cảnh xe tăng húc sập cổng Dinh Độc Lập, cảnh lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh…

Có thể nói, tái hiện hình ảnh các cuộc chiến tranh huyền thoại nhằm giữ nước từ ngàn năm đến hôm nay trên sân khấu là điểm nhấn thành công nhất của chương trình Đêm huyền thoại.

  • Sự trầm lắng sau phút bi hùng

Nhưng chiến tranh đâu phải chỉ có hào hùng và vinh quang, chiến tranh còn có cả đau thương và mất mát. Đêm huyền thoại không chỉ tái hiện thành công dũng khí cùng vinh quang của chiến tranh và chiến thắng. Đêm huyền thoại còn chuyển tải đến người xem cả chất bi tráng của chiến tranh, cả tính huyền thoại của những gì đã làm nên chiến thắng. Đó có thể là phút lặng của người vợ chờ chồng đi chinh chiến qua ca khúc “Dạ cổ hoài lang” do ca sĩ Hương Lan thể hiện ngay sau sự dữ dội của chiến tranh do nhóm rock Unlimited tạo nên. Đó cũng có thể là sự lãng mạn của người lính sau những giờ phút chiến đấu qua bài hát “Đôi mắt người Sơn Tây” với tiếng hát của ca sĩ Duy Quang. Phút bi hùng cũng được thể hiện qua bài hát “Lá đỏ” do ca sĩ Đức Tuấn thể hiện hay “Bài ca không quên” do Cẩm Vân biểu diễn.

Ca sĩ Hương Lan trong "Đêm huyền thoại". Ảnh: VIỆT DŨNG

Ca sĩ Hương Lan trong "Đêm huyền thoại". Ảnh: VIỆT DŨNG

Rồi chiến tranh cũng qua đi, cả dân tộc bắt đầu bước vào hòa bình và Đêm huyền thoại khép lại với không khí tràn đầy hy vọng vào những huyền thoại mới đang được dựng nên bằng tình yêu, bằng sức lao động. Các bài hát được các ca sĩ thể hiện lúc này tràn ngập tình yêu nồng cháy của tuổi trẻ như “Yêu em dài lâu”, “Và tôi cũng yêu em” hay lắng đọng, nhẹ nhàng với liên khúc về Hà Nội...

Xuyên suốt toàn bộ chương trình, luôn có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc, người đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đến với chiến thắng vĩ đại 30-4-1975 lịch sử. Điểm nhấn hay nhất về hình ảnh Bác Hồ mà chương trình đã thể hiện là thông qua tác phẩm “Trò chuyện với dòng sông” do NSƯT Tạ Minh Tâm thể hiện.

Khép lại đêm diễn đầu tiên, Đêm huyền thoại đã để lại trong khán giả dấu ấn về những huyền thoại của đất nước, những huyền thoại sống mãi với thời gian và cả những huyền thoại đang tiếp tục được sáng tạo nên .

Rực rỡ “Đêm huyền thoại” ảnh 4

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục