Bản quyền, tác quyền tăng giá - Câu chuyện nan giải

Bài 1: Bản quyền kênh truyền hình - Tùy tiện tăng giá
Bản quyền, tác quyền tăng giá - Câu chuyện nan giải

Bài 1: Bản quyền kênh truyền hình - Tùy tiện tăng giá

Chưa bao giờ, giá bản quyền, tác quyền lại bất cập đến thế. Vì sao phải tăng 100%, 200% so với năm trước? Giá tăng như thế có hợp lý?... Rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng và giá bản quyền, tác quyền hiện nay đang trở thành “cuộc chiến” căng thẳng…

  • Đại lý tự ra giá

Hiện nay tại Việt Nam có hơn 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng, chủ yếu trên mạng truyền hình trả tiền. Có nhiều kênh truyền hình nước ngoài kinh điển, như: HBO, StarMovies, CineMax, Disney, Cartoon Network, Super Sport, Discovery… đã có mặt và trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam.

Nhân viên một mạng truyền hình trả tiền giới thiệu các gói kênh cho khách hàng chọn lựa. Ảnh: AN DUNG

Nhân viên một mạng truyền hình trả tiền giới thiệu các gói kênh cho khách hàng chọn lựa. Ảnh: AN DUNG

Qua tìm hiểu được biết, tiền bản quyền cho các kênh này rất lớn và mỗi năm lại tăng chóng mặt. Đơn cử 5 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng trên SCTV: HBO, CineMax, Disney, FashionTV, AXN - năm 2008 tăng 104,3%, năm 2009 tăng 162%, năm 2010 tăng 164,3% và năm 2011 là 150%. Riêng năm 2011, trải qua 3 lần thương thảo, trả giá: lần đầu đại lý cung cấp chào giá ở mức tăng 227%, lần 2 giảm xuống còn 181% và lần 3 mức tăng đang dừng ở 150%. “Tỷ lệ đầu vào quá lớn như thế đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của chúng tôi.

Nếu SCTV không thỏa thuận được với đại lý cung cấp là Công ty Q.net, chúng tôi phải xuống các kênh này, tức không thực hiện đúng cam kết với các khách hàng” - ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Tổng giám đốc SCTV cho biết.

Cũng theo ông Tứ, phía SCTV chỉ có thể chấp nhận tăng tiền bản quyền các kênh này từ 25%-30% so với phí bản quyền năm 2010. Có những kênh nước ngoài trước đây họ cho phát miễn phí, như kênh FashionTV, nay cũng được đại lý độc quyền tại Việt Nam mua và bán với giá tăng hàng năm. Vấn đề tăng giá lại chỉ do phía đại lý độc quyền đưa ra (không có văn bản nào cho thấy kênh nước ngoài yêu cầu phải tăng giá) và giá cả tăng có vẻ tùy tiện.

Hiện nay, một số kênh truyền hình trả tiền đã gửi công văn đến Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam để yêu cầu giúp đỡ, can thiệp. Vấn đề không còn nằm trong việc thuận mua vừa bán, mà đã trở nên phức tạp vì các cuộc thương thảo rất khó khăn.

Bên trả tiền bản quyền cho rằng đang phải chịu sự tăng phí không có cơ sở và không theo thông lệ tăng phí bản quyền chung của quốc tế. Từ việc tăng giá này, có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang tự “hành hạ” nhau và chuyển quyền lợi kinh tế về phía nước ngoài? Nếu đúng vậy, cơ quan thanh tra cần vào cuộc và có biện pháp quản lý để thực hiện chủ trương phát triển đi đôi với quy hoạch, quản lý để phát triển.

  • Cần hoàn chỉnh môi trường pháp lý

Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã được ra đời. Đây là tổ chức nghề nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hội viên là những đơn vị đang kinh doanh truyền hình trả tiền. Vấn đề bản quyền truyền hình, trong đó có bản quyền kênh, bản quyền phim, chương trình truyền hình… đã được nêu ra trong Điều lệ Hiệp hội.

Nếu tiền bản quyền cứ leo thang, nhiều khả năng khán giả VN không được xem các kênh nước ngoài quen thuộc. Ảnh: AN DUNG (kênh FashionTV chụp qua truyền hình)
Nếu tiền bản quyền cứ leo thang, nhiều khả năng khán giả VN không được xem các kênh nước ngoài quen thuộc. Ảnh: AN DUNG (kênh FashionTV chụp qua truyền hình)

Theo đó, nếu nhận được sự đồng thuận, nhất trí của các hội viên, vấn đề bản quyền truyền hình không còn là chuyện quá khó. Áp dụng vào trường hợp cụ thể trên, nếu tất cả các hội viên cho rằng tăng giá bản quyền kênh là bất hợp lý, cùng không mua, không phát các kênh này, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản.

Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích có nhiều đối tác cho một kênh (nước ngoài) để tránh tình trạng độc quyền, tạo môi trường cạnh tranh, phát triển. Theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg về Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền: “Các hãng phát thanh truyền hình nước ngoài muốn cung cấp kênh, chương trình nước ngoài vào Việt Nam nhằm mục đích kinh doanh trên truyền hình trả tiền phải thông qua đại lý được ủy quyền tại Việt Nam” (khoản 1 điều 12).

Nhưng các kênh này chỉ được phát sóng khi đã được biên tập, biên dịch và phải do cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực truyền hình”. Nói như thế có nghĩa, từ nay, các đại lý tại Việt Nam có quyền làm đại lý cho nhiều kênh nước ngoài, nhưng có phát sóng được hay không, phải có sự tham gia biên tập, biên dịch của một đài truyền hình.

Quy định chặt chẽ như thế, cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý các kênh nước ngoài và dễ xử phạt khi có sai phạm. “Những quy định về kênh truyền hình nước ngoài trên truyền hình trả tiền tại Quyết định 20/2011/QĐ-TTg nhằm tạo ra một môi trường pháp lý bình đẳng và công bằng giữa các kênh” - ông Lưu Vũ Hải khẳng định.

Trước khi các quy chế về truyền hình trả tiền và điều lệ của Hiệp hội Truyền hình trả tiền được triển khai áp dụng triệt để và chính thức có hiệu lực, câu chuyện và những tranh chấp về bản quyền truyền hình vẫn còn nhiều gai góc...

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục