Festival Huế đến với đồng bào vùng cao

Đồng bào trẩy hội
Festival Huế đến với đồng bào vùng cao

Không gian Festival Huế 2014 lần đầu tỏa về tất cả các huyện thị trên địa bàn Thừa Thiên - Huế và đến với người ốm đau đang điều trị tại bệnh viện. Đó là tính nhân văn của lễ hội mà ban tổ chức tâm đắc bấy lâu nay trở thành hiện thực.

Đông đảo khách quốc tế đến với Festival Huế. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Đông đảo khách quốc tế đến với Festival Huế. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Đồng bào trẩy hội

Đi giữa thị trấn A Lưới cách TP Huế hơn 70km những ngày này cảm giác như cả phố núi đang trẩy hội. Cổng ngõ tinh tươm, hoa trồng tràn ra vỉa hè. Đường Hồ Chí Minh qua trung tâm thị trấn này như một hoa viên. Một cuộc hội hè hiếm có đang diễn ra ngay dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vĩ thuộc địa bàn huyện A Lưới khi ban tổ chức Festival Huế 2014 lần lượt cắt cử các nghệ sĩ Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa và đoàn nghệ thuật Ranranga đến từ đất nước Sri Lanka xa xôi về đây biểu diễn.

Trong số hàng ngàn khán giả nô nức đổ về nhà văn hóa trung tâm huyện A Lưới đón xem các nghệ sĩ Sri Lanka biểu diễn vào tối 14-4 có rất nhiều người, nhất là những đứa trẻ Pa Kô đôi mắt trong veo đã bỏ cả cơm trưa lội bộ qua bao thác ghềnh khe suối về đây đặt chỗ.

Thú vị hơn, đồng bào sau khi xem xong các tiết mục nghệ thuật của Sri Lanka biểu diễn, không chịu về nhà mà vây quanh, nằng nặc yêu cầu các nghệ sĩ diễn lại... Đáp lại, các nghệ sĩ trong đoàn dù đã lên ô tô, đã xuống xe nán lại thêm gần 2 giờ, tiếp tục biểu diễn.

Ông Hồ Văn Toàn, chủ quán net gần trụ sở UBND huyện A Lưới cho biết, loa truyền thanh thông báo có các nghệ sĩ tham gia Festival Huế về địa phương biểu diễn nên ngày nào quán net cũng tấp nập người ra vào. Nhiều ông già bà cụ nhờ con cháu truy cập internet tìm kiếm thông tin về nghệ thuật Ranranga và ca múa kịch Lam Sơn.

Ông Toàn xuýt xoa, không ngờ có ngày đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy lại được tận mắt xem các nghệ sĩ đến từ nước Sri Lanka xa xôi và các đoàn nghệ thuật nổi tiếng từ các địa phương khác về biểu diễn… Những nhịp trống, tiếng nhạc mà đoàn nghệ thuật Ranranga biểu diễn mang đến cho đồng bào A Lưới ấn tượng, đầy màu sắc.

Đặc biệt, vũ điệu Ves bắt nguồn từ lễ tế kohomba kankariya được hình thành từ những điều linh thiêng trong văn hóa tín ngưỡng người dân tỉnh Kandyan, Sri Lanka có nét tương giống điệu nhảy tại lễ hội A Riêu Piing của đồng bào Pa Kô thường tổ chức nhằm tri ân người đã khuất.

Ban tổ chức Festival Huế 2014 cho biết, rất nhiều nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật quốc tế khác nữa đã và đang trên đường đến với người dân và đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn biểu diễn. Sự đồng điệu trong nghệ thuật của con người với con người, của nghệ sĩ và người thưởng thức tạo nên cảm giác thăng hoa trong không gian rộng mở tại Festival Huế 2014.

Vơi bớt nỗi đau bệnh tật

Bằng âm nhạc đậm chất nước Mỹ, nhóm The Amigos đã đem đến cho người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế một festival vui tươi, sôi động. Bệnh nhân Phan Thảo (41 tuổi, ở tỉnh Quảng Bình) đang điều trị tại khoa nội tổng hợp vui vẻ cho biết: “Lần đầu mắt thấy tai nghe ban nhạc danh tiếng nước ngoài biểu diễn mà lại không tốn đồng nào… Tui nằm viện đã 10 ngày rồi, buồn lắm! Lời ca, tiếng hát của các nghệ sĩ như lời động viên, tiếp sức người bệnh lạc quan chống chọi với bệnh tật”.

Sau nhóm The Amigos, nhạc sĩ Miên Đức Thắng (TPHCM) đã đem đến chương trình những lời ca trong dự án “Âm nhạc trị liệu” của mình. “Âm nhạc sẽ là một phương thuốc trị liệu hiệu quả, làm dịu nỗi đau, đem lại tâm lý thoải mái cho bệnh nhân” - nhạc sĩ Thắng chia sẻ. Cũng trong hoạt động đưa nghệ thuật đến với công chúng, đoàn nghệ thuật Chile đã đến biểu diễn, giao lưu nghệ thuật tại Trường Đại học Y dược Huế, nơi có bệnh viện Trường Đại học Y dược.

Ông Gonzalo Olmos, Trưởng đoàn nghệ thuật Chile chia sẻ: “Festival Huế không chỉ là lễ hội mà còn là sự kiện mang lại niềm vui cho mọi người, là cơ hội để gắn kết các quốc gia trên thế giới, là sự đoàn kết, chia sẻ giữa con người với con người… Đổi lại, những bệnh nhân đang đối mặt với bao đau đớn bệnh tật nhưng với tinh thần lạc quan vẫn đến xem, tạo cho chúng tôi khoảnh khắc thăng hoa trong nghệ thuật bằng những tràng pháo tay giòn giã”.

Trong khi ông Nguyễn Duy Hiền, Nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế, nhìn nhận, Festival Huế lần này là cơ hội hiếm hoi mà những người dân nghèo và những người bệnh nếm được “món ngon” của lễ hội. Nếu không có Festival Huế những điều tưởng chừng như trong mơ này khó có thể được thực hiện.

Gần 50.000 lượt du khách đến với Festival Huế

Sáng 15-4, BTC Festival Huế 2014 tổ chức họp báo nhằm thông báo những kết quả giữa kỳ Festival 2014. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng BTC Festival Huế 2014, cho biết: Đã có 4 trong 8 chương trình lễ hội chính diễn ra tại Festival Huế 2014, gồm: Lễ khai mạc, lễ hội Áo dài (tour 1), đêm đầu tiên của chương trình “Đêm phương Đông” và lễ hội dường phố với “Di sản và sắc màu văn hóa”.

Cùng với các lễ hội chính, các chương trình nghệ thuật trong nước và quốc tế diễn ra liên tục trên 15 sân khấu thuộc địa bàn thành phố Huế và 10 địa điểm khác ở các huyện, thị xã trên toàn tỉnh.

Tính đến ngày 14-4 có gần 50.000 lượt khách, trong đó có hơn 20.000 lượt khách quốc tế đến Huế, nhiều nhất là khách đến từ Pháp với hơn 7.000 người, công suất sử dụng phòng đạt 73%. Số khách quốc tế đến chủ yếu từ các nước như Pháp, Úc, Anh, Mỹ, Nhật Bản và Thái Lan.

Trong thời gian còn lại, Festival Huế 2014 tiếp tục với các chương trình nổi bật như Đêm Hoàng cung, “Ngày hội Âm sắc Hương Bình”, chương trình thắp lửa tại cầu Trường Tiền của đoàn Carabosse (Pháp), lễ hội Áo dài (tour 2), “Đêm phương Đông” vào các tối 15, 16 và 18-4.

VĂN THẮNG - NGUYỄN HÙNG

Thông tin liên quan

 Festival Huế 2014: Đời sống chốn cung đình hút khách

Tin cùng chuyên mục