Mở chiến dịch “dọn dẹp” hiện vật ngoại lai trong di tích

Ngày 22-8, đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu đã phối hợp cùng Sở VH-TT-DL Hà Nội triển khai việc thực hiện công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” tại một số di tích được xếp hạng trên địa bàn thủ đô.

Ngày 22-8, đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu đã phối hợp cùng Sở VH-TT-DL Hà Nội triển khai việc thực hiện công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” tại một số di tích được xếp hạng trên địa bàn thủ đô.

Phát hiện nhiều sai phạm

Đoàn kiểm tra đã đi kiểm tra đột xuất đền Ngọc Sơn, chùa Gia Quất ở quận Long Biên, đình và chùa Mộ Lao ở quận Hà Đông (Hà Nội). “Qua kiểm tra thực trạng của một số di tích trên địa bàn, các di tích đều có sai phạm như: tự ý tiếp nhận công đức để bài trí nơi thờ tự không đúng quy định và không có trong hồ sơ xếp hạng di tích làm cho các nơi thờ tự rối rắm. Đây là sự vi phạm quy định của Luật Di sản, làm biến dạng yếu tố gốc của các di tích”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết.

Án ngữ trước cửa chùa Gia Quất là đôi sư tử đá “ngoại lai” đứng sừng sững. Đi sâu hơn vào chùa là ngập tràn sắc đỏ của những chiếc đèn lồng Trung Quốc, đèn nhấp nháy... Tại đình và chùa Mộ Lao, mật độ của đồ cúng tiến xuất hiện dày đặc. Trong không gian không rộng của đình có tới hàng chục bức hoành phi câu đối, phía ngoài cổng là cặp sư tử cỡ lớn và xa hơn một chút, ngự trên trụ cột tam quan đang xây dựng là hai cặp “linh thú lạ” không ra nghê cũng không ra sư tử. Không gian của chùa Mộ Lao cũng tương tự với sự xuất hiện đến hai cặp sư tử đá, đèn đá, cùng hệ thống tượng thờ “lạ” trong không gian thờ tự linh nghiêm.

Sau khi làm việc với đoàn thanh tra, ni sư Thích Đàm Hướng, trụ trì chùa Gia Quất cho biết sẽ di dời cặp sư tử đá này. Ông Bạch Ngọc Thụy, Tổ trưởng Tổ quản lý đình Mộ Lao, cũng nhất trí với yêu cầu của đoàn thanh tra và cho biết sẽ họp dân để phổ biến quán triệt tinh thần rồi tiến hành di dời sư tử đá kiểu Trung Quốc cũng như di dời những hiện vật cung tiến không phù hợp ra khỏi nơi thờ tự.

Lúng túng tìm hướng xử lý

Việc đưa hiện vật ngoại lai ra khỏi di tích không đơn giản trong một sớm một chiều. Bởi lẽ, nhiều hiện vật đã được đưa vào di tích cả chục năm nay, người dân đã không còn cảm giác lạ, chướng khi đối mặt với chúng, như trường hợp lầu Quan Âm tại chùa Gia Quất. Theo sư trụ trì, công trình này đã có từ trước khi dựng lại cơ sở thờ tự này vì thế nhà chùa xin được giữ lại. Ông Bạch Ngọc Thụy cũng lúng túng trước yêu cầu của thanh tra là phải nghiêm túc đưa những đồ vật này ra khỏi nơi thờ cúng. Ông Thụy cho biết, việc đưa đồ cúng tiến không phù hợp là sai nhưng muốn đưa ra thì cần tổ chức họp lấy ý kiến của người dân, của những người đã cúng tiến cho nhà chùa... Chỉ khi có được tiếng nói đồng thuận mới có thể làm được.

Theo ông Đức Hòa, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hà Đông, địa phương cũng chưa tìm ra cách xử lý những “linh vật” ngoại lai như sư tử đá, đèn đá, tượng Phật Bà Quan Âm Bạch y..., nếu đưa ra khỏi di tích thì có thể để ở đâu cho hợp? Việc xây dựng một kho riêng để chứa các hiện vật này đối với các di tích vốn đất đai đã chật hẹp là rất khó khăn.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, ngày 27-8 tới, Bộ VH-TT-DL sẽ có buổi làm việc với MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tìm những biện pháp phù hợp, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thờ tự, di tích và người dân cách phân biệt và loại trừ những hiện vật “ngoại lai”, đem lại không gian thờ tự mang đầy đủ giá trị văn hóa Việt Nam. Các sở VH-TT-DL trên toàn quốc sẽ làm công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân; các vị trụ trì, những người trông nom các di tích trong cả nước di dời các linh vật, hiện vật không phù hợp trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 12-2014; đến tháng 1-2015, các sở VH-TT-DL sẽ kiên quyết di dời.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục