Công trình kiến trúc lạ ở chùa Hương

“Con voi chui lọt lỗ kim”
Công trình kiến trúc lạ ở chùa Hương

Được công nhận là Di tích cấp quốc gia từ năm 1962, danh thắng Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, nơi mà người dân và phật tử vẫn gọi với cái tên thân thuộc là chùa Hương, không chỉ nổi tiếng về nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh mà còn nổi tiếng với 18 điểm di tích gắn liền với núi rừng Hương Sơn và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn. Song sau nhiều năm giải quyết gọn gàng vấn nạn động giả, chùa giả, trong những ngày vừa qua, một công trình xây dựng lớn, không phép có kiến trúc “lạ” xuất hiện ở khu vực trung tâm di tích danh thắng quốc gia này.

                                                “Công trình lạ” được xây dựng ở chùa Hương  Ảnh: THU HÀ

Công trình lạ nằm trong khu vực bảo tồn di sản cấp 1

Nằm ở khu vực trung tâm của chùa Thiên Trù, công trình mới nằm ngang hàng với khu vực tháp chuông đang tu bổ và nằm ngay trên lối dẫn lên khu vực Đền Mẫu. Những người giúp việc của chùa chia sẻ, công trình này có tên gọi là Hương Nghiêm pháp đường, tọa lạc bên phải chùa Thiên Trù, đối diện với khu bảo tháp Chân Tịnh, theo đồ hình Mandala. Tòa nhà lớn này được xây dựng đã vài năm với mục đích dành cho các phật tử, tín chủ khi ở lại chùa có chỗ nghỉ ngơi. Theo lời kể của những người này, kết cấu tầng một được chia thành nhiều phòng trọ khép kín. Mỗi phòng có nhiều giường đơn, tiện nghi, sạch sẽ và lắp cả máy điều hòa nhiệt độ. Ở giữa là phòng lớn dùng để làm phòng ăn hoặc hội họp. Riêng khu vực tầng áp mái tuy có cầu thang lên nhưng để trống. Vào mùa lễ hội hay những ngày lễ trọng của Phật giáo thì các phòng ở đây chật kín, nhưng ngày thường, nếu muốn được nghỉ thì chỉ cần hỏi trực tiếp các sư bác, sư thầy ở đây - những người giúp việc của nhà chùa nhiệt tình chỉ dẫn.

Công trình kiến trúc lạ ở chùa Hương ảnh 2
Công trình kiến trúc lạ ở chùa Hương ảnh 3

                             Công trình lạ được xây dựng ở chùa Hương và phù điêu quái thú (ảnh trái)

Theo ghi nhận của phóng viên, công trình này có quy mô lớn, diện tích mặt sàn khoảng 400m² với 2 tầng lầu. Không chỉ lớn về quy mô mà kiến trúc của tòa nhà này cũng rất nổi bật do sự khác biệt với các kiến trúc truyền thống vốn sẵn có trong khuôn viên của chùa Thiên Trù. Vì thế bất cứ du khách nào tới đây cũng vô cùng sửng sốt bởi sự hoành tráng có phần hơi kệnh cỡm của công trình này. Từ trên cao nhìn xuống tòa nhà có hình khối vuông, 4 mặt, mái ngói đỏ. Toàn bộ cầu thang và lan can đều được làm bằng đá, có trang trí hoa văn và đặc biệt là xung quanh đường lên xuống và lan can tầng 2 có gắn nhiều vật trang trí là tòa tháp và phù điêu quái thú có hình thức rất lạ. Phần phía trên mái cũng được trang trí cách điệu với nhiều hình phù điêu rất lạ. Sau khi xem những hình ảnh về phần trang trí phía bên ngoài của công trình này, một chuyên gia về mỹ thuật đã thốt lên, không thể xác định đây là hình gì, thuộc trường phái nào, mà chỉ có thể nói rằng đây là sản phẩm của sự lai căng, cóp nhặt. Không thể hiểu tại sao một kiến trúc với những trang trí như vậy có thể được xuất hiện ở quần thể danh thắng chùa Hương.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

Ngay sau khi có được những thông tin về công trình kiến trúc lạ vừa mới được phát hiện ở khu vực chùa Thiên Trù, phóng viên đã trao đổi với Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn, Mỹ Đức. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý khẳng định, công trình này không phải mới mà đã được xây từ năm 2011, đến năm 2013 thì được nhà chùa đưa vào sử dụng. Mục đích chính của công trình theo ông Thanh là nhà chùa dành để tiếp khách, làm chỗ ăn, nghỉ cho phật tử trong những dịp lễ trọng. Trước đây không phải là khuôn viên của chùa Thiên Trù mà là hai dãy nhà cấp 4 của Công ty Thắng cảnh và Công ty Du lịch Hà Tây, được xây dựng khoảng những năm 1970. Hai dãy nhà cấp 4, lợp ngói sông Cầu, tường xây bằng đá, mục đích phục vụ việc ăn, nghỉ của nhân viên của công ty này và khách nội bộ. Đến năm 2000, UBND tỉnh Hà Tây đã chỉ đạo bàn giao hai dãy nhà đó cho nhà chùa quản lý.

Để đảm bảo cho việc sinh hoạt của nhà chùa và phật tử, năm 2011 nhà chùa có văn bản đề nghị UBND huyện Mỹ Đức cho phép Ban Xây dựng chùa Huơng được phép tu bổ, tôn tạo. Công trình hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2013. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc một công trình xây dựng mới, chưa nói tới kiến trúc lạ như vậy ở khu vực bảo tồn cấp 1 của di tích cấp quốc gia có nhận được sự thỏa thuận từ phía các cơ quan chức năng như Sở VH-TT-DL, Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT-DL hay không, ông Thanh trả lời rằng, đây là công trình phụ trợ, không thuộc vùng lõi của di sản. Ban quản lý di tích căn cứ vào đề nghị của nhà chùa và đề nghị lên cấp trên đồng ý cho chùa tu sửa hạng mục cũ để sử dụng có hiệu quả. Ông Thanh nhiều lần nhấn mạnh, đây không phải di tích gốc, chắc nhà chùa cũng có xin phép các đơn vị cấp trên.

Được biết, việc tu bổ, tôn tạo bất cứ một công trình nào ở trong khu vực di sản đều phải trải qua những quy trình cực kỳ nghiêm ngặt và chặt chẽ của Luật Di sản văn hóa. Ví dụ như việc tu bổ gác chuông tại Thiên Trù, hiện đang được tiến hành tại đây chẳng hạn, nhà chùa, địa phương và các đơn vị quản lý di sản từ xã, huyện, sở đến Bộ VH-TT-DL phải thành lập nhiều hội đồng xét duyệt, với các phương án kiến trúc được cân nhắc nhiều lần mới có thể thực hiện được.

Theo như báo cáo của Ban quản lý danh thắng Hương Sơn, công trình đã được khởi công cách đây 4 năm và đưa vào sử dụng được 2 năm. Trong suốt thời gian dài đó, năm nào cũng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành cấp sở, cấp bộ được tổ chức và sai phạm bị phát hiện chủ yếu liên quan tới việc vệ sinh môi trường, hàng quán bày bán lộn xộn... Điều đáng nói là, một công trình có kiến trúc lạ, lớn như vậy, lại chỉ cách khu vực trung tâm của chùa Thiên Trù - chùa Hương khoảng 100m lại có thể ngang nhiên xây dựng và tồn tại nhiều năm mà không có một đơn vị chức năng quản lý về di sản nào lên tiếng? Phải chăng lại một lần nữa “Con voi chui lọt lỗ kim”

 Giáo sư Trần Lâm Biền: Không phù hợp với nhà Phật!

 Tôi nghĩ, công trình này đối với nhà Phật và nhất là ở vùng núi cần phải có sự khiêm tốn. Bởi sự khiêm tốn nó mang ý nghĩa hòa cùng với thiên nhiên, vũ trụ chính nơi đó. Nhà hay chùa mà xây to quá sẽ là một khối vật chất rất nặng nề, níu kéo tâm hồn của kẻ tu hành và của những người đi theo đạo không giải thoát được. Từ sự không giải thoát được đó thì sẽ không thể đến được cõi niết bàn. Nơi được coi là cái đích của người đi tu hành.

Còn hình đầu rồng được trang trí tại tòa nhà 3 tầng này là một sự pha tạp, phía đằng sau của con rồng là một sự chắp vá lung tung. Thứ nhất cái vòi của con rồng là vòi voi, bên dưới lại là cái mũi sư tử thì trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam không có. Mặc dù nghệ thuật tạo hình thời nhà Mạc cũng có cả vòi và mũi nhưng ở dưới mồm của đầu rồng lại không có mang và trên đầu không thể có lông mao của thời nhà Nguyễn. Hình đầu rồng này là một sự pha tạp nghệ thuật lung tung, nên không có chuẩn mực cụ thể nào. Tôi cho rằng, chính người nghĩ sáng tạo đầu rồng này có phần kiêu căng, cho rằng mình có quyền sáng tạo, nhưng một sự sáng tạo không hiểu biết thì sẽ đưa ra một hiện vật kệch cỡm. Và có thể nói nó giống như một nồi lẩu thập cẩm!

MAI AN


THU HÀ

Tin cùng chuyên mục