Thi sĩ Vũ Đình Liên: Những ngày xưa yên lặng nhẹ nhàng

Cách đây đúng 80 năm, bài thơ Ông đồ đã được trình làng và tròn 20 năm trước, vào ngày 18-1-1996, giữa lúc đất trời đang vào xuân thì bước chân phiêu bồng của thi sĩ Vũ Đình Liên đã vĩnh viễn ra đi, để lại một nhân cách thơ với hình ảnh ông đồ bất tử trong văn học và đời sống văn hóa Việt Nam.
Thi sĩ Vũ Đình Liên: Những ngày xưa yên lặng nhẹ nhàng

Cách đây đúng 80 năm, bài thơ Ông đồ đã được trình làng và tròn 20 năm trước, vào ngày 18-1-1996, giữa lúc đất trời đang vào xuân thì bước chân phiêu bồng của thi sĩ Vũ Đình Liên đã vĩnh viễn ra đi, để lại một nhân cách thơ với hình ảnh ông đồ bất tử trong văn học và đời sống văn hóa Việt Nam.

 Nghĩa tình trên gác Hương Lửa

Không phải cứ đua nhau in hết tập thơ này đến tập thơ khác là sẽ thành công. Không phải cứ huyên thuyên đọc thơ hết sân khấu này đến truyền hình nọ, tự tâng bốc mình lên mây xanh là sẽ trở thành thi hào thi bá; thơ và nhà thơ đích thực thường kiệm lời, lặng lẽ, cô độc. Ông được yêu quý vì sự lặng lẽ, khiêm tốn, cô độc trong thơ và trong con người thơ của ông.

Đầu thập niên 1990, lần đầu tiên cùng một bạn thơ đến thăm “ông đồ” Liên trên gác Hương Lửa nằm ở góc phố Trần Nhân Tôn với Bà Triệu của Hà Nội, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa câu nói “Văn học là nhân học” cùng cái tình của một thi sĩ bậc thầy khi tuổi đã xế chiều. Cũng tại gác Hương Lửa này, tôi còn tìm thấy nghĩa thầy trò cao quý qua những dòng thư, kỷ vật của các thế hệ học trò dành cho Nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên, điều mà không phải ai tay bút tay phấn suốt đời trên bục giảng cũng có được.

Nếu như làm thơ là cái nghiệp thì dạy học là cái nghề của Vũ Đình Liên. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tiếp tục dạy học và từng là chủ nhiệm Khoa tiếng Pháp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Cùng các học giả và là những giáo sư nổi tiếng như Lê Thước, Lê Trí Viễn… Vũ Đình Liên là thành viên tích cực của nhóm văn học Lê Quí Đôn, có nhiều đóng góp về nghiên cứu, dịch thuật. Hai công trình nghiên cứu văn học đáng chú ý của Vũ Đình Liên là “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam” và “Nguyễn Đình Chiểu” cùng hoàn thành từ năm 1957. Ông còn dịch nhiều thơ nước ngoài, nhất là thơ Pháp mà thi sĩ ông tỏ ra tâm đắc là Charles Baudelaire.

Bên khung cửa gác Hương Lửa, lục đưa tôi xem những bức thư cùng kỷ vật của học trò mừng thầy đại thọ, thi sĩ Vũ Đình Liên nói bằng tất cả niềm tự hào: “Ngoài thơ, cái mà tôi quý nhất là tình nghĩa thầy trò. Học trò tôi bây giờ nhiều em đã thành danh ở hầu khắp trong và ngoài nước”.

Thi sĩ Vũ Đình Liên cũng tâm sự rằng, người thầy mà ông kính trọng nhất là Giáo sư Dương Quảng Hàm, cổ thụ của trường Bưởi, tức trường Chu Văn An sau này, nơi đào tạo nên nhiều nhân tài cho đất nước. Giáo sư Dương Quảng Hàm từng là thủ khoa đầu tiên của Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, được các đồng nghiệp cả ta lẫn tây ở trường Bưởi kính nể. Bộ sách Việt Nam văn học sử yếu của thầy nổi tiếng trước năm 1945, đến nay còn nguyên giá trị. Sau Cách mạng Tháng Tám, thầy được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Trung học Chu Văn An, đồng thời thầy còn làm thanh tra trung học Bộ Giáo dục. Thầy đã hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Nhớ về trường Bưởi và thầy Dương Quảng Hàm, thi sĩ Vũ Đình Liên ca ngợi: Mười cây cổ thụ sân trường Bưởi/ Cao ngọn, xuê cành một gốc Dương.

Con đường của tình thương

Vũ Đình Liên yêu thơ và làm thơ rất sớm, như trong một bài thơ ông viết: “Từ thuở mười ba thuộc Truyện Kiều/ Câu thơ tài mệnh bóng hình yêu/ Tú Xương ngày trước là tri kỷ/ Công Trứ cây thông cũng muốn trèo...”. Ông là nhà thơ có tâm hồn hoài cổ, nặng lòng với cảnh cũ người xưa, điều ấy phản ánh ở hầu hết trước tác của ông, đặc biệt là bài Ông đồ bất tử.

Trò chuyện với chúng tôi trên gác Hương Lửa, thi sĩ Vũ Đình Liên cho biết ông viết bài thơ Ông đồ suốt hai cái Tết Nguyên đán năm 1935 - 1936 mới xong và đăng trên báo Tinh Hoa. Ông nói: “Tôi đi theo con đường riêng của tôi. Vào năm 1936, khi bài thơ Ông đồ trình làng, bạn bè văn chương bảo rằng tôi đã tìm được con đường riêng, chứ không phải đi theo con đường tiên, thế giới bồng lai của Thế Lữ. Con đường của tôi là tình thương của mọi người. Con đường tôi tìm gọi là mới ấy, thực ra lại là con đường truyền thống của dân tộc, cái mới trong cái cũ. Cho nên, bạn bè viết giới thiệu trên báo chí là nhà thơ của người nghèo, nhà thơ của nông dân, nhà thơ của tình thương”.

Nếu như Ông đồ là bài thơ làm nên tên tuổi Vũ Đình Liên thì Hồn xưa là bài thơ ông trân trọng nhất, vì đó là tác phẩm đầu tiên và đưa ông bước vào thi đàn, nhưng ít được bạn đọc thế hệ sau này biết đến. Cũng giống như Ông đồ, bài Hồn xưa mang chất hoài cổ, được Vũ Đình Liên sáng tác từ năm 1927. Thi sĩ thổ lộ rằng, bài thơ Ông đồ đã trở thành “tài sản” chung của mọi người, còn Hồn xưa mãi mãi là của riêng ông, của một thời mộng mơ, chập chững bước vào nghiệp thơ. Bài thơ nguyên bản như sau: “Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay/ Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc/ Những cảnh và những người đã chết/ Tự bao giờ mà nay biết tìm đâu/ Những cảnh xưa rực rỡ đến trăm màu/ Mà êm ả, mà tưng bừng, mà bé nhỏ/ Đẹp như bức tranh hay, như bài thơ cổ/ Những ngày xưa yên lặng nhẹ nhàng/ Có những điều ước vọng mơ màng/ Mà bây giờ chúng ta không còn nữa/ Nhưng biết tìm đâu những cảnh xưa người cũ/ Lặng lẽ bên đường lá rụng mưa bay”.

Thi sĩ Vũ Đình Liên ngồi xem một ông đồ viết thư pháp ở Hà Nội. Ảnh: TL

Hoài cổ nhưng không cũ. Hoài cổ nhưng bây giờ đọc lại chúng ta thấy thi sĩ Vũ Đình Liên vẫn mới mẻ, từ ngôn ngữ thơ đến tinh thần nhân ái, yêu nguồn cội, ước vọng bình yên, nhẹ nhàng cho cuộc đời này. Đó cũng là nỗi canh cánh cả đời của “ông đồ” Vũ Đình Liên, như ông thổ lộ với chúng tôi về một kỷ niệm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Năm 1984, tôi có gặp anh Phạm Văn Đồng vốn bạn học cũ cùng trường Bưởi, trước tôi ba năm. Chúng tôi gặp lại nhau ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, tay bắt mặt mừng. Các phóng viên chụp ảnh tôi với anh Đồng, sau đó gửi tặng tôi. Thấy ảnh đẹp, tôi gửi ảnh tặng lại anh Đồng, kèm theo bốn bài thơ. Trong thơ tôi viết đại ý rằng, không có chủ nghĩa nào, không có tôn giáo nào đem lại được hạnh phúc hoàn toàn cho con người. Cuộc đời là thế. Phải đấu tranh để sống. Chỉ có con người thương yêu nhau, thương nhau phần nào thì cái khổ đỡ đi phần nấy…”.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục