Hiện là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc thực hiện hợp đồng cuối năm, sản xuất gối đầu và tìm nguồn hàng mới, đồng thời lại phải thực hiện các cam kết trả lương, trả thưởng và các chế độ chính sách, thưởng Tết Nguyên đán Ất Mùi. Về phía người lao động, họ cũng tranh thủ làm thêm ca, thêm giờ vừa muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa có điều kiện về quê đón tết hoặc có chút dư dả giúp đỡ người thân ở quê nhà. Nhưng chính sức ép căng thẳng này lại là thời điểm nhạy cảm, dễ phát sinh mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động.
Do vậy, sự chủ động vào cuộc kịp thời của các tổ chức công đoàn cùng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể không chỉ chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động trong việc nhận đủ lương, thưởng tết mà còn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, góp phần củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Đây cũng là cách thiết thực để giúp công nhân đón tết cổ truyền dân tộc trong bầu không khí ấm áp, nghĩa tình. Nói cách khác, chăm lo tốt đời sống người lao động cũng chính là chăm lo “sức khỏe” của bản thân doanh nghiệp.
Năm nay, việc chăm lo Tết Nguyên đán cho người lao động được các cấp công đoàn ở TPHCM triển khai khá sớm, đều khắp, từ công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở trực tiếp đến công đoàn thành phố theo phương châm thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả. Để người lao động hiểu, cùng chia sẻ và an tâm làm việc, nhiều công đoàn cơ sở phối hợp với chủ doanh nghiệp thống nhất kế hoạch chăm lo tết, trong đó thống nhất về mức thưởng, công khai thời gian trả lương, trả thưởng, các chế độ, chính sách và khả năng của doanh nghiệp.
Công đoàn ở nhiều nơi chủ động tổ chức các buổi giao lưu, đối thoại giữa chính quyền các cấp, người sử dụng lao động và công nhân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp lao động, tăng cường kỷ luật lao động, đồng thời cũng giúp các cấp công đoàn và ngành chức năng nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động, hạn chế thấp nhất những phát sinh tiêu cực.
Lường trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công đoàn các cấp cùng chính quyền địa phương chủ động lên danh sách chăm lo tết đối với người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp gặp giải thể hoặc chủ bỏ trốn; người lao động bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không được doanh nghiệp thưởng tết; nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi ở nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn...
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và thưởng tết sắp tới. Chính sự gần gũi, quan tâm thiết thực và hiệu quả này đối với công nhân, các tổ chức công đoàn có điều kiện thu hút, tập hợp công nhân, lôi cuốn cả doanh nghiệp vào cuộc, cùng chung sức chăm lo đời sống người lao động. Điều đáng mừng là nhiều chủ doanh nghiệp ngày càng ý thức hơn việc chăm lo đời sống người lao động, vì họ coi đây chính là chăm lo đến nguồn lực của doanh nghiệp.
Tại các cuộc giao lưu với những điển hình chăm lo tốt đời sống người lao động, nhiều chủ doanh nghiệp khẳng định, việc chế độ trả lương, thưởng hợp lý không chỉ bù đắp xứng đáng với kết quả lao động thực sự của người lao động mà nó còn là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mỗi người hăng say, nhiệt tình làm việc, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và từ đó yêu thích những công việc của mình.
Trao yêu thương để được nhận lại yêu thương, đó là quy luật của cuộc sống. Một khi hai bên đã hiểu nhau và cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thách thức đặt ra trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì dù tiền thưởng tết năm nay ở nhiều đơn vị được dự báo là bằng hoặc thấp hơn một chút so với tết năm ngoái thì phần đông người lao động sẵn sàng chấp nhận để giúp doanh nghiệp và cũng là chính bản thân mình vượt qua khó khăn trước mắt.
TUẤN SƠN