Sau hơn 2 tháng chuẩn bị, ngày 26-10 vừa qua, Sở Công thương đã công bố Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thuộc Dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020. Tại đây, các tỉnh, thành cùng các sở, ngành chức năng của TPHCM đã thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc mặt hàng này nhằm thiết lập lại quy trình chăn nuôi, sản xuất và chế biến theo mô hình khép kín từ trang trại đến bàn ăn, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn.
Vào cuộc
Ngay sau khi UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (viết tắt là đề án) vào ngày 15-8-2016, các sở, ngành chức năng của thành phố đã bắt tay trong công tác chuẩn bị, đồng thời tiến hành công bố thời điểm triển khai đề án. Trên thực tế, TPHCM là đơn vị xây dựng và thực hiện đề án, trong khi đó, 85% nguồn cung thịt heo cho nhu cầu thị trường thành phố là từ các tỉnh, thành trong khu vực. Do vậy, để triển khai đề án thì phải có nguồn hàng nên công tác phối hợp không chỉ dừng lại ở các sở, ngành chức năng của thành phố, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng của các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh…
Nuôi heo VietGAP tại Xí nghiệp chăn nuôi heo Gò Sao 1. Ảnh: CAO THĂNG
Phát biểu tại lễ công bố, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho rằng, việc xây dựng và triển khai đề án của TPHCM đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía lãnh đạo tỉnh, đến các doanh nghiệp (DN) và trại chăn nuôi. Thực tế, không phải trại chăn nuôi nào cũng pha tạp chất trong thức ăn, do vậy việc truy xuất nguồn gốc để làm lành mạnh ngành chăn nuôi, tạo điều kiện cho thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng là việc không thể đặng đừng trong thời điểm này. Bình Dương sẽ phối hợp tích cực và đồng hành với TPHCM trong việc thực hiện đề án.
Tại các DN giết mổ, cung ứng và nhà phân phối lớn tại TPHCM cũng không giấu giếm sự hồi hộp, chờ mong đến ngày đề án chính thức áp dụng vào thực tế. Bởi lẽ, lâu nay, cho dù các DN như Vissan, Co.opmart đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm và cung ứng những sản phẩm an toàn, có chất lượng cũng vẫn chưa thuyết phục niềm tin tuyệt đối của khách hàng. Chỉ khi nào đề án “chạy” và khách hàng có thể truy cập trực tiếp trên điện thoại nguồn gốc miếng thịt mà họ sẽ mua, mới hoàn toàn yên tâm.
Một số ban quản lý chợ truyền thống cũng cho rằng việc thử nghiệm cách bán hàng mới đối với tiểu thương là điều không dễ dàng. Theo đó, trách nhiệm của ban quản lý cũng sẽ tăng lên nhưng bù lại, nếu làm tốt sẽ mang lại uy tín, thương hiệu cho chợ nói chung và từng tiểu thương nói riêng. Đây là con đường ngắn nhất để từng bước nâng cấp hoạt động kinh doanh tại chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng với tiến trình hội nhập.
Là đơn vị chủ công thực hiện, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho hay, cái khó của đề án là liên quan đến rất nhiều chủ thể tham gia vào quy trình như nhà quản lý, DN, người chăn nuôi, DN giết mổ, DN phân phối và cả người tiêu dùng. Trong mối liên kết đó, chỉ cần một công đoạn tham gia không tích cực, không kích hoạt thông tin sẽ bị thiếu. Do vậy, chúng tôi cũng dự báo có khả năng sự tham gia trong thời gian đầu sẽ không đồng bộ, nhưng phải triển khai thì mới biết điểm yếu ở đâu để khắc phục. Tuy nhiên, điều thuận lợi đó là khi chúng tôi tiến hành khảo sát để bắt tay xây dựng đề án đã nhận được sự đồng thuận, sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các chủ thể nêu trên. Nếu có sự đồng lòng, chắc chắn việc triển khai dự án sẽ đạt kết quả tốt.
Thịt heo sạch được phân phối tại hơn 400 điểm bán
Tính đến nay, chỉ sau hơn 2 tháng chuẩn bị, Ban quản lý đề án đã nhận được sự tham gia tích cực của 15 DN, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại, có khả năng cung cấp 100% lượng thịt tiêu thụ cho thị trường TPHCM, trong đó có nhiều đơn vị có thương hiệu và quy mô lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín như: Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Tập đoàn Masan, Công ty TNHH Anh Hoàng Thy, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty CP Nông nghiệp Velmar, Công ty TNHH TM-SX Trại Việt, Công ty CP Anova Farm... có các trang trại chăn nuôi, chủ yếu tại các tỉnh lân cận thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An...
Bên cạnh đó còn có 11 cơ sở giết mổ đã đăng ký tham gia đề án. Trong đó có 2 cơ sở trên địa bàn thành phố là An Hạ và Vissan với năng suất giết mổ từ 4.000 - 5.000 con/ngày, chiếm hơn 50% lượng heo tiêu thụ mỗi ngày trên địa bàn TPHCM; 3 cơ sở giết mổ tại Đồng Nai với năng suất giết mổ từ 800 - 1.000 con/ngày; 5 cơ sở giết mổ tại Long An với năng suất giết mổ từ 2.000 - 2.500 con/ngày, 1 cơ sở tại Bình Dương với năng suất giết mổ từ 200 - 300 con/ngày.
Đối với hệ thống phân phối truyền thống, hiện có 2 chợ đầu mối kinh doanh thịt heo là Bình Điền và Hóc Môn đã đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường thành phố. Trong đó, 100% thương nhân kinh doanh heo mảnh và pha lóc tại chợ Hóc Môn đã tích cực đăng ký tham gia. Loại hình chợ bán lẻ có 4 chợ triển khai thí điểm đợt đầu tiên là Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình. Đến nay, gần 100% tiểu thương kinh doanh thịt heo tại 4 chợ trên đã đăng ký tham dự. Trước yêu cầu của tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo, UBND quận 1 đã đề nghị Ban quản lý đề án chấp thuận triển khai đối với các chợ còn lại trên địa bàn là Tân Định và Đa Kao.
Ở kênh phân phối hiện đại, hiện có 5 hệ thống siêu thị với 59 siêu thị đăng ký tham gia. Cụ thể, hệ thống Co.opmart có 34 siêu thị tham gia; Satramart 2 siêu thị, Big C 8 siêu thị, Aeon 2 siêu thị và 13 siêu thị của hệ thống AeonCitimart. Ngoài các siêu thị còn có 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi với 96 cửa hàng Co.opfood, 88 cửa hàng Satrafood, 5 cửa hàng Sagrifood, 49 cửa hàng Vissan… tham gia phân phối thịt heo trong đề án.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, trước mắt nếu kiểm soát tốt nguồn heo đưa vào 2 đầu mối sỉ là Hóc Môn và Bình Điền thì việc kiểm tra nguồn thịt bán lẻ tại các chợ truyền thống sẽ dễ dàng hơn. Như vậy, tính chung các điểm bán của 5 hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, 4 chợ bán lẻ đã đăng ký thì thịt heo sạch trong giai đoạn chạy thử nghiệm sẽ được phân phối tại hơn 400 điểm bán.
Để đa dạng nguồn cung, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết thêm: “Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục cho các thương nhân, DN chăn nuôi và giết mổ, các trang trại chăn nuôi, chợ bán lẻ, siêu thị, cửa hàng đăng ký tham gia đề án. Trong đó, ưu tiên xét chọn những đối tượng có năng lực, kinh nghiệm, có thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực hoạt động, chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của đề án. Theo đó, các đối tượng thực hiện chăn nuôi, phân phối thịt heo đạt chuẩn VietGAP cũng sẽ được ưu tiên để chọn lựa trong đợt này”.
UYỂN CHI