Tối 25-1, Hội hoa xuân TPHCM đã chính thức khai mạc tại công viên Tao Đàn, TPHCM. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cùng đông đảo người dân TPHCM. Diễn ra từ nay đến hết ngày 5-2 (tức ngày mùng 6 Tết), hội hoa xuân năm nay thu hút hơn 6.000 hiện vật hoa cảnh từ nhiều tỉnh thành trong cả nước phục vụ người thưởng lãm.
Ngay khi vừa mở cửa phục vụ lúc 14 giờ, hàng ngàn người đã nô nức mua vé vào thưởng lãm hội hoa xuân lớn nhất TP về thâm niên lẫn quy mô này. Ngay cổng chào phía đường Nguyễn Thị Minh Khai là hình ảnh đôi tuấn mã đang phi nước đại kéo cỗ máy thời gian mang ý nghĩa đất nước sẽ vượt mọi khó khăn để tiến lên phía trước, vươn tới tầm cao mới. Mã đáo thành công - phía đường Trương Định cũng là hình ảnh một chú ngựa dũng mãnh đứng giữa vườn hoa khoe sắc. Cách đó không xa là 3 con ngựa khác được làm bằng hoa bất tử đang phi nước đại khá nổi bật.
Nhiều loại hoa lần đầu xuất hiện
Tiếp nối thành công của các năm trước, hơn 700 nghệ nhân từ TPHCM và các tỉnh, thành: Đắk Lắk, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Lạt… đưa về Hội hoa xuân lần thứ 34 hơn 6.000 hiện vật thuộc các bộ môn hoa, cá kiểng, cây khô mỹ thuật, đá cảnh, non bộ, tiểu cảnh, bon sai, xương rồng, cây có trái. Hội hoa xuân năm nay quy tụ 6.000 hiện vật quý hiếm từ khắp mọi miền đất nước và nước ngoài của hơn 700 nghệ nhân được trưng bày (thuộc các bộ môn: tiểu cảnh, bonsai, hoa lan, hoa sứ, hoa mai, hoa ôn đới, mâm quả, xương rồng, kiểng ghép, cây nội thất…). Độc đáo như bộ sưu tập kiểng không khí - loại kiểng trồng không cần đất, bộ sưu tập sứ của diễn đàn sucanhvietnam.com với nhiều loại sứ có hình nghệ thuật đẹp mắt (như gốc sứ có tạo hình tự nhiên hình dáng các con vật - voi, vịt, hang động…), bộ sưu tập các loại xương rồng đã nhiều năm mất giống, nay xuất hiện trở lại như xương rồng Monvillea (hay còn gọi gạc nai), Sanseveria (hay còn gọi là lưỡi cọp)...
Hội hoa xuân còn có hội thi cá Koi (một dòng cá chép Nhật Bản) do Ban giám khảo từ Nhật Bản sang, ngày hội thi chim hót, triển lãm các lồng chim đẹp - ấn tượng và sự xuất hiện của đôi chim nhồng biết đọc thơ lục bát đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hội sinh vật cảnh tỉnh Bình Phước cũng góp mặt với các tác phẩm bon sai, kiểng, hoa… lạ mắt, góp phần đa dạng hóa, phong phú các hiện vật trưng bày cho hội hoa xuân. Điểm mới ở Hội hoa xuân 2014 là sự kiện tổ chức hội thi chim hót, lồng chim đẹp. Khoảng 100 con chim chích chòe lửa, họa mi, chào mào, vành khuyên... sẽ cùng nhau tranh tài vào ngày 26 Tết.
Hội hoa xuân 2014 kéo dài đến mùng 6 Tết tại Công viên Tao Đàn với giá vé vào cổng là 20.000 đồng/người, trẻ em dưới 12 tuổi được miễn phí.
Tất bật hoàn thành đường hoa Nguyễn Huệ
Chiều 25-1, không khí thi công tại công trình đường hoa Nguyễn Huệ quận 1, TPHCM rất tất bật vì đang trong giai đoạn hoàn thiện để khai mạc vào tối 28-1, kéo dài đến ngày 3-2 (mùng 4 Tết). Hàng ngàn chậu hoa đã được bố trí theo ba phân đoạn chính từng chủ đề: Hội nhập và phát triển, hội tụ nghĩa tình và khát vọng. Đoạn đường Nguyễn Huệ từ vòng xoay Cây Liễu (giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi) đến giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng đã cấm xe ô tô lưu thông, dành toàn bộ phần đường này cho việc trang trí, sắp đặt đường hoa.
Với chủ đề “TPHCM - Thành phố tôi yêu”, đường hoa Nguyễn Huệ thể hiện tính cách đặc trưng của một TPHCM năng động, sáng tạo, hiện đại, nghĩa tình, có sức thu hút và lan tỏa, vì cả nước, cùng cả nước. Điểm nhấn trong trang trí đường hoa năm nay chính là hình ảnh 5 con ngựa đang tung vó kéo cỗ xe hoa đồng hồ. Hình ảnh đàn ngựa đang chạy đua vượt thời gian, như thông điệp cho chặng đường tiến lên phía trước cần nhiều nỗ lực để thành công.
Ngoài tiểu cảnh “Đất phương Nam” ấn tượng, nét mới của đường hoa năm nay là lời nhắc nhở biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến đời sống người dân khắp hành tinh. Đó là cụm cảnh cây khô cằn, sỏi đá như lời nhắc nhở mọi người hãy luôn giữ gìn môi trường để những cảnh sắc tươi đẹp không bị hủy hoại. Ngoài ra, còn có bộ nhạc cụ đờn ca tài tử Nam bộ trên nền khung hoa rực rỡ - niềm tự hào và cổ động cho môn nghệ thuật vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các phân đoạn và đại cảnh của đường hoa chuyển tải các thông điệp: thời gian trôi nhanh như ngựa phi nước đại, hãy tranh thủ tiến bộ khoa học kỹ thuật để vượt lên, phát triển ngang tầm khu vực; hãy chung tay gìn giữ hành tinh xanh trước nguy cơ biến đổi khí hậu; với nỗ lực của con người, đất khô cằn cũng sẽ nở hoa… Các hoạt động trong khuôn khổ đường hoa gồm: trưng bày nghệ thuật sắp đặt rau củ quả và tổ chức khu vực phục vụ chúc tết tại đường hoa. Bố trí một số điểm và 12 gian hàng phục vụ giải khát trên vỉa hè, trước các khách sạn, nhà hàng, thương xá Tax… trên trục đường Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Hồ Tùng Mậu) để phục vụ khách tham quan. Tổ chức phố đi bộ (trên đường Lê Lợi: đoạn từ bùng binh Cây Liễu đến đường Pasteur) với chương trình biểu diễn nghệ thuật vào đêm bế mạc đường hoa ngày 3-2 (mùng 4 Tết).
Ban tổ chức cũng lắp đặt 2 màn hình LED tại đường hoa Nguyễn Huệ để trình chiếu hình ảnh đường hoa qua 11 năm, quảng bá lễ hội tết tại TPHCM đồng thời trưng dụng các màn hình LED hiện hữu tại địa điểm 120-122 Lê Lợi (gần chợ Bến Thành), vách khách sạn Oscar, mặt tiền tòa nhà Vincom để tuyên truyền cổ động chính trị, những thành tựu kinh tế - xã hội của TP (từ ngày 27-1 đến 3-2).
| |
MINH AN - QUỐC HÙNG