Vào mùa bệnh hô hấp ở trẻ

Khuôn mặt bơ phờ sau nhiều đêm mất ngủ, chị Đông Phương đang đưa con đi khám tại BV Nhi đồng 2, than thở: “Cháu bị bệnh 5 ngày rồi. Cứ ho miết, mà mỗi lần như thế là co rút cả ngực. Đã cho uống thuốc nhưng mãi không hết”. Mới 10 tháng tuổi, con trai của chị Phương trông rất mệt mỏi, thở khò khè và luôn được mẹ lấy khăn chấm nước mũi. Một y tá tại khoa khám cho biết, trong những ngày qua, trẻ đến khám về bệnh hô hấp đông hơn hẳn những tuần trước.

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho gần 200 trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, chưa tính số trẻ được chỉ định điều trị nội trú tại nhà. Điều đáng ngại là số trẻ mắc bệnh nhiều nhất từ 1-3 tháng tuổi nên nguy cơ biến chứng rất cao.

Trong khi đó, dọc hành lang khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 TPHCM sáng qua, hàng chục trẻ nhỏ vạ vật vì không còn giường. Trong các phòng bệnh đều chật cứng với 2-3 cháu/giường. Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Thanh Nhàn, BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản đang ở mức cao.

Những ngày này, trên các diễn đàn chăm sóc trẻ thơ có rất nhiều bà mẹ tỏ ra lo ngại xung quanh việc chữa bệnh đường hô hấp cho trẻ nhỏ. Nhiều bà mẹ truyền miệng nhau về các biện pháp dân gian như cho uống nước ép quả tắc, vỏ chanh, hay nước ép rau húng, rau hẹ… Tuy nhiên, theo các chuyên gia đông y, những vị thuốc dân gian có tác dụng phần nào trong hỗ trợ điều trị nhưng đòi hỏi sử dụng kéo dài và đúng chỉ dẫn. Trong khi đó, thực tế khiến nhiều bà mẹ băn khoăn là đi khám tại bệnh viện hay các phòng mạch tư đều được kê đơn thuốc kháng sinh.

Chị N.T.N.H. đưa con đến khám tại bệnh viện quốc tế F. ở quận 7, cho biết bác sĩ ở đây kê đơn thuốc cho con gái 9 tháng tuổi của chị đều có kháng sinh là Acemuc 100mg và Ceclor 125mg. “Trước đó bệnh viện đã cho con tôi uống sirô Autussin loại chai 60ml nhưng không bớt, sau đó cho tiếp 2 loại thuốc có kháng sinh. Không biết trẻ nhỏ uống kháng sinh nhiều như thế, sau này có bị lờn thuốc không”, chị H. lo lắng. Cùng tâm trạng, nhiều bà mẹ khác quan ngại vì tình trạng lạm dụng kháng sinh hiện nay ở trẻ nhỏ. Một bác sĩ BV Nhi đồng 1 cho rằng, để chóng lành bệnh cho trẻ, thực tế một bộ phận bác sĩ vẫn thường kê đơn thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu liều lượng kháng sinh thích hợp vẫn không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe về sau cũng như khả năng lờn thuốc của trẻ.

BS Nguyễn Thị Út, Trưởng khoa Hô hấp dịch vụ BV Nhi đồng 2, cho biết hiện đã vào mùa dịch bệnh hô hấp. Trong đó nguyên nhân chính vẫn là sự biến đổi thất thường của thời tiết. BS Út khuyến cáo các bậc phụ huynh ủ ấm cho trẻ khi ra đường và không mở điều hòa quá thấp khi cho trẻ ngủ. Để phòng ngừa và chăm sóc trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, BS Nhàn đề nghị phụ huynh cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng; tiêm chủng đầy đủ cho trẻ; khi trẻ bệnh cần dùng thuốc theo toa của bác sĩ, không nên tự ý điều trị cho bé; cần nhận biết các dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa đến bệnh viện kịp thời

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục