Hơn 1 tháng nữa mới đến tết nhưng nhìn chung, đặc sản phục vụ tết truyền thống Việt Nam đã “phủ sóng” khắp các siêu thị, cửa hàng lớn, nhỏ trên địa bàn TPHCM với giá phù hợp túi tiền của đa số người dân.
“Nóng” với thị trường nội địa
Thời gian qua, bánh chưng Trần Gia thường xuyên xuất hiện trên quầy, kệ của không ít cửa hàng, siêu thị. Tuy có mặt quanh năm nhưng cận tết, lượng hàng tiêu thụ nhiều hơn ngày thường. Các công nhân tại xưởng bánh Trần Gia phải liên tục tăng ca. Cao điểm (khoảng ngày 19, 20 tháng 12 Âm lịch), lượng công nhân làm việc lên tới hàng trăm người, có khi chạm mốc con số 1.000 người.
Vừa trở về nhà sau chuyến kiểm tra nguồn nguyên liệu, ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (TP Biên Hòa, Đồng Nai) báo tin: “Năm nay, có thêm một số siêu thị mới khai trương. Lượng đơn hàng đặt bánh cũng nhiều hơn. Dự báo, giá bánh chưng năm nay tăng nhẹ, nhưng không đáng kể”.
Đến khu trại giống gà Đông Tảo khá rộng, nằm tại khu phố 2 (ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết khu trại của ông hiện nay chỉ còn toàn gà giống do số gà Đông Tảo thịt đã bán hết sạch ngay thời điểm lễ Noel, sau Tết Nguyên đán mới có trở lại.
“Người dân bây giờ sành ăn lắm. Gà Đông Tảo tại trại chúng tôi bán được quanh năm, số lượng khoảng 2.000 con/năm. Giá bán ổn định từ vài năm nay, ở mức 300.000 đồng/kg gà mái, 350.000 đồng/kg gà trống. Trung bình mỗi con gà nặng từ 3 - 4kg. Gà trống đắt hơn gà mái, vì bàn chân thô ráp, to bè, được các nhà hàng rất chuộng” - ông Vũ Ngọc Tuấn nói.
Không chỉ gà tiến vua Đông Tảo khan hàng, mặt hàng bưởi có hình dạng chiếc hồ lô độc đáo cũng được một số nhà vườn dự báo sẽ khó mua. Lý do, thời tiết vừa qua diễn biến thất thường, gây bất lợi cho bà con nông dân.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình (ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long năm nay cung cấp cho thị trường khoảng 5.300 cặp bưởi hồ lô. Riêng vườn ông Thành có khoảng 200 cặp bưởi, gồm bưởi thỏi vàng, Phúc Lộc Thọ, đào tiên, hồ lô...
“Thời tiết xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, số lượng trái cây. Số bưởi gia đình tôi bán ra tết này chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, giá tăng khoảng 10% - 15%, dao động từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/trái” - ông Võ Trung Thành nhận định.
Khách hàng chọn mua dưa hấu tại một siêu thị trên địa bàn TPHCM.
Ngập ngừng… xuất khẩu
Thông thường, thời điểm cận tết hàng năm, Công ty TNHH Hải Minh, sẽ xuất khoảng 10 container hàng sang Mỹ, New Zealand, châu Âu; bao gồm hơn 900 mặt hàng (mắm nêm, bánh tráng, trà, dưa món, mứt tết…) mang 4 thương hiệu như Cô gái Việt Nam, Đồng quê, Quê hương, Best. Thế nhưng, vừa qua công ty chỉ xuất 4 container, tương đương 60 tấn hàng, phục vụ kiều bào Việt Nam xa xứ, cư dân bản địa, cũng như người dân một số nước châu Á...
Giải thích sự sụt giảm này, ông Quách Hưng Tòng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Minh, cho biết năm nay kiều bào về quê đón tết rất đông, nên hàng hóa cung ứng cho thị trường nước ngoài chỉ khoảng 4 container là vừa đủ. Dù rằng, lượng hàng xuất khẩu bình quân mỗi tháng từ Công ty Hải Minh dao động từ 8 - 10 container.
Nói về số lượng bánh chưng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ dịp này, ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết đơn đặt hàng, chất lượng, bánh vẫn ổn định.
Đến hẹn lại lên, siêu thị BigC Việt Nam cũng có kế hoạch xuất khẩu các mặt hàng đặc sản Việt Nam sang các siêu thị thuộc Tập đoàn Casino đang có mặt tại một số quốc gia trên thế giới.
Một mùa xuân mới cận kề. Hương vị truyền thống tết Việt không thể thiếu trong mỗi gia đình. Đưa đặc sản tết Việt ra nước ngoài, đến tận tay người tiêu dùng với giá hợp lý, đồng nghĩa với việc giúp đồng bào xa quê tiếp tục gìn giữ, phát huy nét đẹp quê nhà, quảng bá hình ảnh quê hương đến với bạn bè quốc tế.
GIA HÂN