Một ngày sau khi nữ đô vật Lương Thị Quyên bị trọng tài Thái Lan ép thua trắng trợn ở trận đấu với đô vật chủ nhà Indonesia, đội tuyển vật cổ điển Việt Nam đã xuất sắc giành thêm 3 chiếc HCV nữa để có trong tay 8 chiếc HCV, vượt lên dẫn đầu đại hội lần này.
Hình như trong khó khăn, các đô vật lại biết cách vượt qua dễ dàng hơn. Tất cả đều rất cẩn trọng trước khi nhập cuộc, thận trọng trong cả những miếng đánh và tránh triệt để những sai sót. Một chút sơ sẩy thôi cũng có thể mất chiến thắng. Đấy là lý do mà trong 2 trận đấu với đô vật nước chủ nhà Indonesia, các đô vật Việt Nam đã rất tỉnh táo.
Tỉnh táo chưa đủ, đô vật Bùi Tuấn Anh còn gây cú sốc cực lớn khi đánh bại đô vật chủ nhà Ardiansyah Darmansyah ở trận chung kết hạng cân 66kg. Đấy là màn so đọ tuyệt hay của Tuấn Anh trước đô vật chủ nhà. Bị dẫn trước 1-0 ở hiệp 1, Tuấn Anh kịp san hòa tỷ số 1-1 ở hiệp sau đó bằng 1 đòn bốc chính xác. Sự khéo léo của Tuấn Anh ở hiệp đấu quyết định đã giúp anh đảo ngược tình hình với đòn đẩy đối thủ khỏi thảm đấu, vượt lên dẫn trước 2-1.
Mặc dù Darmansyah nỗ lực lao vào, nhưng Tuấn Anh vẫn trụ vững giữa thảm, buộc đối thủ phải ngậm ngùi chấp nhận nhường ngôi. Đây mới chỉ là lần thứ nhì, Tuấn Anh đoạt được HCV tại một kỳ SEA Games.
Chiến thắng của Tuấn Anh trở thành động lực thúc đẩy Cấn Tất Dự tự tin bước vào trận chung kết cùng đối thủ từng 2 lần vô địch SEA Games - Fahrian Syah (Indonesia). Ra đòn cực nhanh, khéo léo và phòng thủ rất tốt, Tất Dự không khó để vượt lên chiếm ưu thế 4-1 ngay trong hiệp đấu đầu tiên.
Tuy nhiên, ám ảnh từ trọng tài tiếp tục xuất hiện khi ở hiệp đấu sau đó, Dự bị trừ 1 điểm dù đã ra đòn giành 3 điểm hoàn hảo trước Syah. Mặc dù hơi căng thẳng, nhưng rốt cuộc Tất Dự vẫn bảo toàn được chiến thắng 4-2 chung cuộc, đoạt chiếc HCV đầy ngoạn mục.
Nhiều người đã choáng với đối thủ của Hà Văn Hiếu - đô vật Puriskacwkoed (Thái Lan) - ở hạng cân 120kg vì Hiếu thua đến 10kg. Nhưng bù lại, lối di chuyển tránh đòn, ghi điểm hiệu quả ở cuối mỗi hiệp đấu lại trở thành thứ vũ khí giúp Hiếu chiếm hoàn toàn thế chủ động để giành chiến thắng chung cuộc, lần thứ nhì đoạt HCV SEA Games.
LÊ QUANG
- Điền kinh: HLV Hồ Thị Từ Tâm: "Sẽ trọn vẹn nếu Thanh Hằng lấy chuẩn Olympic!"
Một ngày sau khi cô học trò cưng Trương Thanh Hằng để vuột mất chuẩn B dự Olympic London 2012, HLV Hồ Thị Từ Tâm bảo chị vẫn chưa hết tiếc nuối. HCV SEA Games đối với Thanh Hằng ở thời điểm đỉnh cao này là điều bình thường, nhưng cái đích cao hơn mà chị cùng Hằng hướng đến vẫn chưa thành…
°Tổ cự ly trung bình đã hoàn thành chỉ tiêu 3HCV, hơn thế, màn chuyển giao giữa Nguyễn Đình Cương và Dương Văn Thái ở nội dung nam rất hoàn hảo, nhưng hình như chị vẫn còn điều gì đó tiếc nuối?
- Thêm một lần, tôi phải nói lời cám ơn đối với Nguyễn Đình Cương. Sự hy sinh của Cương cho thành công của tổ trung bình là rất lớn và từ rất lâu rồi. Sở dĩ Thái đoạt được HCV cự ly 800m cũng nhờ Cương đã chạy chiến thuật quá xuất sắc, đánh lừa được mọi đối thủ dự thi cự ly này. Có thể không thành công ở SEA Games lần này, nhưng Đình Cương đóng vai trò rất quan trọng. Nếu Cương không chấn thương trước thềm SEA Games, cơ hội bảo vệ cả 2 chiếc HCV nam vẫn rất lớn. Tôi vui vì sự chuyển giao của Cương cho Thái diễn ra hoàn hảo, nhưng lại tiếc vì Thanh Hằng không đạt được chuẩn B dự Olympic London 2012.
°Có phải do Thanh Hằng chạy chưa tốt, hay vì một nguyên nhân nào khác?
- Hằng chạy tốt, đặc biệt tốt ở khoảng 600m của cự ly 800m. Nếu giữ được tốc độ như thế ở 200m cuối, Hằng thậm chí có thể vươn đến gần chuẩn A hơn. Nhưng ở đoạn cuối, Hằng không thể tung ra hết sức. Và lý do lớn nhất chính là không có đối thủ nào đủ sức để tạo ra sự cạnh tranh thực sự đối với Thanh Hằng. Tôi nóng ruột khi nhìn thấy Hằng cứ một mình chạy. Giá như có một đối thủ nào đó mạnh hơn để đeo bám, có lẽ Hằng đã thành công rồi. Đến giờ, trong lòng tôi vẫn còn tiếc nuối vì cơ hội cuối cùng trong năm đã vuột khỏi tay. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ đến vậy, thế mà…
°Thanh Hằng chưa thể đạt chuẩn Olympic vì không có đối thủ cạnh tranh ở SEA Games 26, vậy bà đánh giá ra sao về cơ hội của VĐV này trong thời gian tới?
- Sắp tới sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đã chuẩn bị rất hoàn hảo, từ sức bền, tốc độ đến tâm lý thi đấu cho Hằng trước thềm SEA Games. Thế nhưng, như anh biết đấy, lý do chính vẫn là Hằng không có đối thủ để tạo thành động lực đua tranh thực sự ở Indonesia. Đấy là điều bất khả kháng. Sau giải đấu này, tôi sẽ xây dựng kế hoạch để cùng Hằng bắt đầu lại chiến dịch săn chuẩn Olympic.
°Như thế có nghĩa, chỉ ít ngày sau SEA Games 26, tổ cự ly trung bình sẽ tập trung trở lại?
- Rất có thể như vậy, khi tôi trình bày kế hoạch lên Tổng cục TDTT. Tôi biết như thế là phải hy sinh nhiều đối với Thanh Hằng, nhưng chẳng còn cách nào khác. Tôi và Hằng phải làm lại trong thời gian sớm nhất. Thậm chí, tôi và Hằng có thể sẽ hy sinh cái Tết để bằng mọi giá đến được Olympic bằng cửa chính, chứ không chờ đợi được ưu tiên.
°Năm nay, Thanh Hằng 3 lần trượt suất chính thức. Điều đó có khiến bà lo ngại cho kế hoạch huấn luyện tới đây?
-Tôi không nghĩ vậy. Có nhiều yếu tố khiến kế hoạch của thầy trò chúng tôi không hoàn thành đúng dự kiến. Tuy nhiên, với năng lực của Hằng và nếu kiên định đến cùng, chúng tôi sẽ làm được. Bằng cách này hay cách khác, tôi sẽ liên hệ để tìm kiếm những giải đấu nằm trong hệ thống tính chuẩn Olympic cho Hằng tham dự. Nhưng điều quan trọng vẫn là thầy trò chúng tôi chuẩn bị ra sao mà thôi.
°Xin trở lại với chuyện của Nguyễn Đình Cương, đây có phải là kỳ SEA Games cuối của cậu ấy không thưa chị?
- Tôi cũng phân vân về chuyện này. Đình Cương đã chuẩn bị rất tốt cho kỳ đại hội cuối cùng cho đến khi gặp chấn thương khi chỉ cách ngày tranh tài không xa. Nhưng tôi vẫn đánh giá cao sự hy sinh của Cương cho thành công chung của tổ. Việc Cương xin rút khỏi ĐTQG tôi cũng có nghe, nhưng lúc này, tôi không thể nói gì hơn được. Nhưng sẽ rất khó khăn nếu Cương xin rút lui, vì tôi chưa thể tìm thêm được nhân tố mới để phối hợp chiến thuật với Dương Văn Thái.
°Dương Văn Thái còn rất trẻ và giàu triển vọng, nhưng cậu ấy có vẻ còn non kinh nghiệm thi đấu quốc tế thì phải…
- Đúng vậy. Ở đấu trường quốc tế, Thái còn non kinh nghiệm và nếu không có sự hỗ trợ của đồng đội, rất khó để thành công. Đâu phải chạy chỉ dùng sức, mà còn phải đấu trí với các đối thủ khác nữa. Anh thấy đấy, hiện tại Malaysia, Philippines và Indonesia đều có 1 cặp VĐV chạy ngang nhau, rất thuận lợi khi làm chiến thuật trên đường đua. Trong khi nếu Cương nghỉ hẳn ĐTQG, tôi chỉ còn lại mỗi mình Thái. Đấy là khó khăn và thách thức cực lớn trong giai đoạn chuẩn bị cho đại hội năm 2013.
THANH LÂM thực hiện