Vật liệu xây dựng không nung - Kiến trúc “xanh”, bền vững

Vì một môi trường “xanh”
Vật liệu xây dựng không nung - Kiến trúc “xanh”, bền vững

Xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) không nung đã có từ lâu trên thế giới, nhưng đối với Việt Nam xu hướng này còn khá mới mẻ. Các nhà sản xuất, người tiêu dùng từ lâu đã quen với loại gạch nung truyền thống, nên để thay đổi cách nhìn nhận về VLXD không nung cần phải có thời gian cho dù VLXD không nung đã được các nhà khoa học chứng minh tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Gạch không nung bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Cao Thăng

Vì một môi trường “xanh”

Theo chỉ thị 04/2013/CT-UBND TPHCM về tăng cường VLXD không nung trên địa bàn thành phố, thì các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30%; sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m³) trong tổng số VLXD. Trước đó, tháng 11-2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD về việc sử dụng VLXD không nung trong các công trình xây dựng. Cụ thể, công trình vốn nhà nước tại các đô thị loại 3 trở lên bắt buộc phải sử dụng 100% VLXD không nung từ ngày 15-1-2013, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung; sau năm 2015 tất cả phải sử dụng 100% VLXD không nung.

Rõ ràng, hàng loạt quy định nêu trên đang hướng dần tới việc thay thế các loại gạch nung thông thường bằng VLXD không nung, nhằm hướng tới một môi trường sống “xanh”, tiện lợi, an toàn. Ghi nhận, trên địa bàn TPHCM, hàng loạt khu chung cư, nhà cao tầng (từ trung tâm thành phố ra đến ngoại thành) đã và đang sử dụng VLXD không nung trong xây dựng, chúng ta có thể thấy được tầm nhìn tương lai “xanh” trong kiến trúc đô thị. Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2015, nước ta cần khoảng 32 tỷ viên gạch không nung, năm 2020 là 40 tỷ viên. Để sản xuất VLXD không nung, hàng năm, các nhà máy sản xuất cần sử dụng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp, chẳng hạn như tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao… điều này tiết kiệm được khoảng 1.000ha đất nông nghiệp, hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải.

VLXD không nung gồm có: gạch xi măng - cốt liệu, gạch nhẹ; VLXD không nung từ đất đồi, các loại phế phẩm công nghiệp… Qua phân tích của các nhà khoa học, về cơ bản, VLXD không nung góp phần thay thế dần các loại gạch nung truyền thống gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với sự phát triển chung của khu vực, trên thế giới. Điểm ưu việt của sản phẩm chính là có thể tận dụng các nguồn phế thải công nghiệp xây dựng, công nghiệp khai thác khoáng sản… chẳng khác nào một nhà máy tái chế chất thải. Hơn nữa, việc sản xuất các loại VLXD không nung hạn chế tối đa phát sinh ô nhiễm, các loại khí thải độc hại có nguy cơ gây hiệu ứng nhà kính… Bên cạnh đó, sản phẩm có tính chịu lực cao, cách nhiệt, cách âm tốt, đạt các chỉ số cơ học như cường độ nén, uốn, khả năng hút nước…

Cần được quan tâm nhiều hơn

Thông tin từ các doanh nghiệp chuyên sản xuất VLXD không nung trên địa bàn TPHCM cho biết, thị trường đang bước vào những tháng cuối năm, nhu cầu xây dựng nhiều, khiến gạch không nung “cung không đủ cầu”. Thậm chí, nhiều công trình xây dựng tại một số tỉnh giáp ranh TPHCM phải đặt hàng từ những cơ sở sản xuất khá xa, vận chuyển về để xây dựng khiến cho việc đội giá nguyên liệu là không tránh khỏi.

Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Hồng Anh, Giám đốc Công ty Phan Lâm Anh, một trong những đơn vị tiên phong sản xuất VLXD không nung tại quận Thủ Đức, TPHCM, hiện nay, gạch không nung chủ yếu cung cấp cho các công trình xây dựng lớn, còn đối với các hộ gia đình, người dân chưa quan tâm nhiều. Bởi thói quen sử dụng các loại gạch nung truyền thống đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Mặc dù ưu điểm của gạch không nung đã được các nhà khoa học chứng minh, thế giới đã đi tiên phong trong việc sản xuất, sử dụng vào các công trình của họ, nhưng ở Việt Nam, loại gạch này chỉ mới được quan tâm thời gian gần đây. Bản thân doanh nghiệp rất hăng hái với việc sản xuất, cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng, thân thiện môi trường, nhưng người dân lại thờ ơ, vì cho rằng sản phẩm không được đẹp, giá cao. Thực tế, do người mua chưa hiểu rõ, chứ nếu đã tìm hiểu kỹ, chắc chắn sẽ không có suy nghĩ này.

Hơn nữa, cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Anh, một số đơn vị sản xuất gạch không nung hiện đang gặp khó, liên quan tới trọng tải xe chuyên chở gạch, cũng như vướng ở tiêu chuẩn gạch (làm sao để sản phẩm đẹp mắt, xây không bị nứt, đạt chuẩn quốc tế…). Cụ thể, đối với một viên gạch không nung trọng lượng 16-17kg, giá sản phẩm ở mức 8.000 đồng/viên, bán tại lò. Thế nhưng, nếu vận chuyển tới nơi xây dựng theo đúng tải quy định, giá bị đội lên 13.000 đồng/viên. Trong khi mỗi viên gạch ra lò, doanh nghiệp chỉ lời chưa tới 1.000 đồng, nhưng vì bị áp tải trọng, khiến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Vấn đề ở chỗ, đặc thù của loại gạch không nung là to, nặng hơn so với gạch nung cùng loại, nên để kiếm chút lời, không ít doanh nghiệp phải xé rào, phạm luật. Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu thị trường, các nhà sản xuất VLXD không nung được khách hàng phản hồi về việc sau khi xây dựng gạch bị nứt, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, dù rằng trước đó, doanh nghiệp cũng đã tìm hiểu khá kỹ để cho ra lò các sản phẩm hợp chuẩn… Chính vì vậy, doanh nghiệp hy vọng nhà nước quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp gỡ rối một số gút mắc nêu trên.

Ông Trần Xuân Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới, trực thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho rằng, lợi ích lâu dài, bền vững của VLXD không nung đối với các công trình xây dựng đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để người dân hiểu hơn đối với tầm quan trọng của vật liệu này trong xây dựng, công tác thông tin, tuyên truyền là điều cực kỳ quan trọng. Song song đó là sự quan tâm hơn nữa của nhà nước trong việc khuyến khích, vận động người dân sử dụng gạch không nung, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất VLXD không nung có thể phát triển.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục