Cái bệnh vắt cạn kiệt tài nguyên trong ngành du lịch để thu lợi nhuận hình như giờ đây đang lan cả sang bóng đá. Mấy năm qua, hình ảnh bóng đá Việt Nam không có gì mới, nguồn thu cũng chẳng khả quan thêm chút nào, nhưng người ta vẫn chú tâm vào khai thác chứ không phát triển. Đâm ra, cũng như việc người ta đi vắt sữa bò, vắt một lúc rồi cũng hết.

Tham dự quá nhiều trận đấu trong năm:Từ cấp CLB, Olympic rồi đến đội tuyển quốc gia khiến một số tuyển thủ tỏ rõ sự mệt mỏi, quá tải. Ảnh: Quang Minh
Đội tuyển quốc gia từng là con bò sữa như thế. Có thời điểm, trong một năm bóng đá Việt Nam có đến 4-5 giải đấu giao hữu với sự có mặt của đội tuyển quốc gia (cả đội Olympic). Thoạt nghe thì mừng cho bóng đá Việt Nam, vì đội tuyển được dịp thi đấu cọ xát.
Riết rồi bỗng sinh ra chuyện, một giải đấu nhất thiết phải có đội tuyển quốc gia thì nhà tài trợ mới bỏ tiền tổ chức. Vì lẽ đó mà đôi khi thời điểm tổ chức giải chẳng ăn nhập gì đến quá trình chuẩn bị của đội tuyển, thậm chí có lúc còn ảnh hưởng đến điểm rơi phong độ. Đến khi đội tuyển bóng đá quốc gia không có thời gian tham dự các giải đấu đó, tự nhiên, nó cũng “chết” luôn.
Gần như các HLV nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam đều có chung nhận xét: không đâu tổ chức nhiều giải thi đấu cho đội tuyển như ở Việt Nam. Mỗi lần tổ chức, lại tập trung dài ngày, lại có yêu cầu thành tích để còn duy trì giải. Điều đó chẳng có chút lợi lộc nào về chuyên môn.
Vậy tại sao các quan chức ở VFF không thay đổi bằng cách lên kế hoạch thi đấu cho đội tuyển mỗi năm khoảng trên dưới chục trận giao hữu có hơn không. Làm cách ấy, dễ thu hút nhà tài trợ cho đội tuyển hơn, chứ không phải để tiền rơi vào túi các nhà tổ chức ở các giải đấu. Làm cách ấy, dễ có nhiều nhà tài trợ hơn cho đội tuyển, thay cho cách ăn đong từng bữa như hiện nay.
Cứ ai làm nhà tài trợ cho đội tuyển thì sẽ được hưởng quyền lợi trên tất cả các trận đấu ấy chứ không bị đơn vị tài trợ chính của các giải đấu làm... “mất mặt”.
***
Có nhiều cách để kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam và dùng tiền đó để tăng số lượng trận đấu cọ xát của đội tuyển, chứ không nhất thiết phải ở các giải đấu giao hữu, vốn rất “hồi hộp” chuyện khách mời. Nhưng ở Việt Nam, hình như người ta chỉ lo vắt sữa chứ chẳng lo gì đến con bò cả.
Đơn cử là ở V-League. Ba năm gần nay, V-League có 3 nhà tài trợ khác nhau lần lượt là Number One, Eurowindow và Petro Gas, nhưng nếu chú ý sẽ thấy ngoài việc xuất hiện hình ảnh trên các sân vận động qua vài bảng quảng cáo sơ sài, chẳng thấy nhà tài trợ tận dụng việc tài trợ V-League để làm gì thêm, và cũng chẳng thấy ai làm thêm gì cho nhà tài trợ.
Năm trước, Eurowindow “bắt bí” VFF về chuyện các tờ báo không đăng tin có thương hiệu của họ nên VFF... quay lưng làm “chảnh”. Năm nay, Petro Gas cũng chẳng thèm quan tâm đến điều đó. Thật lạ, người ta bỏ ra 12 tỷ đồng mà tưởng như bỏ vài chục ngàn đồng. Bỏ chừng ấy tiền thì được, bỏ thêm một chút để khuếch trương hình ảnh thì không. Hoặc là họ không mặn mà lắm với bóng đá, hoặc là chẳng ai chỉ cho họ điều đó?
Thực ra, trách nhiệm nằm ở phía VFF và công ty môi giới VFD. Cho dù nhà tài trợ không mặn mà với việc khuếch trương hình ảnh, cho dù nhà tài trợ không chịu chi tiền thêm, thì VFF cũng phải làm điều đó để gia tăng chất lượng hình ảnh của V-League để “mời chào” các nhà tài trợ trong tương lai.
V-League từng được xem là một con bò sữa, từng được các chuyên gia marketing định giá từ 15-20 tỷ đồng, nhưng sau 7 năm làm chuyên nghiệp, mỗi năm lại phải thay nhà tài trợ mới. Có năm còn “trắng tay” đến phân nửa mùa bóng như năm 2006. Dù V-League là con bò sữa ngon lành đi nữa, thì cũng có lúc phải hết sữa nếu không được chăm sóc kỹ.
***
Trở lại chuyện của đội tuyển quốc gia. Trong năm 2007 này, đội tuyển thi đấu rất tốt, có thành tích. Không khí bóng đá có vẻ sôi động trở lại, và đội tuyển lại trở thành một con bò sữa nhờ… bị vắt kiệt sức ra mà đá cho hoành tráng trên nhiều mặt trận. Khốn thay, thành công suốt một năm 2007 có thể chẳng là gì nếu như chúng ta không thành công tại SEA Games 24 vào đầu tháng tới. Mà cứ xem sự mệt mỏi của các cầu thủ tại Agribank Cup vừa rồi cũng có thể thấy lo ngại ấy hoàn toàn không phải vô cớ, nhất là khi đội tuyển Việt Nam nổi tiếng “thử kêu, đốt tịt”.
Lúc ấy thì làm gì còn có sữa để mà vắt!
Hồ Việt