Vật vã với nắng nóng cực đoan

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây, các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, với nền nhiệt độ phổ biến 37-39°C. 

Đặc biệt tại Hà Nội ở những khu vực nhiều chung cư cao tầng, ít cây xanh, nhiệt độ trong nhà lên tới 39-40°C, còn ngoài trời trên 45°C.

Nắng nóng gay gắt, cực đoan kéo dài đang ảnh hưởng nhiều tới đời sống và sức khỏe của người dân, nhất là với người già, trẻ nhỏ và những người phải làm việc ngoài trời. Thời tiết nóng cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, vài ngày gần đây, trung bình bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân tới khám, tăng hơn 30% so với ngày thường. Bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh như: bệnh sốt virus, viêm phổi, tiêu chảy, tai biến não... trong đó nhiều nhất là trẻ nhỏ với trung bình 500 cháu/ngày.

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho nhiều người bị sốc nhiệt và đột qụy. Theo các bác sĩ, với những người có bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính, suy thận… thì thời tiết nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi gia tăng tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ, nhồi máu não rất nguy hiểm tới tính mạng nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Do vậy, người dân hạn chế ra đường vào những ngày nắng nóng, nhất là khi môi trường nhiệt độ thay đổi đột ngột.

Bác sĩ Nguyễn An Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với biểu hiện như: mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói thì phải khẩn trương sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới khu vực có bóng mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân. Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, sau đó gọi xe cấp cứu đưa người bệnh tới bệnh viện. Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân vì không có giá trị khi bị sốc nhiệt.

Thời tiết nóng gay gắt không chỉ ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, sức khỏe người dân mà còn khiến nhiều dịch bệnh bùng phát bất thường.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, qua giám sát véc tơ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng tăng cao tại nhiều nơi, kéo theo số người mắc SXH đang gia tăng. Đến nay, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 600 người mắc SXH, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lo hơn, dù giữa mùa hè nóng bức nhưng số người mắc sởi vẫn ở mức rất cao. Đến nay, Hà Nội có trên 1.481 trường hợp mắc sởi, trong khi dịch sởi chủ yếu bùng phát vào mùa đông xuân.

Cùng với đó, tại nhiều bệnh viện như: Nhi Trung ương, Bạch Mai, Xanh Pôn cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm vào mùa hè, chủ yếu là cúm A/H1N1 và cúm B/H3N2. Một số chuyên gia dịch tễ cho biết, việc xuất hiện nhiều ca bệnh cúm trong mùa hè, có thể do biến đổi khí hậu làm thay đổi dịch tễ học của virus cúm.

Tin cùng chuyên mục