Vay môi trường, trả bao nhiêu thì đủ?

Những con sông chờ chết
Vay môi trường, trả bao nhiêu thì đủ?

Hơn 30 năm phát triển kinh tế thì cũng chừng đó thời gian chúng ta “vay nợ” môi trường sống. Cho đến nay, khả năng “cho vay” của môi trường đã gần cạn kiệt. Đã đến lúc kinh tế buộc phải trả nợ phần vốn mình vay cho môi trường. Một câu hỏi được đặt ra là kinh tế phải trả bao nhiêu cho môi trường thì mới đủ?

Tại kênh Ba Bò, dòng nước vẫn đen và nổi bọt trắng. Ảnh: THANH TÂM

Tại kênh Ba Bò, dòng nước vẫn đen và nổi bọt trắng. Ảnh: THANH TÂM

Những con sông chờ chết

PGS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho biết, hiện khả năng chịu tải chất thải ô nhiễm môi trường tại hệ thống lưu vực sông Đồng Nai đã vượt ngưỡng cho phép. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sông không thể tự làm sạch nếu như tình trạng chất thải ô nhiễm vẫn cứ tiếp tục tuồn thẳng ra sông. Dự báo từ nay đến năm 2020, nếu chất thải ô nhiễm không những không giảm mà còn tăng hơn thì nguy cơ sông Đồng Nai trở thành sông chết là chắc chắn. Và lúc đó, hàng ngàn tỷ đồng bỏ ra chưa chắc làm sạch được nước sông này. Do vậy, theo ông Sỹ, để chủ động bảo vệ và phát triển bền vững con sông này, ngay từ bây giờ Chính phủ cần đầu tư khoảng 751 tỷ đồng để quy hoạch bảo vệ sông Đồng Nai.

Điều đáng nói, số tiền cần chi để bảo vệ sông Đồng Nai trên chỉ là con số rất nhỏ trong hàng ngàn tỷ đồng đang phải chi cho các dự án cải thiện chất lượng môi trường. GS Lâm Minh Triết, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, chất lượng sông Sài Gòn trong những năm qua liên tục suy giảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt. Một nghiên cứu mới đây do viện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đã chỉ ra, để cải thiện và bảo vệ nước sông Sài Gòn ước tính cần đến hơn 1.700 tỷ đồng. Không dừng lại đó, theo TS Trần Hồng Thái, Viện Khoa học Kỹ thuật tư vấn và Môi trường, số tiền dành cho quy hoạch lại bảo vệ hệ thống lưu vực sông Nhuệ Đáy còn cao hơn rất nhiều lần, khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, đây chỉ mới là số tiền mà nhà nước cần chi cho các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng. Còn tại các tỉnh thành, trung bình mỗi năm ngân sách phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường như cải tạo kênh rạch, xử lý nước thải đô thị, xử lý chất thải rắn… Đơn cử như tại TPHCM để cải tạo kênh Ba Bò, ngân sách thành phố bỏ ra hơn 700 tỷ đồng; chi trả cho các đơn vị xử lý chất thải rắn đô thị 4 USD - 18 USD/tấn rác sinh hoạt. Trong đó, trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận khoảng 6.500 tấn rác đô thị… Chỉ với những thống kê hết sức đơn giản trên đủ để thấy số tiền khổng lồ mà nhà nước đang phải chi trả cho môi trường. Điều đáng nói, việc trả nợ cho môi trường liệu đã dừng lại ở những con số trên?

Đâu là điểm dừng

Theo Phùng Chí Sỹ, 751 tỷ đồng để quy hoạch bảo vệ sông Đồng Nai sẽ được chi cho 5 nhóm dự án cụ thể như phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; cải thiện môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường và cuối cùng là tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp quản lý môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là làm thế nào để không tiếp tục vay môi trường cho phát triển kinh tế. Trong trường hợp 5 nhóm dự án trên được thực thi nhưng hiệu quả không được duy trì lâu dài hoặc xuyên suốt thì số tiền phải trả cho môi trường cũng trôi theo sông.

GS Lâm Minh Triết nhấn mạnh, muốn không tiếp tục trả tiền cho môi trường nhất thiết phải hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như sự mạnh tay của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp cố tình tái vi phạm. Các cơ quan chức năng liên quan không cấp phép đầu tư cho những doanh nghiệp hoặc khu công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt phải áp dụng khả thi hình thức phạt bổ sung, buộc chủ thể gây ô nhiễm khắc phục hành vi vi phạm của mình. Cao hơn nữa, phải buộc các doanh nghiệp tự giác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững…

Trên thực tế, đây chính là điểm bức xúc chung của nhiều tỉnh thành nhiều năm qua nhưng cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Có những nguyên nhân khách quan nhưng cũng không ít nguyên nhân chủ quan. Đơn cử, hiện Luật Bảo vệ môi trường cho phép khởi tố hình sự doanh nghiệp cố tình tái vi phạm môi trường hoặc buộc ngưng hoạt động công đoạn phát sinh ô nhiễm. Giải pháp này giúp xử lý triệt để nguồn thải ô nhiễm phát sinh ra môi trường. Thế nhưng, đáng tiếc là các cơ quan chức năng vẫn đang rất lúng túng chưa thực hiện được những quy định này. Các tỉnh thành có quyền rút giấy phép đầu tư nhưng vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là sợ thất thu ngân sách nên cũng chưa quyết liệt trong vấn đề xử lý.

Có thể nói, nếu vay môi trường một để phát triển kinh tế, chúng ta phải trả lại gấp trăm ngàn lần. Đó là chưa kể những tổn hại về sức khỏe của cộng đồng kéo dài qua nhiều thế hệ. Đã đến lúc phải tính đến GDP xanh và nhất thiết phải đặt môi trường lên trên phát triển kinh tế. Có như vậy mới mong đạt được nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục