Vay tiền ngân hàng qua… trung gian

Tại tuyến dân cư vượt lũ xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang), việc Ngân hàng Chính sách huyện nhận hồ sơ và giải ngân vay vốn xây nhà phải thông qua một doanh nghiệp xây dựng ở địa phương đang để lại nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân.
Vay tiền ngân hàng qua… trung gian

Tại tuyến dân cư vượt lũ xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang), việc Ngân hàng Chính sách huyện nhận hồ sơ và giải ngân vay vốn xây nhà phải thông qua một doanh nghiệp xây dựng ở địa phương đang để lại nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân.

Theo nhiều hộ dân phản ánh, cách giải ngân vốn vay đến tay người dân tại đây đang khiến họ phải chịu thiệt thòi. Trước đây, UBND xã Khánh An kết hợp với DNTN Mỹ Kiều (do ông Trương Thanh Phong làm giám đốc) để làm thủ tục vay vốn cho người dân. Khi hồ sơ được duyệt, Ngân hành Chính sách huyện An Phú sẽ chuyển tiền vay cho doanh nghiệp này. Sau đó, ông Phong thuê lại các tổ, đội thi công nhà cho người dân để trừ số tiền vay của từng hộ. Nếu hộ nào tự xây, ông Phong sẽ trả lại khoản vay, nhưng giữ lại từ 500.000 đến 1 triệu đồng gọi là tiền “giấy mực”. Bà Phùng Thị Sạng, 69 tuổi (ngụ ấp An Hòa, xã Khánh An), bức xúc: “Hồi đó, do có nhu cầu cất nhà nên tôi làm thủ tục vay 9 triệu đồng, nhưng gần 1 năm sau vẫn chưa thấy thông báo nhận tiền. Nóng lòng, tui đến tận ngân hàng hỏi thì mới biết tiền đã được chuyển cho ông Phong. Tìm ông Phong đòi nhiều lần mới được đưa cho 8 triệu đồng, còn 1 triệu đồng, ông ấy nói trừ tiền công lao đi lại làm thủ tục”.

Ông Lê Văn Phích phản ánh chuyện bị doanh nghiệp Mỹ Kiều ém tiền vay khiến ông mang nợ ngân hàng

Còn hộ ông Nguyễn Văn Hiếu (38 tuổi, ngụ ấp An Hòa) kể: “Tôi cũng làm thủ tục vay 9 triệu đồng để xây nhà, nhưng chờ lâu quá không thấy tiền. Hỏi ra mới biết ông Phong đã nhận số tiền trên đem dùng vào việc khác. Vất vả đi đòi mới được ông ấy đưa 8,5 triệu đồng và nói giữ lại 500.000 đồng để… đóng thuế gì đó? Ở xã này hầu như người nào cũng bị vậy hết”.

Hộ ông Lê Văn Phích (85 tuổi, ngụ ấp An Hòa) cũng làm thủ tục vay 9 triệu đồng xây nhà. Sau đó đổi ý không vay nữa vì nhận thấy không có khả năng trả nợ nhưng sau đó vẫn bị ngân hàng ghi nợ. Gia đình ông đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu xem xét. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được xóa nợ. Ông Phích trình bày: “Vì số tiền đó đối với gia đình nghèo như tôi là quá lớn nên không dám vay. Vậy mà 7 năm qua gia đình tôi bỗng nhiên bị mang nợ. Để chắc ăn, tôi xuống Ngân hàng Chính sách huyện hỏi lại thì rõ ràng tên tôi nằm trong danh sách thiếu nợ”. Ông Lê Kiến Tường (nguyên trưởng ấp An Hòa, người trực tiếp làm thủ tục vay cho nhiều hộ dân) nói: “Các khoản tiền vay làm nhà thì ngân hàng không đưa trực tiếp cho dân mà chuyển cho doanh nghiệp Mỹ Kiều, ai muốn nhận tiền thì đến doanh nghiệp này nhận”.

Nói về vấn đề này, ông Trương Thanh Phong, Giám đốc DNTN Mỹ Kiều, cho biết: “UBND xã Khánh An có phối hợp với doanh nghiệp của tôi để làm thủ tục cho hơn 200 hộ dân vay vốn xây nhà tại tuyến dân cư vượt lũ của xã. Số tiền giải ngân được chuyển vào tài khoản của DNTN Mỹ Kiều để tôi xây nhà cho dân. Cũng có một số hộ dân bày tỏ nguyện vọng được tự xây nhà nên tôi đã chi trả lại. Chuyện người dân phản ánh không nhận đủ tiền là do họ đồng ý chi phí cho tôi tiền xăng, đi lại giao dịch… chứ không có chuyện bị cắt xén. Trường hợp của ông Phích chắc có lẽ do thiếu sót. Số tiền của ông Phích chúng tôi… đang giữ. Sắp tới sẽ kết hợp với UBND xã đến nhà ông Phích làm việc lại. Nếu ông ấy còn nhu cầu vay thì tôi đưa tiền vốn lẫn lãi phát sinh trong 7 năm qua, còn không vay nữa tôi đem trả lại ngân hàng”.

Theo bà Trần Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An: “Chúng tôi có nghe phản ánh của người dân về sự việc trên. Tới đây, UBND xã sẽ xem xét giải quyết cụ thể”

HẠNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục