Về Bạc Liêu nhớ bác Sáu Lầu

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (13-8-1976 - 13-8-2016), chúng tôi đến thắp nhang trước anh linh người nhạc sĩ tài hoa của đất Bạc Liêu trong Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ rộng lớn, khang trang với niềm tiếc thương và ngưỡng mộ sâu sắc.
Về Bạc Liêu nhớ bác Sáu Lầu

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (13-8-1976 - 13-8-2016), chúng tôi đến thắp nhang trước anh linh người nhạc sĩ tài hoa của đất Bạc Liêu trong Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ rộng lớn, khang trang với niềm tiếc thương và ngưỡng mộ sâu sắc.

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu

Lần trước về đây đúng vào dịp Bạc Liêu tổ chức sự kiện văn hóa Festival đờn ca tài tử cấp quốc gia, trong đó có việc khánh thành Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, chúng tôi vẫn nhớ mãi lời nói đầy tự hào của Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng: “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa…”. Lời khẳng định đã minh chứng sức sống mãnh liệt của sự tôn vinh, giữ gìn, phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Bạc Liêu; trong đó nghệ thuật đờn ca tài tử do bác Sáu Lầu khởi xướng đang phát huy mạnh mẽ và ngày càng lan tỏa.

Ông Lê Minh Phụng, nhạc sĩ đờn tranh ngụ tại TP Cần Thơ, bày tỏ: “Bác Sáu Lầu là người nhạc sĩ tài hoa hiếm hoi của Việt Nam, chúng tôi luôn ngưỡng mộ và tôn vinh bác và nguyện góp phần gìn giữ, phát huy hơn nữa bộ môn nghệ thuật này, xứng đáng là lớp hậu duệ của bác”.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh năm 1890 tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An, sau đó theo cha mẹ đến mưu sinh ở Bạc Liêu, Hậu Giang rồi lại quay về Bạc Liêu. Tại đây, ông vào ở chùa Vĩnh Phước An để học chữ Nho. Lúc bấy giờ tại xóm Rạch Ông Bổn có một thầy đàn nổi tiếng tên Lê Tài Khị (còn gọi Hai Khị hay Nhạc Khị). Ông thầy này bị mù cả hai mắt, thêm có tật ở chân nhưng ngón đàn của ông rất điêu luyện. Năm 1908, Cao Văn Lầu nhờ cha dẫn đến thầy Hai Khị xin học đàn mỗi đêm. Nhờ yêu thích và siêng năng, ông mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ và không lâu sau trở thành nhạc sĩ nòng cốt trong ban cổ nhạc của thầy. Năm 23 tuổi, Cao Văn Lầu cưới vợ là Trần Thị Tấn, một cô gái nết na ở điền Tư Ô. Vợ ông đã 3 năm mà vẫn chưa có dấu hiệu thai nghén; theo tục xưa, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột. Thời gian đó, mỗi đêm người ta lại thấy ông Sáu Lầu ngồi ôm đờn thẫn thờ và bản Dạ cổ hoài lang ra đời. Sau đó ông sáng tác hàng loạt bản đờn ca tài tử, mở đường cho nền nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương hiện nay. Ông mất ngày 13-8-1976 tại TPHCM, thọ 86 tuổi.

Để tôn vinh công lao của người nhạc sĩ tài hoa, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Khu lưu niệm ông tại trung tâm thành phố và được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1997. Năm 2008, di tích được tu bổ một số hạng mục như cổng Tam quan, nhà che khu mộ, nhà trưng bày, sân khấu ngoài trời, nhà đón khách... Ngày 29-10-2013, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mở rộng Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2014 với tổng mức đầu tư gần 72 tỷ đồng. Dự án có diện tích xây dựng 12.500m2 với nhiều hạng mục được xây mới; trong đó có nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà trưng bày đờn ca tài tử cải lương, sân khấu biểu diễn loại hình đờn ca tài tử, biểu tượng đàn kìm, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu, vườn tượng các loại nhạc cụ dân tộc… Đặc biệt, trong khuôn viên công trình, xung quanh vòng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ như 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn. Đến đây mọi người được giới thiệu về văn hóa Bạc Liêu, về tình người, tình đất phương Nam, được thưởng thức bản Dạ cổ hoài lang và mơ màng tưởng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu, người con của xứ sở Bạc Liêu.

PHAN THỊ ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục