Về đâu những điều hoài cổ

Giữa đô thị hiện đại và nhộn nhịp nhất nhì cả nước, những con đường mua sắm từ bình dân đến cao cấp đều có đủ, nhưng đâu đó vẫn có người sửa quần áo, sửa giày, sửa túi xách... 
Một người thợ khắc con dấu mỹ nghệ ở TPHCM. (Ảnh chụp ở thời điểm dịch chưa bùng phát). ẢNH: KHANH TRỊNH
Một người thợ khắc con dấu mỹ nghệ ở TPHCM. (Ảnh chụp ở thời điểm dịch chưa bùng phát). ẢNH: KHANH TRỊNH

Rạp phim, sân khấu không thiếu suất diễn, nhưng ngoài đường vẫn có một ông Bảy (ngụ quận Phú Nhuận) miệt mài vẽ rồi bán mớ mặt nạ sắm tuồng như thể một người vẽ mặt thế gian. Khu vui chơi ngày càng tích hợp nhiều công nghệ nghe nhìn, nhưng một góc nhà sách Nguyễn Huệ (quận 1) vẫn có bác Hạnh (ngụ Bình Thạnh) tỉ mẩn làm những con chuột giấy; hay ở một góc đường lại có chú Minh bán những con cào cào, con công, lồng đèn… độc đáo thắt bằng lá dừa. 

Chẳng thể lý giải nổi vì sao, công việc sửa quần áo, giày dép hay làm mặt nạ, đồ chơi mang chút hoài cổ vẫn có sức hút giữa lòng đô thị, có giá trị nhất định giữa bộn bề đổi thay của nhịp sống. Có lẽ trong những cái mới, cái hiện đại người ta thích tìm về chút xưa cũ để hoài niệm hoặc đơn giản chỉ vì nó dung dị và dễ gần.

Người ta có lý khi nói cuộc sống đổi thay rồi thì nhớ nhiều làm gì những điều đã cũ; ý kiến còn lại cũng không sai khi nâng niu những điều hoài cổ. Có những giá trị từ hồi xa lắc nhưng vẫn nguyên giá trị mãi đến giờ, bởi đó là những nền tảng giá trị tốt đẹp. Là một chiếc mặt nạ hát bội bán rong trên phố, là món đồ chơi thủ công làm bằng tay… để nhắc người ta rằng, xứ sở mình vẫn có những bộ môn nghệ thuật truyền thống hàng trăm năm tuổi; vẫn còn có những món đồ chơi lành mạnh, không độc hại cho trẻ con. Những điều đó như một phần hồn cốt của đô thị nơi này, nơi cái mới cái cũ vẫn đan xen, bằng một sự dung hòa dễ chịu.

Những con người thật lạ đó, dẫu biết bán bữa ế nhiều hơn bữa đắt, có khi dạo xe mấy bận qua các con đường trong thành phố cũng chẳng ai mua… nhưng hỏi ra thì ai cũng quyết bán tới chừng nào đi không nổi mới thôi. Có lẽ những điều đó với họ đã là một cái gì đó quen thuộc, cuốn hút mà cả đời này họ cũng chỉ tận tâm với một mình nó.

Khi thành phố phải giãn cách kéo dài để chống dịch, phố xá chỉ còn lại sự thênh thang, vỉa hè rộn ràng chỉ còn là nỗi nhớ. Các con đường vắng lặng, hàng quán đóng cửa và những công việc mưu sinh trên vỉa hè như chú Bảy bán mặt nạ, chú Minh, bác Hạnh bán đồ chơi đã nghỉ từ rất lâu và cũng còn rất lâu nữa họ mới có thể trở lại. Khi mọi thứ qua đi, nhịp sống vỉa hè vốn nhỏ nhoi và mong manh đó không biết còn giữ được bao nhiêu ký ức.

Tin cùng chuyên mục