Người Hà Nội chơi cá cảnh từ bao giờ chẳng ai biết cả. Vào thập kỷ 50 thế kỷ trước bước chân vào mấy nhà gia thế ở phố thường thấy người ta chơi cá cảnh theo cách bây giờ đã khó hình dung.
Những nhà ống trong khu phố cổ luôn thiết kế khu vực giếng trời ở vào khoảng giữa chiều sâu căn nhà. Đó là nơi bày những chậu địa lan trần mộng, thanh lan, mặc lan đặt trên đôn sứ vẽ xanh chàm. Vài giò phong lan ốp vào những khúc gỗ mục sần sùi treo trên tường hoặc dây thép căng ngang. Không thể thiếu chiếc bể đá với hòn non bộ tiểu cảnh trồng cây sanh lá nhỏ rườm rà, nước lưng chừng in bóng núi. Người ta thả những con cá nhỏ khổng tước, mún đỏ loáng thoáng bảy màu trong làn nước sẫm.
Những nhà khá giả hơn trong phòng khách thường sắm vài chiếc thống bằng sứ Trung Quốc để nuôi cá vàng, chọn những giống cá vàng mắt lồi vảy bạc hoặc cá vàng sư tử rất quý mang về nuôi. Lại thả thêm những viên đá màu trong veo dưới đáy nước phát sáng lấp ló trong chùm rong đuôi chó lả lướt như mây xanh. Vào thời ấy chơi cá cảnh như thế đã là tột bậc quí phái. Nhưng những lối chơi này vẫn chỉ được ngắm nhìn con cá từ trên xuống nên không thể chọn những loại cá bơi sâu dưới mặt nước. Phải đợi đến thập kỷ 60 khi mà công nghệ làm bể kính phát triển lên mới có cách chơi khác.
Chiếc bể kính nuôi cá cảnh trong gia đình Hà Nội lúc ấy có thể ví như một tài sản kha khá. Nó được cầu kỳ làm bằng thép góc (corner) hàn thành hình hộp chữ nhật, cắt kính 5mm lắp vào bốn mặt và đáy, dùng xi măng trát kín góc cho khỏi rò rỉ. Công nghệ trát xi măng bể kính chỉ vài ông thợ Hà Nội có bí quyết mới làm được. Người thường làm sẽ bị nứt và rỉ nước. Bể kính làm ra còn phải ngâm nước thử hàng tuần lễ mới có thể nuôi được cá . Dụng cụ kèm theo còn có chiếc săm ô tô cỡ nhỏ bơm căng để phun bọt, bóng đèn điện 40W để sưởi cho cá trong mùa đông.
Tất cả những ngôi chợ trong thành phố đều có khu vực bán cá và cây cảnh. Chợ Đồng Xuân là khoảng nối giữa hai chợ Đồng Xuân-Bắc Qua. Chợ Hàng Da có dãy hàng cá cảnh nằm về phía Ngõ Trạm-Hà Trung. Chợ Hôm có hàng cá cảnh nằm bên cổng Phố Huế. Chợ Mơ có dãy hàng cây cảnh, cá cảnh kéo dài phía mặt phố Bạch Mai. Hàng cá cảnh thường bán kèm theo mồi thủy trần, giun đỏ cho cá ăn. Bán các loại rong trang trí trong bể và vài chục loài cá cảnh đã được thuần dưỡng nhiều thế hệ.
Những loài cá đắt tiền không nhiều lắm. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ thần tiên, mã giáp, sê can, hồng tử kỳ. Bể cá nhà ai mà có cả bốn loài này có thể gọi là tương đối xa xỉ. Một đôi sê can đẹp mã có giá trị bằng nửa chiếc xe đạp Thống Nhất. Lúc này tuyệt đối không có cá cảnh nhập khẩu. Tất cả hoàn toàn phải trông vào tay nghề chăm sóc nhân giống của mấy gia đình trên Yên Phụ. Vài người trở nên giàu có. Cũng có nhà phá sản vì đầu tư vào cá quý không thành công.
Cá cảnh có lẽ là một trong những thú chơi rất hợp với tính cách người Hà Nội. Nhẹ nhàng lịch lãm sang trọng và hơn hết người ta thưởng thức nó trong im lặng tuyệt đối. Khách khứa đến chơi nhà có khi ngồi lặng hàng giờ bên chén trà nguội và bể cá cảnh của gia chủ kê ngay cạnh bàn nước. Chuyện trò nhỏ nhẹ gần như chỉ có bạn mình nghe thấy. Họ ngắm nhìn cái thướt tha đĩnh đạc của những con thần tiên đen trắng. Cái rực rỡ tinh tế của con mã giáp uốn mình bên bạn tình. Cái bắng nhắng của bầy cá ngựa vằn dọc ngang gấp gáp. Màu đỏ chu sa của con cá kiếm đuôi dài nhọn hoắt. Màu đen như nhung của con hắc mô ni. Óng ánh như mây chiều bảy sắc của bầy khổng tước. Ngộ nghĩnh náo nhiệt của những con hắc quần. Cả người lớn và trẻ con đều bị cuốn hút vào trò chơi này. Cứ im lặng như thế mà vượt qua được cả một thời đạn bom và đói khổ bao cấp.
Giờ thì chơi cá cảnh đã phổ cập với rất nhiều gia đình Hà Nội. Thú chơi này cũng được nâng cấp lên bằng rất nhiều công nghệ lọc nước tuần hoàn, chiếu sáng, sục khí, sưởi ấm tự động và bể kính dán góc hoặc đúc liền. Lại có cả thuốc men và thức ăn chuyên dụng cho từng loài cá. Cá cảnh được nhập khẩu từ châu Mỹ, châu Âu, Đài Loan, Thái Lan… về bạt ngàn trên chợ. Thành phố càng trở nên ồn ào đông đúc thì thú chơi lặng im này càng phát triển. Những phút giây tĩnh lặng đã là nhu cầu của rất nhiều thị dân. Không những thế, ta còn có thể cảm nhận được hồn cốt bình yên chậm rãi của một thời Hà Nội chưa xa lắm.
Hà Nội lạ thế. Người ta có thể mang hàng trăm lồng chim khuyên sáng sáng ra hồ Thiền Quang cho thi hót loạn xạ như mưa rào. Nhưng cũng chính họ lại tìm về vẻ đẹp lặng im trong căn nhà của mình với bể cá cảnh!
ĐỖ PHẤN