Về đồ án quy hoạch thủ đô Hà Nội: Chưa rõ diện mạo mới

Đồ án Quy hoạch chung cho thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vẫn lúng túng trong việc lựa chọn khu trung tâm hành chính quốc gia, phương án thực hiện thiếu khả thi - đó là nhận định của nhiều nhà khoa học tại buổi hội thảo, góp ý bản đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội do Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam tổ chức cuối tháng 4 vừa rồi.
Về đồ án quy hoạch thủ đô Hà Nội: Chưa rõ diện mạo mới

Đồ án Quy hoạch chung cho thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vẫn lúng túng trong việc lựa chọn khu trung tâm hành chính quốc gia, phương án thực hiện thiếu khả thi - đó là nhận định của nhiều nhà khoa học tại buổi hội thảo, góp ý bản đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội do Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam tổ chức cuối tháng 4 vừa rồi.

Lên Ba Vì?

Trong bản đồ án Quy hoạch chung cho thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 do Liên danh Perkins Eastman (Hoa Kỳ) và Posco EC & Jina (Hàn Quốc) thực hiện, trung tâm hành chính quốc gia được xác định có thể chuyển lên khu vực Ba Vì. Tuy nhiên đồ án cũng nêu: “Trung tâm hành chính quốc gia có thể chưa được quyết định ngay trong giai đoạn này và có thể sẽ mất vài chục năm để quyết định...”.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đây là đề xuất không hợp lý bởi trung tâm hành chính quốc gia là trung tâm chính trị của thủ đô, của đất nước. Theo ông Hùng, quy hoạch trung tâm hành chính quốc gia phải được khẳng định ngay trong lần quyết định quy hoạch chung cho thủ đô tới đây. Vấn đề đó, phải được xem xét, cân nhắc kỹ để đảm bảo yếu tố bản sắc tiêu biểu của Việt Nam, của thủ đô Hà Nội thời kỳ đổi mới.

Khu vực trung tâm Hà Nội đang trở nên chật chội và quá tải. Ảnh: Trần Bình

Khu vực trung tâm Hà Nội đang trở nên chật chội và quá tải. Ảnh: Trần Bình

Theo GS Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, việc nhiều công trình, trụ sở các bộ đang được xây dựng quanh khu vực Mỹ Đình thì việc chuyển lên Ba Vì sẽ khó khả thi. “Suốt 50 năm qua mới dần ổn định trung tâm chính trị của cả nước ở khu vực Ba Đình, nay còn lúng túng ở khu vực Mỹ Đình nữa, thì sao có thể trong 20 năm tới ổn định ở Ba Vì được?” - GS Nguyễn Quang Thái nói.

Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết việc chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì cũng gặp bất lợi về mọi mặt. Theo ông Đăng, trung tâm hành chính quốc gia là hạt nhân quan trọng nhất của một thủ đô. Chuyển trung tâm hành chính lên chân núi Ba Vì là sự “dời đô” lần thứ hai, là thiếu coi trọng giá trị ngàn năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, được thực hiện từ Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ đến nay. Ngoài ra, về mặt xã hội, việc dịch chuyển này còn bất lợi về mặt kinh tế, chi phí xây dựng khổng lồ và gây ra sự xáo trộn về giao thông...

Giảm tải khu trung tâm

Để giảm tải sức ép cho khu vực nội đô, các nhà tư vấn đề xuất giải pháp đến năm 2030 di dời 400.000 dân ra khỏi nội thành. Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng biện pháp này khó khả thi vì nhiều công trình cao tầng, các trung tâm dịch vụ - thương mại, khách sạn, cửa hàng, chung cư cao tầng đang tiếp tục được xây dựng chen trong 4 quận nội thành đã đè nặng lên hạ tầng kỹ thuật lạc hậu của Hà Nội. Đó được xem là nguyên nhân chính của việc tăng dân số một cách chóng mặt về cơ học và gây ra tình hình căng thẳng về giao thông của Hà Nội hiện nay.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc xây dựng các tuyến đường vành đai có thể giải quyết vấn đề giao thông quá cảnh của Hà Nội. Nhưng muốn giải quyết triệt để nạn ách tắc giao thông ở nội thành thì phải phát triển nhiều khu vực đô thị vệ tinh, đa chức năng để giảm bớt nhu cầu đi lại của dân đô thị và khách vãng lai. Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng phương án quy hoạch giao thông đô thị của các nhà tư vấn mới chỉ “say sưa” vào việc mở rộng hệ thống giao thông bên ngoài, trong khi vấn đề giao thông nội đô cũng như biện pháp giảm tải giao thông nội thị chưa được coi trọng.

Theo nhiều nhà khoa học tại hội thảo, bản đồ án Quy hoạch chung cho thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều điểm mang tính định hướng, thiếu cơ sở khoa học về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo... Vì thế, chưa thể dùng làm cơ sở để quy định chi tiết và áp dụng vào thực tế ngay thời điểm này. Theo chương trình làm việc trong phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 6 đến 13-5-2010, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo UBTV QH về đồ án nói trên, trong đó sẽ xem xét, chọn lọc, cập nhật cả những ý kiến đóng góp mới nhất, thiết thực nhất.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục