Vẽ đường, hươu chạy đúng

Mới đây, học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TPHCM xôn xao, cảm thấy không thoải mái khi phải chấp hành “quy định riêng và ngầm” - nam nữ không được ngồi chung trong lớp và nếu ngồi trong khuôn viên của trường thì phải cách xa nhau nửa mét. Cái cảm giác bị cấm đoán và bị xử lý nếu vi phạm khiến các cô cậu ở tuổi vị thành niên cảm thấy bị gò bó, lo sợ sẽ phạm quy. Nhiều học sinh bức xúc cho rằng ngồi xa như thế thì làm sao trao đổi kiến thức, bài vở? Chẳng lẽ phải nói thật to để người đối diện nghe rõ? Quy định “miệng” và do giáo viên chủ nhiệm thực hiện cũng khiến nhiều phụ huynh thắc mắc, thấy không cần thiết.

Mới đây, học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TPHCM xôn xao, cảm thấy không thoải mái khi phải chấp hành “quy định riêng và ngầm” - nam nữ không được ngồi chung trong lớp và nếu ngồi trong khuôn viên của trường thì phải cách xa nhau nửa mét. Cái cảm giác bị cấm đoán và bị xử lý nếu vi phạm khiến các cô cậu ở tuổi vị thành niên cảm thấy bị gò bó, lo sợ sẽ phạm quy. Nhiều học sinh bức xúc cho rằng ngồi xa như thế thì làm sao trao đổi kiến thức, bài vở? Chẳng lẽ phải nói thật to để người đối diện nghe rõ? Quy định “miệng” và do giáo viên chủ nhiệm thực hiện cũng khiến nhiều phụ huynh thắc mắc, thấy không cần thiết.

Theo giải thích của Hiệu trưởng ngôi trường THPT có tên tuổi này thì việc sắp xếp nam nữ ngồi riêng chỉ thực hiện ở những lớp học sinh “có vấn đề” - quan hệ tình cảm trên mức bình thường. Giáo viên chủ nhiệm là người “điểm danh” những cặp đôi yêu nhau. Và cũng theo vị hiệu trưởng, khi phát hiện những trường hợp học sinh đang cặp kè, yêu nhau, có biểu hiện yêu thương thân mật, thậm chí ôm hôn nhau… đều mời phụ huynh đến để cùng khuyên nhủ chứ không hề xử phạt. Theo quan điểm của nhà trường, nếu không có khuyến cáo đồng nghĩa với khuyến khích học sinh yêu đương và không lo học. Và kết quả mà trường Nguyễn Thượng Hiền đạt được là sau khi được khuyên nhủ, nhiều cặp đôi đã biết suy nghĩ, chuyển tình yêu thành tình bạn.

Có thể nói việc làm của Ban Giám hiệu nhà trường xuất phát từ ý tốt, muốn học sinh của mình tập trung học, thay vì yêu đương. Thế nhưng, cách làm này lại khiến học sinh không cảm thấy thoải mái và khiên cưỡng chấp hành. Chính việc cấm nam nữ ngồi chung đã vô hình trung tước đoạt sự vô tư, hồn nhiên trong trắng của tình học trò, lứa tuổi thích nghịch ngợm, chọc ghẹo nhau. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rõ ở độ tuổi THPT, tâm sinh lý phát triển và học sinh có nhu cầu kết bạn, nảy sinh xúc cảm với người khác giới là quy luật tự nhiên, khó tránh khỏi. Vì vậy, thay vì cố gắng kiểm soát, ngăn cản, người lớn hãy hiểu nhu cầu có thật của tuổi mới lớn. Từ đó chia sẻ, hướng dẫn các em đi đúng đường, biết bảo vệ bản thân trước những cám dỗ, tỉnh táo và kiểm soát xúc cảm để không bị lạc vào “vườn yêu”.

Thực tế cho thấy, khi càng cấm thì các em càng tò mò, càng muốn khám phá, trải nghiệm. Vì vậy, nhà trường chỉ có thể quản lý các em tại trường, còn sau cổng trường, các em làm gì, người lớn khó có thể biết rõ. Mặc dù trường học nào cũng báo cáo thành tích đã có phòng tư vấn tâm lý học đường, thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính, nhưng học sinh được sẻ chia những khó khăn ở tuổi mới lớn và lĩnh hội được bao nhiêu kiến thức về giới tính, sinh sản… thì khó có thể đo lường được. Thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục cần phải thay đổi cách nhìn đối với học sinh ở độ tuổi mới lớn để giúp các em phát triển tâm sinh lý lành mạnh và nếu yêu sớm thì cũng biết cách tự bảo vệ bản thân, kiểm soát được xúc cảm tuổi bồng bột. Như đúc kết của các chuyên gia về tâm lý, thì thay vì cấm, hãy “vẽ đường cho hươu chạy đúng”.

NHƯ HÀ

Tin cùng chuyên mục